Trong cuộc gặp gỡ một số cơ quan báo chí Việt Nam vào chiều 2.7, Đại sứ Mỹ tại VN Daniel Kritenbrink không chỉ thảo luận về hợp tác giữa hai nước mà còn về sáng kiến Mạng lưới kinh tế thịnh vượng; đồng thời lên án những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lễ đón đoàn hải quân Mỹ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam ngày 5.3.2020
Cuộc gặp gỡ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ.
Chúng ta đã có thể gọi nhau là bạn bè
Nêu việc kim ngạch thương mại 2 chiều lên tới 77 tỉ USD, 30.000 sinh viên Việt Nam đang học ở Mỹ, quan hệ tốt đẹp trên cả lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cho thấy 2 nước đã chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng, Đại sứ Mỹ cho rằng “chúng ta đã cùng nhau đạt được rất nhiều thành tựu, mà thành tựu lớn nhất là chúng ta đã có thể gọi nhau là bạn bè, đối tác một cách rất chân thành”.
“Mỹ có lợi ích trong việc hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, mạnh mẽ, thịnh vượng. Mối quan hệ của chúng ta được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau. Tương lai của chúng ta kết nối với nhau. Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi. Thịnh vượng của các bạn là thịnh vượng của chúng tôi. Tôi hết sức lạc quan về những thành tựu chúng ta có thể đạt được trong 25 năm sau”, đại sứ nhấn mạnh.
Phản đối Trung Quốc cưỡng ép về chủ quyền
Tại cuộc gặp, trả lời về hợp tác an ninh hàng hải, trong đó có việc 3 tàu sân bay Mỹ đang hiện diện tại Thái Bình Dương, Đại sứ Kritenbrink cho biết Washington muốn khẳng định lợi ích lâu dài của mình trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực.
“Ở Biển Đông, các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải hành xử theo luật pháp quốc tế, đưa ra các tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế. Các quốc gia lớn hơn không thể bắt nạt hay đe dọa các quốc gia nhỏ hơn. Chúng tôi tin tưởng vào các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông; tin tưởng vào quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông”, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh và khẳng định Mỹ “phản đối các hành động của Trung Quốc trong việc can thiệp và cản trở các quốc gia khai thác dầu khí trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động lâu năm của Việt Nam”.
Đại sứ Mỹ cũng “lấy làm tiếc” trước việc Trung Quốc ngăn cản các hoạt động tự do thương mại, kinh tế không chỉ trên Biển Đông mà còn ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific). Theo ông, Trung Quốc đã có nhiều hành động hung hăng, gây tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định trên Biển Đông trong nhiều năm qua.
Tái định hình chuỗi sản xuất toàn cầu
Có một sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức về an ninh quốc gia khi Trung Quốc lợi dụng sự trỗi dậy về kinh tế để định hình lại trật tự quốc tế ở khu vực Á – Âu. Đại dịch Covid-19 càng chỉ rõ ra nhận thức này khi thế giới đã bị lệ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Mỹ và nhiều nước đã nhận thấy an ninh kinh tế và ngoại giao kinh tế là chìa khóa, thậm chí có thể xem là yếu tố cốt lõi, của sức mạnh quốc gia và tạo ảnh hưởng toàn cầu.
Từ đó, sáng kiến Mạng lưới kinh tế thịnh vượng ra đời (gồm “Tứ giác kim cương” Mỹ – Úc – Nhật Bản – Ấn Độ mở rộng thêm 3 đối tác Việt Nam – Hàn Quốc – New Zealand) để kết nối nhiều quốc gia cùng hình thành một mạng lưới, phối hợp vượt qua sự cưỡng ép về kinh tế, hình thành các quy tắc chung về thương mại và chuỗi cung ứng thay thế, nhằm tách rời khỏi mạng lưới sản xuất toàn cầu hiện nay vốn tập trung về đầu mối Trung Quốc.
Tập trung vào ngoại giao kinh tế, Mạng lưới kinh tế thịnh vượng có thể rất quan trọng trong việc tái định hình hệ thống thương mại toàn cầu, được cam kết bởi những định hướng, đóng góp và hỗ trợ từ các thành viên trong cùng mạng lưới.
PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada)