Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngChính quyền TQ sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất...

Chính quyền TQ sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất khẩu trang cho dịch COVID-19

Một cuộc điều tra của The New York Times (NYT) phát hiện ra rằng, một số công ty Trung Quốc đang sử dụng nguồn nhân lực bị nghi ngờ là “lao động cưỡng bức” từ dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương để sản xuất các khẩu trang và các vật dụng y tế khác trong đại dịch COVID-19. Các nhà quan sát chỉ ra rằng chương trình cưỡng bức lao động là do chính quyền Trung Quốc bảo trợ, trong khi đó Bắc Kinh gọi đây là hình thức “xóa đói giảm nghèo”.

Video được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy những người đàn ông Duy Ngô Nhĩ bị cạo trọc đầu, bị bịt mắt, còng tay, và bị vận chuyển tới
các nhà máy cưỡng bức lao động (ảnh chụp và ghép từ vieo).

Theo công bố của chính quyền Trung Quốc, chỉ có 4 công ty ở Tân Cương sản xuất thiết bị bảo vệ y tế trước khi xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, theo cuộc điều tra của NYT, tính đến 30/6, có tới 51 công ty ở khu vực này sản xuất các thiết bị y tế. Sau khi xem xét các bản tin của giới truyền thông nhà nước và hồ sơ công khai của Trung Quốc, NYT nhận thấy rằng ít nhất 17 trong số các công ty đó có hoạt động vận chuyển lao động, trong đó có những người Duy Ngô Nhĩ bị đưa tới để làm việc tại các nhà máy.

Các công ty này phục vụ chủ yếu cho nhu cầu trong nước, nhưng NYT đã xác định được một số công ty khác ngoài Tân Cương sử dụng lao động người Duy Ngô Nhĩ để xuất khẩu hàng hoá ra toàn cầu. Phóng viên của tờ báo đã theo dõi một lô hàng khẩu trang cho một công ty cung ứng y tế ở bang Georgia của Hoa Kỳ. Lô hàng này đến từ một nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc, tại đó có hơn 100 công nhân Duy Ngô Nhĩ được gửi đến. Các công nhân được yêu cầu học tiếng Quan Thoại và phải cam kết trung thành với chính quyền Trung Quốc tại các buổi lễ chào cờ hàng tuần.

Chính sách này của ĐCSTQ được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước như một hình thức “xóa đói giảm nghèo”. Phòng điều tra nhân quyền tại Đại học California và tổ chức Dự án nhân quyền Duy Ngô Nhĩ đã thu thập được hàng chục video và báo cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội ghi lại những vụ vận chuyển lao động gần đây.

NYT đã liên hệ Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ để đề nghị bình luận. Người phát ngôn của Đại sứ quán nói rằng chương trình này giúp cư dân địa phương có việc làm, thoát khỏi nghèo đói và tiến tới cuộc sống no đủ.

Tuy nhiên, bà Amy K. Lehr, giám đốc của Sáng kiến ​​Nhân quyền tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết đó là hành vi cưỡng ép lao động. Bà nói với NYT rằng chương trình của Trung Quốc thực chất là buộc người dân phải vào làm việc tại các nhà máy. “Và đó có thể được coi là lao động cưỡng bức theo luật pháp quốc tế”, bà Amy nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới