Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLinh kiện TQ nguy hiểm hơn cả Huawei?

Linh kiện TQ nguy hiểm hơn cả Huawei?

Dù Úc đã từ chối cấp phép cho Huawei tham gia các dự án hạ tầng 5G nhưng linh kiện điện tử Trung Quốc thì không thể.

Daily Mail hôm 8/7 đưa tin, nước Úc nghi ngờ các linh kiện trọng yếu cho mạng di động 5G ở quốc gia này có thể được sản xuất bởi một công ty có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc.

Tập đoàn điện tử Panda (trụ sở ở Nam Kinh, Trung Quốc) có liên doanh tại Trung Quốc với hãng Ericsson (Thụy Điển) – hãng cung cấp thiết bị cho anten 5G được sử dụng bởi các nhà mạng ở Úc là Telstra và Optus.

Bộ Quốc phòng Mỹ vào tuần trước cảnh báo rằng Tập đoàn điện tử Panda “thuộc sở hữu, kiểm soát hoặc trực thuộc chính phủ, quân đội hoặc ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc”.

Như vậy, ngay cả khi Úc cấm hãng Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển mạng 5G do lo ngại về an ninh quốc gia, các linh kiện Trung Quốc dễ bị can thiệp từ nước ngoài tiếp tục tồn tại trong hệ thống công nghệ thế hệ mới này.

Theo chuyên gia John Lee tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ (Úc) cho rằng các linh kiện nhỏ này không phải là mối đe dọa trước thời 5G và Internet vạn vật nhưng thế hệ mạng viễn thông thứ 5 đã làm mọi chuyện thay đổi.

“Với 4G hoặc 3G, bạn có thể bảo vệ khá dễ dàng trước công nghệ đó, nhưng dưới 5G thì mọi việc rất khác. Bất cứ sản phẩm nào tương tác trong mạng 5G sẽ kết nối với mọi thứ khác nên chúng tôi càng lo ngại hơn về ăng ten có thể sản xuất ở Trung Quốc chẳng hạn” – ông John Lee phân tích.

Ông Lee phân tích rằng mạng 5G có thể bị lợi dụng để thu thập thông tin tình báo, bên cạnh việc phá hoại các cơ sở hạ tầng trọng yếu như mạng lưới điện, hệ thống cấp nước và ngân hàng.

Trước các lo ngại về bảo mật của linh kiện Trung quốc, hãng Ericsson bác bỏ việc sử dụng công nghệ của Panda trong bất cứ thiết bị viễn thông nào bán cho các khách hàng Úc.

Trong khi đó, nhà mạng Optus khẳng định tuân thủ mọi sự sắp đặt về an ninh của cơ quan chức năng, còn Telstra cho hay đã làm việc chặt chẽ với Ericsson nhằm đảm bảo mọi thiết bị mạng an toàn.

Ericsson cho biết các sản phẩm đáp ứng “mọi yêu cầu liên quan của Chính phủ Úc”.

Linh kiện Trung Quốc ngập tràn hàng quốc phòng Mỹ

Sau khi phát hiện các linh kiện do Trung Quốc chế tạo trong máy bay chiến đấu F-35, một cuộc điều tra do Lầu Năm Góc tiến hành đã phát hiện nhiều linh kiện của Trung Quốc có trong các loại vũ khí lớn khác của Mỹ, trong đó có máy bay ném bom B-1B của tập đoàn Boeing và máy bay chiến đấu F-16 của Lockheed Martin.

Theo một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ, nguyên liệu Titan được khai thác ở Trung Quốc cũng có thể đã được sử dụng để chế tạo các bộ phận của loại tên lửa đánh chặn SM-3IIA mới đang được công ty Raytheon và Nhật Bản hợp tác phát triển.

Ngoài ra, Mỹ còn cho phép sử dụng linh kiện Trung Quốc đối với máy bay chiến đấu F-35 trong đó có những bộ nam châm giá 2 USD được sử dụng trong những hệ thống radar trên 115 chiếc máy bay chiến đấu F-35.

Những nam châm được chế tạo từ kho nguyên liệu thô của Trung Quốc cũng được phép sử dụng trên các máy bay chiến đấu F-16 và máy bay ném bom B-1B. Ông Frank Kendall cho biết hồi tháng 1 rằng có thể phải chi mất hơn 10 triệu USD để nâng cấp và thay thế những bộ nam châm 2 USD trên những chiếc máy bay chiến đấu F-35 này.

Ngoài những vũ khí kể trên, các chuyên gia còn phát hiện trên siêu hạm Zumwalt, máy bay vận tải C-130 hiện cũng đang dùng một số linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Nguồn tin thừa nhận, hiện chỉ có chương trình F-35 cơ bản đã giải quyết được số linh kiện kém chất lượng nói trên, trong khi đó phần lớn số vũ khí khác dùng thiết bị từ Trung Quốc hiện Mỹ vẫn chưa thể giải quyết được triệt để. Vấn đề này Mỹ chỉ có thể giải quyết xong trong vài năm tới.

Và việc phải phụ thuộc vào nguồn linh kiện kém chất lượng từ Trung Quốc đã khiến Quân đội Mỹ phải trả giá. Cụ thể, trong lần ra biển thử nghiệm hồi cuối năm 2016, siêu hạm Zumwalt đã bất ngờ chết máy.

Dù chi tiết về kết quả điều tra không được Mỹ tiết lộ nhưng một thông tin khiến không chỉ giới quân sự Mỹ bất ngờ đó là nguyên nhân khiến chiến hạm siêu đắt đỏ này chết máy có liên quan đến linh kiện Trung Quốc.

Sau sự cố này 1 năm, gần 20 binh sĩ Mỹ đã bỏ mạng do chiếc vận tải cơ C-130 gặp tai nạn thảm khốc khi đang bay thì bất ngờ mất độ cao và lao xuống đất với cùng nguyên nhân như siêu hạm Zumwalt.

Không chỉ lo ngại về vấn đề an ninh, việc Mỹ quá phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc còn có thể khiến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ tê liệt vì biện pháp trừng phạt ngược của Bắc Kinh. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra khi cả Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới