Bằng cách tuyên bố nhiều hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, Mỹ có thể áp đặt lệnh trừng phạt với các công ty Trung Quốc có hoạt động ở vùng biển tranh chấp.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) (trái) và tàu tấn công đổ bộ USS Boxer (LHD 6) trên Biển Đông hồi tháng 10/2019. Ảnh: AFP.
Lần đầu tiên Mỹ đưa ra quan điểm rõ ràng về Biển Đông
Trao đổi với phóng viên chuyên trang Trí Thức Trẻ/Báo điện tử Tổ quốc, Murray Hiebert, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ nhận định, đây là lần Mỹ liệt kê cụ thể các yêu sách trên biển của Trung Quốc mà Washington xem là phi pháp. Bằng cách này, Mỹ đã chọn quan điểm vững chắc về tranh chấp biển khi Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố, các yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ở hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn phi pháp.
Lưu ý về thời điểm đưa ra quan điểm của Mỹ, ông Murrat Hiebert cho rằng, tuyên bố này được đưa ra ngay trước khi Việt Nam đăng cai Hội nghị ngoại trưởng ASEAN và diễn đàn khu vực thảo luận về vấn đề Biển Đông. Tuyên bố này cũng được đưa ra vào giai đoạn Washington và Bắc Kinh có một số xung đột trong nhiều lĩnh vực, từ Covid-19 đến thương mại, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay Hồng Kông; cũng như sau khi Trung Quốc quấy rối việc khai thác dầu khí ngoài khơi của Việt Nam trong 3 năm qua và Malaysia trong 2 năm gần đây. Bắc Kinh cũng quấy rối các ngư dân Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định, sau phán quyết của tòa quốc tế PCA được đưa ra vào năm 2016, sự phản đối của Mỹ đối với các yêu sách của Trung Quốc đã diễn ra dưới hình thức ngầm – kêu gọi tất cả các bên tuân thủ phán quyết.
Lần này, quan điểm của Mỹ không chỉ cụ thể hơn mà còn rõ ràng hơn trong cách thể hiện, loại bỏ quan điểm “mơ hồ” trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Theo một cách nào đó, khó có thể nói rằng Mỹ trung lập vì họ hiện đang có một quan điểm rõ ràng về phán quyết, ủng hộ các điều khoản của UNCLOS chống lại các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Singapore nói trong phản hồi qua email.
Lý giải về thời điểm đưa ra quan điểm, Collin Koh cho rằng, có thể những lời chỉ trích đối với chính sách của Mỹ với vấn đề Biển Đông đã được lắng nghe, đặc biệt là trong các nhóm nghiên cứu. Tất nhiên, thời điểm là rất quan trọng, ngoài nhân dịp 4 năm phán quyết PCA, tại Mỹ đang diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Và cả Trump và Biden đều có sự phản đối đối với Trung Quốc, thậm chí cả 2 ứng viên dường như còn đang cạnh tranh xem ai có thể cứng rắn hơn với Bắc Kinh, ông Koh bình luận.
Đặc biệt, điều quan trọng cũng cần lưu ý là năm nay là thời điểm mối quan hệ với Trung Quốc đang ở mức thấp mới so với những năm trước. Ngay trong nửa đầu năm nay, đã có nhiều dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua chống lại Trung Quốc, như vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương và Huawei. Do đó, tuyên bố gần đây về Biển Đông của Mỹ không chỉ phản ánh thời điểm mà còn cả sự đồng thuận ngày càng tăng của cả 2 đảng đối với thách thức dài hạn mà Trung Quốc đặt ra đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Báo hiệu chiến lược toàn diện hơn ở Biển Đông của Mỹ
Dự báo về diễn biến sắp tới ở Biển Đông, chuyên gia của CSIS cho rằng, sau Tuyên bố này, có thể Washington sẽ nêu vấn đề Biển Đông thường xuyên hơn ở góc độ quốc tế và ngoại giao. Mỹ có thể tăng cường hoạt động huấn luyện và cung cấp thiết bị để giúp các nước như Việt Nam và Philippines tăng cường năng lực trên biển.
Ngoài ra, bằng cách tuyên bố nhiều hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, Mỹ có thể áp đặt lệnh trừng phạt với các công ty nhà nước của Trung Quốc có hoạt động vi phạm ở vùng biển tranh chấp, ông Murray Hiebert nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia Collin Koh nhìn nhận rằng, quan điểm mới của Mỹ có thể báo trước một chiến lược ở Biển Đông toàn diện hơn ngoài việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và các cam kết an ninh mà sẽ bao gồm các chiến lược khác, như các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Tuy nhiên, chuyên gia người Singapore cũng lưu ý, rõ ràng, tuyên bố của Mỹ sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường không chỉ các phát ngôn chống lại sự tham gia của Washington vào vấn đề Biển Đông, mà còn thách thức đối với các hoạt động quân sự của Mỹ tại đây – qua đó làm tăng nguy cơ về các sự cố giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc.
Động thái của Mỹ cũng có thể khiến Trung Quốc tìm cách xúc tiến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), vì Bắc Kinh có thể muốn bộ quy tắc này như một minh chứng rằng ASEAN và Trung Quốc có thể tự giải quyết vấn đề Biển Đông mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài.
Về phía ASEAN, chuyên gia người Singapore cho rằng, tuyên bố này có thể như một sự hỗ trợ cho ASEAN khi đàm phán với Trung Quốc về COC nhưng cũng có khả năng sẽ gây ra nhiều rạn nứt trong ASEAN. Một số quốc gia thành viên có thể cảm thấy được khuyến khích để có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, trong khi một số người khác sẽ không tán đồng vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, hoặc đơn giản là họ không muốn bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa 2 siêu cường, ông Koh bình luận thêm.