Mỹ vốn không công nhận các yêu sách hàng hải quá mức của Trung Quốc, và đã tiến hành các đợt tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) để nhấn mạnh điều này.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp
– Ảnh: CSIS/AMTI
Washington thời gian qua giữ trung lập đối với yêu sách chủ quyền trên các đảo trong khu vực. Nhưng với tuyên bố bác bỏ các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã thay đổi lập trường. Một số lựa chọn của Mỹ sẽ là:
Về yêu sách hàng hải, sẽ công nhận và tiếp nhận rõ ràng việc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 về Biển Đông như đã nêu trong phán quyết của Tòa trọng tài. Điều này sẽ phù hợp với các đợt FONOPs của Mỹ đến nay, và sẽ mang tới sự hỗ trợ bổ sung cho quan điểm của ASEAN.
Về yêu sách lãnh thổ, Mỹ có thể bày tỏ sự ủng hộ cho một nước nào đó khác liên quan tới bất kỳ hoặc toàn bộ các đảo.
Ở quần đảo Đông Sa (Pratas), Mỹ có thể công nhận nó thuộc về Đài Loan. Ở Hoàng Sa, Mỹ có thể bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và công nhận nó thuộc về Việt Nam.
Ở Trường Sa, Mỹ có thể bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và cân nhắc các đảo nhân tạo của Trung Quốc không thể tạo ra các vùng được hưởng quyền hàng hải nào khác ngoài 500m an toàn…
Về yêu sách của Trung Quốc nói chung, Mỹ có khả năng bác bỏ một cách rõ ràng với bất kỳ và toàn bộ các yêu sách quá mức này, dù là được mô tả theo “đường chín đoạn” hay gần đây hơn là khái niệm “Tứ Sa”, tạo ra các khu vực hàng hải quá mức, không phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài.
Trong khi đó đối với các hoạt động của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách quá mức, Mỹ sẽ tiếp tục cho rằng đây là hành vi bắt nạt (như đâm chìm tàu cá, quấy rối tàu chiến và máy bay), và cho các hành động hung hăng này vào dạng sẽ kích hoạt phản ứng tự vệ.
Lý do cho những động thái tiềm năng của Mỹ nêu trên có thể bắt nguồn từ việc Trung Quốc ngày càng hung hăng. Bắc Kinh đã có hành động đe dọa và đơn phương đối với Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia thông qua các cuộc thăm dò địa chất, nghiên cứu khoa học biển, đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác mà không có thỏa thuận trước, đâm chìm tàu cá nước khác, cũng như khai thác dầu khí trong thềm lục địa của các nước khác…
Xét tới hành vi cưỡng ép quyết đoán gần đây của Trung Quốc, sự đồng thuận ngày càng tăng của ASEAN đối với phán quyết của Tòa trọng tài, thậm chí một thay đổi nhỏ trong lập trường trung lập lâu nay của Mỹ cũng sẽ khiến các yêu sách quá mức của Trung Quốc trở nên càng bất hợp pháp, và cô lập Trung Quốc trong vấn đề này, nhất là đặt trong mối liên quan với các nước láng giềng của Trung Quốc tại Đông Nam Á.
Đây sẽ là một bước tiến quan trọng tới việc khiến tất cả các nước đưa ra quan điểm chính thức và rõ ràng để chống lại các yêu sách quá mức của Trung Quốc.
Nhìn chung, tuyên bố của Mỹ có thể khiến căng thẳng trong khu vực tăng lên, nhưng nếu có, trách nhiệm thuộc về Trung Quốc. Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, không cố áp đặt ý chí của mình lên các nước láng giềng.
Một nỗ lực phối hợp chống lại yêu sách của Trung Quốc, tới từ khu vực thông qua ASEAN và bên ngoài do Mỹ dẫn đầu, là kết quả đương nhiên xuất phát từ những hành xử của Trung Quốc hai năm qua.