Mỹ đang tổ chức các cuộc tập trận trên các đại dương, có sự tham gia của 3 thành viên “Tứ giác kim cương” là Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu chiến của lực lượng Nhật Bản, Australia trong cuộc tập trận 3 bên tại biển Philippines vào ngày 21/7.
(Ảnh: Nikkei/Lực lượng phòng vệ Nhật Bản)
Ngày 21/7, Mỹ thông báo đã bắt đầu cuộc tập trận 3 bên tại biển Philippine với Nhật Bản và Australia. Mỹ điều tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương USS Antietam, tàu khu trục USS Mustin trong khi Australia điều các tàu hộ vệ Stuart, Arunta cùng tàu khu trục Hobart, tàu đổ bộ trực thăng Canberra tham gia. Trong khi đó, Nhật Bản điều tàu khu trục Teruzuki tới tập trận.
Tại Ấn Độ Dương, vào cuối tuần trước, Mỹ và Ấn Độ tổ chức tập trận chung dưới sự dẫn dắt của hàng không mẫu hạm của Washington, USS Nimitz.
Như vậy, cả 4 nước “Tứ giác Kim cương” đã tập trận gần như cùng lúc với nhau trên Ấn Độ – Thái Bình Dương và giới quan sát cho rằng đây là động thái nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc về các hành động của Bắc Kinh trong khu vực.
Các nhà phân tích đang chú ý tới các diễn biến tiếp theo xem liệu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có mời Australia tham gia vào cuộc tập trận Malabar vào cuối năm hay không. Trên thực tế, Australia từng tham gia cuộc tập trận này vào năm 2007 như một thành viên không chính thức. Vào năm 2018, Ấn Độ đã tạm loại tên Canberra ra khỏi cuộc tập trận nhằm tránh những suy đoán rằng họ đang lập một nhóm quân sự để đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên, căng thẳng leo thang giữa Trung – Ấn ở biên giới trong những tuần gần đây được xem đang tác động tới sự cân nhắc của New Delhi.
Derek Grossman, chuyên gia từ tổ chức Rand (Mỹ), nhận định nếu cả 4 thành viên “Tứ giác kim cương” cùng thực hiện tập trận với nhau, đây sẽ là biểu tượng thể hiện sự quyết tâm thống nhất nhằm đối phó và cạnh tranh với Trung Quốc trên khắp Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ngoài Ấn Độ, 3 thành viên còn lại của “Tứ giác kim cương” cũng đều đang có căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc.