Saturday, January 4, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ điều thêm hàng nghìn binh sỹ tới châu Á-Thái Bình Dương

Mỹ điều thêm hàng nghìn binh sỹ tới châu Á-Thái Bình Dương

Trong nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, Mỹ điều hàng nghìn lính rút khỏi Đức đến tăng cường cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nhận định, đối mặt với Trung Quốc được coi là “thách thức địa chính trị quan trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh” và quân đội Mỹ sẽ bắt tay vào việc tái tổ chức để thể hiện vai trò dẫn dắt toàn cầu.

“Tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, người Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với thách thức địa chính trị quan trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”, ông Robert O’Brien cho hay. “Để chống lại hai đối thủ cạnh tranh lớn là Trung Quốc và Nga, các lực lượng Mỹ phải được triển khai ở nước ngoài theo hướng viễn chinh hơn so với những năm gần đây”.

Để đạt được mục đích này, chính quyền Mỹ sẽ giảm lực lượng đóng quân ở Đức từ 34.500 quân xuống còn 25.000. Theo đó, 9.500 binh sĩ rút khỏi Đức sẽ được triển khai lại ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hoặc gửi trở lại các căn cứ ở Mỹ.

Theo ông Robert O’Brien, trong số binh sĩ rút khỏi Đức, có vài nghìn binh sĩ dự kiến ​​sẽ triển khai lại các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản và Australia.

Bình luận của ông Robert O’Brien được đưa ra sau khi Mỹ có sự điều chỉnh trong chính sách ưu tiên của nước này. Theo đó, trong Chiến tranh Lạnh, các chiến lược gia quốc phòng Mỹ cho rằng điều quan trọng là phải duy trì một lực lượng trên bộ khổng lồ ở châu Âu để kiềm chế Liên Xô.

Trong những năm 2000, trọng tâm chủ yếu tập trung vào Trung Đông khi Mỹ tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố” tại Iraq và Afghanistan. Còn giờ đây, các ưu tiên của Mỹ sẽ tập trung vào việc kiềm chế và ngăn chặn Trung Quốc.

Gần đây, Bắc Kinh tiếp tục đầu tư để gia tăng tiềm lực cho lực lượng quân đội của nước này.

“Sách trắng Quốc phòng” của Chính phủ Nhật Bản ước tính chi tiêu quốc phòng thực sự của Trung Quốc vượt quá ngân sách hàng năm được công bố, gấp 3 lần Nga. Trung Quốc liên tục tăng cường các hệ thống tên lửa chính xác và trang bị radar tinh vi trong nỗ lực ngăn các tàu và máy bay chiến đấu của Mỹ tiếp cận bờ biển nước này.

Theo các nhà phân tích, có 3 xu hướng trong các hoạt động toàn cầu của quân đội Mỹ. Đầu tiên là sự dịch chuyển về mặt địa lý từ châu Âu và Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương. Thứ hai là sự chuyển đổi từ chiến đấu trên bộ sang khái niệm “trận chiến trên không”. Thứ ba, đặc trưng nhất đối với ông Trump là mong muốn tiết kiệm chi tiêu quốc phòng.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đã giảm xuống còn 131.000 quân vào năm 2018, trong khi đó trong năm 1987 quân Mỹ đóng tại đây ở mức 184.000.

Mức giảm này của Mỹ ở khu vực ít hơn nhiều so với mức giảm đã diễn ra ở châu Âu, từ 354.000 xuống còn 66.000 quân trong cùng khung thời gian này. Đây là xu hướng mà Mỹ muốn hướng tới việc xây dựng lực lượng quân đổi nhỏ, gọn và hiệu quả hơn.

Chính quyền Trump đang đàm phán với Hàn Quốc trong nỗ lực kéo dài việc lính Mỹ đồn trú tại đây, nhằm hỗ trợ quân sự cho nước này và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tương tự với Nhật Bản từ mùa thu.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới