Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ bác bỏ yêu sách nào của TQ ở Biển Đông?

Mỹ bác bỏ yêu sách nào của TQ ở Biển Đông?

Trong tuyên bố mới nhất, Mỹ bác bỏ gần hết các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam.

Đá Subi thuộc cụm Thị Tứ, quần đảo Trường Sa – Ảnh: REUTERS

Đúng như thông tin trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có tuyên bố chính thức về lập trường của Mỹ ở Biển Đông trong văn bản phát rạng sáng 14-7.

Theo nội dung đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Trung Quốc đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố điều đó vào năm 2009.

“Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi đang tăng cường chính sách của Mỹ trong một phần quan trọng và gây tranh cãi của khu vực ấy – Biển Đông.

Chúng tôi đang làm rõ một điều: các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như là chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng”, ông Pompeo viết trong tuyên bố đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cho rằng Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền hàng hải phi pháp và bắt nạt láng giềng, ông Pompeo nêu rõ lập trường của Mỹ đối với Biển Đông và các yêu sách của Trung Quốc.

“Như Mỹ đã khẳng định trước đó, và như được quy định cụ thể trong UNCLOS 1982, quyết định của tòa trọng tài là quyết định cuối cùng và ràng buộc về pháp lý đối với cả hai bên. Hôm nay chúng tôi điều chỉnh lập trường của Mỹ đối với các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông với quyết định của Tòa trọng tài. Cụ thể là:

Trung Quốc không thể áp đặt yêu sách hàng hải hợp pháp – bao gồm bất kỳ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào bắt nguồn từ bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa – liên quan tới Philippines trong các khu vực mà tòa trọng tài nhận thấy là EEZ hoặc trong vùng thềm lục địa của Philippines.

Việc quấy rối của Trung Quốc với ngư dân và việc phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực trên là phi pháp, tương tự bất kỳ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác những tài nguyên này…

Vì Bắc Kinh không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, mạch lạc ở Biển Đông, Mỹ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài khu vực 12 hải lý tính từ các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (không gây tổn hại đến các tuyên bố chủ quyền của những bên khác đối với các đảo này).

Do đó, Mỹ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở những vùng nước xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Cụm bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei, và đảo Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối việc đánh cá và phát triển hydrocarbon (dầu mỏ) của các bên khác ở những vùng biển này – hoặc đơn phương thực hiện các hành động ấy – là phi pháp.

Trung Quốc không có tuyên bố lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp đối với (hoăc xuất phát từ) Bãi ngầm James, một thực thể chìm hoàn toàn chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được truyền thông tuyên truyền Trung Quốc đề cập như “phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc”.

Luật pháp quốc tế lại rõ ràng: Một thực thể chìm dưới biển như Bãi ngầm James không thể bị tuyên bố chủ quyền bởi bất kỳ nước nào, và không có khả năng tạo ra các khu vực hàng hải. Bãi ngầm James (gần 20m dưới mặt nước biển) không và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, cũng không thể là nơi Bắc Kinh áp đặt bất kỳ quyền hàng hải hợp pháp nào từ nó.

Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, và bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt tư tưởng “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới