Để giành lợi thế trên đường đua bầu cử tháng 11 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc phải vực dậy nền kinh tế theo hình chữ V, đồng thời lấy lại niềm tin của người dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Cả hai vấn đề trên đều liên quan Trung Quốc. Do đó, chọn lựa chính sách gì để đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ trước Trung Quốc sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành bại cuộc đua sắp tới.
Thỏa thuận thương mại gặp khó
Ông Trump mới đây cho biết thỏa thuận thương mại “giai đoạn hai” với Trung Quốc hiện nay không còn là ưu tiên, sau khi quan hệ hai bên “tổn hại nghiêm trọng” vì dịch bệnh COVID-19. Trên chuyên cơ Không lực Một đến Florida ngày 10-7, ông Trump tiếp tục “đổ lỗi” cho Trung Quốc: “Họ đáng ra đã phải ngăn tai họa này. Họ đáng ra phải chặn nó lại. Nhưng họ không ngăn”.
Trọng tâm của thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” ký tháng 1-2020 là việc Trung Quốc cam kết mua 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản như đậu nành và thịt heo.
Nhưng rồi Trung Quốc đến nay chưa thực thi cam kết như mong đợi từ phía Mỹ. Các chuyên gia Mỹ thực ra đã sớm xem lời hứa này là không thực tế.
Chính vì vậy, khi được hỏi liệu căng thẳng Mỹ – Trung sẽ khiến thỏa thuận “giai đoạn hai” đổ vỡ hay không, ông Trump khẳng định ông thậm chí không nghĩ về nó nữa vì hiện nay ông còn nhiều thứ phải lo.
Đã có hơn 3 triệu người Mỹ mắc COVID-19, và trong số này ít nhất 133.000 người đã chết, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Thiệt hại nhân mạng và kinh tế, cộng thêm tâm lý xã hội bất ổn, lại càng khiến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc lúc này trở nên quan trọng hơn, như một cứu cánh cho nền kinh tế và cả khả năng tái đắc cử của ông Trump.
Ngổn ngang trước bầu cử
Tuần này, phe vận động tranh cử của ứng viên tổng thống bên Đảng Dân chủ Joe Biden đã chỉ trích thỏa thuận “giai đoạn một” của ông Trump: “Cuộc chiến thương mại tất tay và thỏa thuận “giai đoạn một” trống rỗng của Trump với Trung Quốc là một thảm họa chưa từng thấy, gây ra sự tổn thương tối đa cho công nhân và nông dân Mỹ, trong khi đã không làm gì để ngăn sự lạm dụng thương mại của Bắc Kinh”.
Tuy nhiên, việc ông Trump khẳng định “không nghĩ tới” thỏa thuận tiếp theo với Trung Quốc lại nhiều khả năng là chiêu bài hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Tuyên bố trên được đưa ra khi hàng loạt mối quan tâm chính của ông Trump trên bàn nghị sự đều ngổn ngang trước thềm bầu cử. Trong nước, số ca COVID-19 tiếp tục tăng mạnh và ảnh hưởng tới tỉ lệ chấp thuận của cử tri. Việc Trung Quốc chưa thực thi thỏa thuận “giai đoạn một” cũng tạo áp lực lên nông dân, những cử tri đang chờ ông Trump thực hiện lời hứa.
Trong khi đó, tình hình Triều Tiên cũng không mấy sáng sủa. Bà Kim Yo Jong, em gái của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, mới đây cũng bi quan cho rằng sẽ khó có một cuộc thượng đỉnh nào sắp tới.
Tuy vậy, những khó khăn và dang dở này mặt khác lại tạo một lợi thế đặc biệt cho ông Trump trong cuộc bầu cử. Theo đánh giá của truyền thông Mỹ, thỏa thuận tiếp theo với Trung Quốc sẽ là tâm điểm, với việc các bên lo ngại một trong hai nước sẽ rút lui khỏi “thỏa thuận một”.
Điều này có xảy ra hay không cũng là tin không vui cho… Đảng Dân chủ của ứng viên Biden, người đã không ở vị trí tham gia thỏa thuận với Trung Quốc ngay từ đầu, cũng là người không thể nào buộc phía Trung Quốc phải “xóa cờ chơi lại”, tức phá hỏng nỗ lực đàm phán suốt 2 năm qua.