Thursday, November 7, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBiển Đông: TQ muốn gì khi nối lại đàm phán về COC?

Biển Đông: TQ muốn gì khi nối lại đàm phán về COC?

Trung Quốc đồng ý nối lại đàm phán với các đối tác Đông Nam Á về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào lúc khởi động đợt tập trận quy mô ở Hoàng Sa. Đây là đòn “vừa đấm vừa xoa” của Trung Quốc, một cử chỉ hòa hoãn của Bắc Kinh nhắm vào các đối tác ASEAN, hay ngược lại là dấu hiệu chính quyền Trung Quốc đang rất tự tin vào khả năng áp đặt luật chơi với vùng biển mà 55 % hàng hóa của Đông Nam Á phải đi qua ?

Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông được xem là một công cụ pháp lý mang tính ràng buộc nhằm giảm « căng thẳng, duy trì hòa bình, ổn định và an ninh » tại vùng biển này. Tiến trình đàm phán COC được dự trù vào đầu năm nay đã bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Lần gần đây nhất các bên thảo luận với nhau về COC là hồi tháng 10/2019. Bắc Kinh từng cho biết mong muốn COC chóng được hoàn tất để có hiệu lực vào năm 2021 và thậm chí còn nêu lên viễn cảnh kết thúc đàm phán nội trong năm nay. Hứa hẹn kèm theo là với COC, các bên không còn phải bận tâm về an ninh trên biển.

Tuy nhiên một số nhà quan sát cho rằng virus corona chỉ là cái cớ để Trung Quốc áp dụng kế hoãn binh, tranh thủ thời gian thế giới bị chia trí vì Covid-19 để tiếp tục lấn chiếm biển đảo, qua đó « đặt thế giới trước chuyện đã rồi ».

Đề xuất khởi động lại đàm phán COC đã được Bắc Kinh đưa ra nhân hội nghị tham vấn ASEAN –Trung Quốc hôm 01/07/2020. Trước đó, trong thượng đỉnh trực tuyến hôm 26/06/2020 dưới sự chủ tọa của Việt Nam, các nước Đông Nam Á đã tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết với nước láng giềng khổng lồ này. Trong bản quyên bố chung, ASEAN đã nêu bật mối quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển Liên Hiệp Quốc –UNCLOS, xem đây là « cơ sơ để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp » phù hợp với luật pháp quốc tế.

Không đi sâu vào chi tiết và không trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung của ASEAN lên án các vụ tàu khảo sát Trung Quốc cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia, hay các vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm hồi tháng 4 và tháng 6/2020, việc Bắc Kinh lập hai quận mới ở Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định thêm quyền quản lý các khu vực này.

Phải chăng thái độ cứng rắn hiếm thấy của ASEAN đã thúc đẩy Bắc Kinh tỏ nhã ý nối lại đàm phán COC ?

Theo quan điểm nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore, có thể là Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh của mình vào lúc mà một phần công luận trong khu vực phải đối phó với dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, mà Indonesia và Philippines là hai quốc gia Đông Nam Á có số nạn nhân cao nhất trong vùng.

Về phần giáo sư Stephen Nagy, trường Đại Học Công Giáo Tokyo, ông cho rằng đề nghị của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm này cho thấy Bắc Kinh tin tưởng sẽ quay trở lại bàn đàm phán, dù là qua cầu truyền hình, trong « thế mạnh », trong lúc nhiều nước ASEAN đã bị Covid-19 làm suy yếu, nhất là về mặt kinh tế. Sự hiện diện dồn dập của Hải Quân Trung Quốc và những hành động nhằm phô trương sức mạnh của guồng máy quân đội Trung Quốc tại Biển Đông gần đây cũng có thể là một đòn răn đe để nhắn nhủ với các nước Đông Nam Á rằng, các bên đều có lợi một khi Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hoàn tất và có hiệu lực.

Để COC có thể được áp dụng từ năm tới, các bên chỉ còn rất ít thời gian để tiếp tục đàm phán. Giới quan sát cho rằng chưa chắc Bắc Kinh có thể dễ dàng cho ASEAN « uống nước đường », và chèn ép được các đối tác trong khu vực, trong bối cảnh mà bản thân các nước Đông Nam Á đang gặp nhiều khó khăn và cần khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc.

Nhượng bộ Trung Quốc về những quyền lợi trên biển là điều không dễ làm, như ghi nhận của giáo sư Jay Batongbacal về luật biển quốc tế, thuộc trường Đại Học Philippines. Ông đánh giá đàm phán trong giai đoạn sắp tới về COC sẽ gay go, nhưng cũng không loại trừ khả năng để cứu vãn thể diện, các bên có thể sẽ phác họa ra một văn bản thỏa thuận rất chung chung, bởi vì ASEAN và Trung Quốc « không có sự chọn lựa nào khác. Đôi bên sẽ phải tiếp tục đối thoại, tránh để một trong hai phía tuyên bố rút lui, vì đó sẽ là một thất bại ».

Nói tóm lại như đánh giá của tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun ngày 07/07/2020, mặc dù đề xuất nối lại đàm phán về COC, Trung Quốc vẫn tiếp tục khuấy động Biển Đông và vẫn thiên về đối thoại giữa Bắc Kinh « với các nước liên quan », mà muốn quên đi yếu tố Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới