Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngThêm B-52 tập trận với 2 tàu sân bay ở Biển Đông,...

Thêm B-52 tập trận với 2 tàu sân bay ở Biển Đông, Mỹ muốn nói gì với TQ?

Việc oanh tạc cơ B-52 tham gia diễn tập cùng hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông cho thấy, Mỹ muốn phô trương sức mạnh rõ nét hơn trước Trung Quốc.

Mỹ điều thêm oanh tạc cơ B-52 tập trận với 2 tàu sân bay ở Biển Đông nhằm phô trương sức mạnh trước Trung Quốc. (Ảnh: The Sun)

Một chuyên gia Trung Quốc nhận định, việc Lầu Năm Góc tái điều động oanh tạc cơ chiến lược B-52H tới đảo Guam nằm ở Tây Thái Bình Dương cùng hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tới Biển Đông giữa lúc hải quân Trung Quốc đang tiến hành đợt tập trận quy mô lớn ở vùng biển chiến lược không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là nhằm “phô trương sức mạnh”.

Theo thông tin được truyền thông Nga đăng tải, máy bay ném bom B-52H có khả năng mang theo các tên lửa hành trình và bom hạt nhân, đã khởi hành từ căn cứ không quân Barksdale tại Mỹ vào ngày 4/7 và tới đảo Guam sau hành trình bay 28 tiếng đồng hồ. Tuyên bố từ quân đội Mỹ nhấn mạnh, chuyến bay của oanh tạc cơ B-52H nhằm thể hiện cam kết của Bộ Chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ về đảm bảo an ninh và ổn định ở khu vực.

Còn theo thông báo từ Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, oanh tạc cơ B-52H đã tham gia vào cuộc tập trận cùng hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan trên Biển Đông trước khi hạ cánh xuống căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam.

Chỉ huy Phi đội Máy bay ném bom 96, Tướng Christopher Duff cho biết, “B-52H thể hiện khả năng triển khai nhanh tới các căn cứ và thực hiện những sứ mệnh tấn công tầm xa. Chuyến bay lần này thể hiện năng lực hoạt động xa căn cứ quê nhà để thực hiện sứ mệnh ở khắp nơi trên thế giới”.

Các oanh tạc cơ của Mỹ bao gồm B-52H cùng dàn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tàu ngầm hạt nhân chiến lược là ba vũ khí hạt nhân chính trong kho vũ khí của Mỹ. Trong đó, oanh tạc cơ B-52H có thể mang tới 31 tấn thuốc nổ vượt quãng đường hơn 6.400 km và có thể một mình thực hiện sứ mệnh. B-52 hiện là xương sống trong lực lượng máy bay ném bom của Mỹ. Lịch sử hoạt động của các máy bay ném bom B-52 là hơn 60 năm. Quân đội Mỹ được cho sẽ sử dụng B-52 tới năm 2050.

Trước đó, hôm 4/7, hải quân Mỹ thông báo hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan sẽ bắt đầu di chuyển trên Biển Đông. Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ cũng cho biết, liên quan tới hoạt động tấn công trên không và phòng không, hai nhóm tác chiến tàu sân bay cùng với các tàu hộ vệ sẽ thực hành năng lực “chống lại các cuộc tấn công tiềm tàng từ đối phương”.

Mỹ muốn nói gì với Trung Quốc?

Ông Wang Ya’nan, Tổng biên tập Aerospace Knowledge đã chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu hôm 5/7 rằng, không hề có sự trùng hợp mà là chủ đích khi Mỹ tái triển khai máy bay ném bom B-52H tới đảo Guam và tiến hành đợt tập trận quy mô lớn với sự tham gia của hai nhóm tác chiến tàu sân bay. Tất cả nhằm mục đích thể hiện khả năng tấn công tầm xa của quân đội Mỹ ở đảo Guam. Đây cũng là cách Mỹ thể hiện năng lực chiến đấu của nhóm tác chiến tàu sân bay.

Theo ông Wang, quân đội Mỹ chủ yếu muốn “phô cơ bắp”. “Bằng cách triển khai đợt tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, Mỹ muốn thể hiện sức mạnh của lực lượng một cách rõ ràng hơn trước Trung Quốc”, ông Wang nói.

Cũng theo ông Wang, B-52 và B-1B đều là các oanh tạc cơ được trang bị các tên lửa hành trình chống hạm, nhưng chúng không thường xuyên được sử dụng trong các đợt tập trận quy mô lớn.

Ông Wang nói thêm, trước đây Mỹ triển khai các oanh tạc cơ B-1B mang theo tên lửa chống hạm tầm xa để thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Còn máy bay ném bom B-52 cũng nhiều lần tham gia tập trận tùy thuộc vào nội dung diễn tập.

“Màn phô trương sức mạnh lớn nhất mà B-52H thể hiện là bắn đạn thật trên biển cùng khả năng tiếp liệu trên không và tuần tra”, ông Wang cho hay.

Theo thông tin trên trang web của Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ, các oanh tạc cơ B-52H và chiến đấu cơ Mỹ từng thực hiện bay theo đội hình.

Oanh tạc cơ chiến lược B-52H được tái triển khai tới đảo Guam sau 3 tháng. Trước đó, vào ngày 17/4, quân đội Mỹ đã rút 5 chiếc B-52H tại căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam. Đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ máy bay ném bom chiến lược B-52H được rút hoàn toàn khỏi căn cứ trên đảo Guam kể từ năm 2004.

Hoạt động tái triển khai oanh tạc cơ B-52H tới đảo Guam càng thể hiện khái niệm “triển khai lực lượng năng nổ” mà quân đội Mỹ muốn hướng tới. Giới chuyên gia cho rằng, mục đích của khái niệm này là triển khai lực lượng quy mô lớn trong tình huống bất ngờ nhằm ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc và Nga. Do đó, việc tái triển khai B-52H sẽ nhằm mục đích phô trương sức mạnh của Mỹ trên các vùng biển gần Biển Đông và biển Hoa Đông.

Còn theo ông Wang, lực lượng máy bay ném bom của Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện trên đảo Guam. Ngoài lịch sử hoạt động lâu dài, oanh tạc cơ B-52H còn được trang bị vũ khí dẫn hướng tầm xa tấn công chính xác phóng từ trên không. Máy bay có thể tấn công các mục tiêu là tàu thuyền hoạt động trên mặt nước quanh đảo Guam và những khu vực nằm xa hơn.

Nói cách khác, B-52 chính là mối đe dọa lớn đối với các đối thủ hàng hải của Mỹ. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ hiện xem đảo Guam chính là căn cứ thể hiện sức mạnh trên biển vượt trội ở toàn khu vực Tây Thái Bình Dương. 

Nhân kỷ niệm Quốc khánh Mỹ 4/7, hải quân Mỹ cũng đã cho công bố đoạn video về cuộc tập trận của hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động đáp trả những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới