Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTrung - Nhật 'nguội lạnh' vì Hong Kong và Covid-19

Trung – Nhật ‘nguội lạnh’ vì Hong Kong và Covid-19

Kế hoạch thăm Nhật của ông Tập trở nên bấp bênh, khi quan hệ hai nước vốn phức tạp giờ thêm căng thẳng vì tình hình Hong Kong và Covid-19.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Bắc Kinh hồi tháng 12/2019.

Tình hình hiện nay được cho là rất khác so với tháng 12 năm ngoái, khi Thủ tướng Nhật Abe Shinzo gặp mặt và dùng bữa tối cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Đây là cuộc gặp thứ tư giữa hai lãnh đạo, kể từ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của ông Abe hồi tháng 10/2018.

Tại sự kiện đó, ông Tập cho biết hai nước nên “thúc đẩy quan hệ song phương phát triển liên tục theo lộ trình đúng đắn, với tinh thần biến cạnh tranh thành hợp tác”, Xinhua đưa tin.

Cuối năm ngoái cũng là thời điểm Bắc Kinh và Tokyo phối hợp chặt chẽ để sắp xếp kế hoạch chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của ông Tập, dự kiến diễn ra vào tháng 4. Nếu được tổ chức, đây sẽ là chuyến thăm Nhật cấp nhà nước đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 2008. Nhiều người đã kỳ vọng một văn bản chính trị quan trọng giữa hai nước sẽ được ký, đặt nền móng cho quan hệ song phương trong tương lai.

Tuy nhiên, chuyến thăm bị hoãn vô thời hạn do sự bùng phát của Covid-19. Cũng từ đó, quan hệ Trung – Nhật bắt đầu nguội lạnh vì nhiều lý do khác nhau, từ những tranh cãi liên quan đến nguồn gốc đại dịch, cho tới vấn đề luật an ninh Hong Kong.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cảnh báo luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc mới áp đặt tại Hong Kong “sẽ ảnh hưởng đáng kể” đến kế hoạch đón tiếp ông Tập.

Hôm 3/7, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật cũng kêu gọi Tokyo hủy chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, viện dẫn tình hình Hong Kong hiện nay. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã thể hiện phản ứng gay gắt trước động thái này, tuyên bố Bắc Kinh phản đối Tokyo “can thiệp vào vấn đề Hong Kong”.

“Một số người tại Nhật Bản lâu nay quen với việc đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về nội bộ của quốc gia khác, phóng đại vấn đề chính trị. Điều tôi muốn nói là những bộ phim chống Trung Quốc của họ không có ý nghĩa gì với Bắc Kinh. Chúng tôi không có thời gian và cũng không hứng thú với việc làm trò giải trí cho họ”, ông Triệu phát biểu.

Theo bình luận viên Laura Zhou của SCMP, Nhật Bản đã phản ứng gay gắt bất thường với cách Trung Quốc xử lý vấn đề Hong Kong. Tại một cuộc họp báo hôm 30/6, khi được hỏi về luật an ninh mới, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga gọi việc Bắc Kinh thông qua đạo luật là động thái “đáng tiếc”, cụm từ có sắc thái mạnh thứ hai trong ngôn ngữ ngoại giao Nhật Bản, sau từ “lên án”.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo vốn không êm ấm liên quan đến tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông từ năm 2010. Tuy nhiên, trong hai năm qua, hai nước đã có những động thái “hâm nóng” rõ ràng, được cho là xuất phát từ sự lạnh nhạt trong quan hệ với Mỹ, cũng như thực tế Bắc Kinh và Tokyo ngày càng tìm thấy nhiều lợi ích chung.

Các nhà quan sát nhận định những phát ngôn gần đây của giới chức Nhật Bản cho thấy họ đang mất lòng tin sâu sắc trở lại trong quan hệ với Trung Quốc. “Niềm hy vọng ngày càng tăng lên rằng việc hai nước hợp tác chống Covid-19 sẽ giúp cải thiện hơn nữa quan hệ song phương, nhưng ẩn dưới đó là một đợt sóng ngầm mạnh mẽ. Mối quan hệ đã sụp đổ hoàn toàn vào thời điểm nguy hiểm”, Liu Jiangyong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Một số nghị sĩ bảo thủ thuộc đảng cầm quyền của ông Abe đã thúc đẩy việc hủy chuyến thăm của ông Tập, với những lý do như vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và khu tự trị Tân Cương. Thái độ công khai chống lại Trung Quốc cũng ngày càng tiêu cực trong vài tháng qua.

Quyết định hoãn Thế vận hội Tokyo 2020 do Covid-19, sau 7 năm chuẩn bị và hàng chục tỷ USD đầu tư, là một đòn giáng mạnh mẽ vào nền kinh tế Nhật Bản cũng như chính phủ của ông Abe, khiến mức tín nhiệm giảm xuống thấp nhất trong vòng hai năm.

Giới phê bình tại Nhật Bản đổ lỗi cho ông Abe vì không cấm du khách Trung Quốc ngay từ khi Covid-19 bùng phát, khiến Thế vận hội bị hoãn. Sau khi đại dịch xuất hiện, ông Abe và ông Tập cũng chưa từng lên tiếng về phía bên kia, ngay cả khi công chúng Trung Quốc hoan nghênh Nhật Bản vì hỗ trợ khẩu trang và vật tư y tế. Đây cũng được coi là một trong những dấu hiệu đầu tiên của căng thẳng song phương.

Trong khi đó, ông Tập đã điện đàm ba cuộc với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và hai cuộc với Tổng thống Mỹ Donald Trump, bất chấp tình hình căng thẳng giữa hai nước. Giới lãnh đạo Trung Quốc được cho là còn tức giận với việc Nhật Bản nằm trong số các quốc gia G7 ký tuyên bố chung hôm 17/6, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về luật an ninh Hong Kong.

Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia các vấn đề quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo, cho rằng Nhật Bản đang bị bủa vây bởi áp lực từ cả Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ, và Mỹ, một đồng minh lâu năm.

“Một mặt, Nhật không thể hạ thấp tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc, vốn đang trên đà đi lên từ năm 2018. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt áp lực từ Mỹ và các đồng minh phương Tây trong việc thể hiện sự đoàn kết và đồng lòng phản đối luật an ninh Hong Kong”, ông giải thích.

Chuyên gia cho hay ông Abe còn hứng chỉ trích vì không đủ cứng rắn để bảo vệ kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Tập. “Giờ đây, khi hội nghị vẫn nằm ngoài kế hoạch, cùng với căng thẳng bùng phát trên biển Hoa Đông, Tokyo có khả năng cảm thấy thoải mái hơn khi cùng các nước phản đối Bắc Kinh”, Hardy-Chartrand đánh giá.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng Nhật vẫn cố gắng kiềm chế. Yakov Zinberg, giáo sư nghiên cứu Đông Á tại Đại học Kokushikan ở Tokyo, cho rằng việc Nhật Bản dùng cụm từ “đáng tiếc” khi đề cập tới luật an ninh Hong Kong thể hiện những tính toán xa hơn.

“Nhật Bản những năm gần đây không tích cực chỉ trích Trung Quốc. Tình trạng đó được duy trì do những lo ngại kinh tế đối với Tokyo, cũng như mong muốn tăng cường hợp tác thương mại. Những vấn đề quan trọng hơn khiến Tokyo sẽ không đi quá xa. Thương mại và những mối liên hệ khác giữa họ với Bắc Kinh rất quan trọng”, Zinberg nêu ý kiến.

Mặc dù vậy, các chuyên gia đều đồng tình rằng quan hệ Trung – Nhật có thể tiếp tục căng thẳng trong vài tháng tới, bởi sự gần gũi giữa họ dựa trên mục đích thực dụng thay vì thực sự chung quan điểm.

Hồi năm 2018, Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên theo chân Mỹ ngăn tập đoàn viễn thông Huawei xây dựng mạng 5G. Tuần trước, họ diễn tập hải quân cùng Ấn Độ, quốc gia đang căng thẳng với Trung Quốc vì vụ đụng độ ở biên giới, động thái này được coi là một phần trong nỗ lực lâu dài của Tokyo nhằm đối đầu với Bắc Kinh, Hardy-Chartrand nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới