Dồn dập các động thái quân sự của Mỹ và Trung Quốc liên quan Biển Đông. Nổi bật nhất là sự hiện diện dày đặc của lực lượng hải quân hai nước, các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của cả hai bên. Nó khiến Biển Đông mênh mông là thế bỗng trở nên chật chội. Nó cũng khiến Biển Đông vốn đã nóng, càng thêm nóng bỏng trong thời điểm hiện nay.
Ảnh: Hai tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan trong lần tập trận ở Biển Đông
Lần đầu tiên sau hàng chục năm, Mỹ đã điều 3 tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan và USS Nimitz tuần tra cùng lúc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tiếp đó, Washington gửi các nhóm tấn công tàu sân bay Nimitz cùng Ronald Reagan tới các cuộc tập trận kép ở Biển Philippines vào cuối tháng 6 và nửa đầu tháng 7.
Những cuộc tuần tra, tập trận quân sự với quy mô chục năm mới có một lần của các tàu sân bay tối tân – lực lượng được coi là “biểu tượng sức mạnh Mỹ ” vào thời điểm căng thẳng Mỹ – Trung leo thang chưa từng thấy, được hiểu như lời cảnh báo của Mỹ đối với tham vọng bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.
Đánh giá sự kiện này, có người ví nó như “màn trình diễn hỏa lực khổng lồ” của Washington trước Bắc Kinh.
Vốn đã tức tối về việc Mỹ là “quốc gia bên ngoài khu vực, nằm cách xa Biển Đông hàng chục nghìn dặm” mà luôn “chõ miệng”, “thò tay, thò chân” vào “ao nhà” của mình để khua khoắng, phá bĩnh, gây sự, Trung Quốc – làm như mình là nạn nhân của trò gây hấn – la toáng lên trước thiên hạ rằng: chính Mỹ là thủ phạm đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Giao thiệp, phản đối qua đường ngoại giao chưa đủ, Trung Nam Hải còn cậy có hệ thống truyền thông đồ sộ, nhất là những tờ “to mồm” nhất, “đầu gấu” nhất như Global Times (Thời báo Hoàn cầu), dồn dập tung ra các thông tin, bình luận cáo buộc Washington “cố gắng khoe khoang năng lực quân sự, đe dọa Trung Quốc và thực thi các chính sách bá quyền của mình”.
Không dừng ở đấu khẩu, Trung Quốc trả đũa Mỹ cũng bằng các cuộc tập trận với quy mô lớn. Tiếp sau cuộc tập trận phi pháp từ ngày 1-5/7 trên quần đảo Hoàng Sa, từ ngày 15 đến ngày 16/7, Bắc Kinh cho một lữ đoàn thuộc Chiến khu nam tiến hành cuộc diễn tập tấn bắn đạn thật và đưa các máy bay tiêm kích tới đảo Phú Lâm – quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Ít nhất, có hai điều dư luận chú ý đối với động thái quân sự mới nhất này của Trung Quốc:
Thứ nhất, cuộc tập trận diễn ra gần như ngay sau ngày Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chính thức bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đồng, đồng thời, khẳng định Mỹ và thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình; Mỹ ủng hộ các đồng minh và đối tác tại Đông Nam Á trong bảo vệ quyền chủ quyền với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, thống nhất với các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế…
Thứ hai, không úp mở như trước kia, Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) phát oang oang, nhấn mạnh rằng “hơn 3.000 tên lửa đã được bắn về phía các mục tiêu đang hoạt động trên biển” trong cuộc tập trận mới nhất của quân đội Trung Quốc.
Mục tiêu gì, không nói, ai cũng biết: không thể không có các tàu chiến, tàu sân bay của Mỹ nghênh ngang cả tháng trời nay trên Biển Đông khiến Bắc Kinh vô cùng ngứa mắt.
Cái sự “oang oang” có chủ đích đó thể hiện điều gì, nếu không phải là bắn ngược lại Washington thông điệp rằng: Trung Quốc khác xưa rồi, là nền kinh tế có quy mô 15 nghìn tỷ USD; là một siêu cường mới nổi; có một quân đội đáp ứng được các tham vọng mà Trung Quốc đặt ra. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Và Mỹ,hãy trở về bên kia Thái Bình Dương đi lo việc nhà của mình là chống covid-19 đi,v.v…
Thông điệp đó nhất quán với điều mà Trung Quốc cũng từng “oang oang trước đây ít lâu, rằng: “Các tàu chiến Mỹ, bất kể lượng choán nước lớn và công nghệ tiên tiến, thực sự là “hổ giấy” ở Biển Đông, vì quân đội Trung Quốc có lợi thế áp đảo ở đó”; “Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Trung Quốc…”.
Xem ra, Biển Đông đã và đang trở thành điểm thử giữa các cường quốc, chứ không chỉ những cuộc va chạm, xung đột cục bộ giữa gã khổng lồ Trung Quốc và các nước láng giềng khác – những nước trong con mắt của Bắc Kinh, là “nhược tiểu” – dù bướng bỉnh như Việt Nam.
Nhưng càng thế, cộng đồng quốc tế càng lo ngại hơn nữa về các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Bởi, một khi cả hai gã khổng lồ này không biết kiềm chế, cùng “già néo”, việc “đứt dây’ có thể diễn ra bất kỳ lúc nào kéo theo những hậu quả vô cùng thảm khốc, không chỉ với kẻ trong cuộc, mà còn với cả thế giới.
Đ.T
Comments are closed.