Bài viết trên báo Trung Quốc về những diễn biến mới liên quan đến hai cuộc tập trận của Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 8/7/2020.
Ảnh minh họa.
Tờ báo Sohu của Trung Quốc mới rút ra một kết luận sau: các tàu sân bay Mỹ không thể khiến Trung Quốc phải sợ hãi, nhưng các tên lửa của Trung Quốc cũng không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ.
Tác giả bài báo trên Sohu nói trên viết: “Như đã biết, tàu sân bay là sức mạnh tác chiến chủ yếu của Hải quân Hoa Kỳ.
Nếu tính tới sự xa cách về địa lý giữa nước Mỹ lục địa Mỹ với Trung Quốc thì trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột Mỹ-Trung, chính Hải quân Mỹ sẽ đóng vai trò chính trong việc tấn công các mục tiêu quân sự của Trung Quốc.
Các tàu sân bay Mỹ hoạt động liên tục trên Thái Bình Dương và chúng mang một số lượng rất lớn các máy bay tiêm kích.
Về bản chất, tàu sân bay là một sân bay di động. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc- đây hoàn toàn cũng chỉ là những con tàu, và trong mọi trường hợp những tàu này đều có thể bị đánh chìm cùng với tất cả những máy bay trên đó.
Một tàu sân bay Mỹ không thể khiến Trung Quốc phải sợ hãi, bởi vì Trung Quốc có loại vũ khí có thể đánh chìm tàu sân bay, và thêm nữa, những vũ khí này lại có giá khá rẻ”.(hết trích từ Sohu)
Căn cứ vào những gì ta được biết, có lẽ Trung Quốc đã lên kế hoạch sử dụng các tên lửa “Dongfeng” (“Đông phong”) để chống lại các tàu sân bay Mỹ.
Các tên lửa “Dongfeng-21D”, “Dongfeng-26” và “Dongfeng-17” có tầm bắn đủ để cho phép chúng tấn công các tàu sân bay và tàu tuần dương lớn của đối phương đang hoạt động trên Thái Bình Dương gần vùng lãnh hải Trung Quốc.
Những tên lửa này có khả năng tấn công các mục tiêu di động, và như vậy, các tàu sân bay Mỹ đã không còn là bất khả xâm phạm nữa.
Tuy nhiên, tờ Sohu Trung Quốc này cũng nhấn mạnh: “Một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là ít có khả năng xảy ra. (Bởi vì) Trước hết, cả Trung Quốc và Mỹ đều là các cường quốc hạt nhân.
Tên lửa “Dongfeng-41” của Trung Quốc có tầm bắn hơn 10.000 km và có thể tấn công nhiều thành phố của Mỹ cùng lúc. Nhưng Mỹ lại có nhiều vũ khí hạt nhân hơn Trung Quốc.
Và cho dù các tàu ngầm Trung Quốc có khả năng phá hủy nhiều thành phố của Mỹ bằng cách phóng tên lửa nhằm vào các thành phố đó, Mỹ lại có một hệ thống phòng thủ chống tên lửa rất hiện đại.
Thứ hai, trong một cuộc chiến tranh thông thường không sử dụng vũ khí hạt nhân, các khả năng của Trung Quốc và Mỹ sẽ tương đương nhau: mặc dù có những ưu thế về kỹ thuật, nhưng Quân đội Mỹ lại thua Trung Quốc về (khả năng huy động) lực lượng dự bị động viên, và vũ khí của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa cũng đang được phát triển và hoàn thiện.
Thứ ba, vì cả Trung Quốc và Mỹ đều là ủy viên (thường trực) Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nên một cuộc xung đột giữa hai nước cũng khó có khả năng xảy ra. Trung Quốc- đó không phải là Iraq hay Venezuela để (Mỹ) có thể áp dụng các biện pháp tống tiền chính trị và kinh tế.
Nếu Mỹ cố tình phát động một cuộc chiến tranh chống Trung Quốc, những hành động như vậy sẽ không được cộng đồng quốc tế ủng hộ”. (hết trích)
Với nhận xét trên của Sohu (thứ ba) , có lẽ nên bổ sung thêm một ý là Nga có thể cũng sẽ phản đối một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Có vẻ như hiện giờ Trung Quốc đang là một quốc gia thân thiện đối với Nga và một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Trung Quốc sẽ gây ra phản ứng rất tiêu cực từ phía Matxcova.
Nếu tính rằng Nga cũng là một cường quốc hạt nhân, Mỹ chắc gì đã muốn hành động như một kẻ khiêu khích châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ từ bỏ các hành động chống Trung Quốc. Cuộc chiến tranh (Mỹ- Trung) sẽ mang tính chất phức hợp:
không phải tên lửa và tàu sân bay- các tin tặc, những người biểu tình trên đường phố và các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ trở thành loại vũ khí thực thụ của cả hai bên.