Trung Quốc chỉ muốn căng thẳng với quốc gia láng giềng Ấn Độ giới hạn ở phạm vi tranh chấp biên giới, nhưng Ấn Độ đã tẩy chay toàn diện hàng hóa và các dự án đầu tư của Trung Quốc.
Người Ấn Độ biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Theo SCMP, các nhà quan sát từ lâu nhận định một cuộc chiến tranh lạnh mới một khi xảy ra sẽ là căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Nhưng căng thẳng biên giới Trung-Ấn lên tới đỉnh điểm hồi tháng trước đã kéo theo nhiều hệ lụy sâu rộng.
Hàng hóa Trung Quốc ở Ấn Độ bị tẩy chay, các công ty Trung Quốc mất hợp đồng làm ăn với Ấn Độ. Bộ Thương mại Trung Quốc đã phải lên tiếng bày tỏ hi vọng Ấn Độ sẽ sớm “chấm dứt phân biệt đối xử” và tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Các nhà quan sát nhận định, Trung Quốc có thể đối mặt với kịch bản ác mộng khi một mặt phải đối phó với làn sóng tẩy chay ở Ấn Độ, mặt khác vẫn phải đương đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại và cạnh tranh ảnh hưởng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Hồi tuần này, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phải lên tiếng trấn an khi khẳng định Trung Quốc chưa đưa ra bất kì đòn trừng phạt kinh tế nào nhằm vào Ấn Độ.
Việc Ấn Độ ngày càng trỗi dậy trong khu vực, làm thay đổi cán cân quyền lực giữa Ấn Độ và Pakistan, cũng như triển vọng Ấn Độ liên minh với Mỹ, khiến New Delhi chiếm vị trí lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Pang Zhongying, nhà phân tích quan hệ quốc tế tại Đại học Đại Dương ở Trung Quốc, đánh giá, trong vòng 2 thập kỷ qua, Ấn Độ đã chuyển mình từ gã khổng lồ ở Nam Á trở thành cường quốc châu Á.
“Quan hệ Trung-Ấn ngày càng chiếm vị thế quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đáng tiếc rằng Bắc Kinh đã không kiểm soát được vấn đề biên giới để tình hình trở nên nghiêm trọng, trong khi vẫn phải căng mình đối phó với Mỹ”, ông Pang nói.
“Đối với Trung Quốc, viễn cảnh đối mặt với quân đội Mỹ trên biển và đương đầu với Ấn Độ ở biên giới phía tây và Ấn Độ Dương là kịch bản rất nghiêm trọng và ngày càng trở thành sự thật”, Yun Sun, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson ở Washington, Mỹ, nói.
“Trung Quốc muốn giành chiến thắng về mặt chiến thuật, giống như kết cục cuộc chiến biên giới năm 1962. Nhưng dường như tình hình đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát”, Sun nói.
Viễn cảnh Trung Quốc dựa vào Ấn Độ để đối phó Mỹ hay trông cậy vào Ấn Độ trong các hiệp định thương mại khu vực, lôi kéo Ấn Độ vào Sáng kiến Vành đai, Con đường nay đã đổ vỡ.
Dibyesh Anand, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Westminster ở London, Anh, nói Trung Quốc đã làm tổn hại lòng tin của người Ấn Độ.
“Trung Quốc coi mình như ‘anh cả’, muốn chiếm ưu thế hơn Ấn Độ. Nhưng đối với Ấn Độ, New Delhi muốn xây dựng mối quan hệ ngang hàng với Bắc Kinh và được tôn trọng”, Anand nói.
Theo các chuyên gia, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là tránh biến căng thẳng biên giới Trung-Ấn bùng phát thành chiến tranh toàn diện. Bởi đó sẽ là kịch bản ác mộng khi Trung Quốc phải đương đầu ở cả hai mặt trận, đó là với Ấn Độ và Mỹ.
“Trung Quốc có thể giành thắng lợi trước Ấn Độ trên phương diện chiến thuật mà không chịu tổn hại gì nhiều. Nhưng làm đổ vỡ quan hệ Trung-Ấn chỉ càng khiến Bắc Kinh để lộ thêm điểm yếu trước Washington”, Sun nói.