Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ và Australia quyết liệt áp sát trước những yêu sách chủ...

Mỹ và Australia quyết liệt áp sát trước những yêu sách chủ quyền phi lý của TQ ở Biển Đông

Trước việc Trung Quốc tiếp tục có thêm những hành động nhằm áp đặt quyền kiểm soát trên Biển Đông, các nước có lợi ích trong việc duy trì một Biển Đông tự do thông thương đang có những biện pháp triệt để hơn để ngăn không cho Trung Quốc thực hiện mưu đồ của họ.

Buộc các nước phải có phản ứng trước những việc làm phi pháp

Theo các chuyên gia, tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông mang một quy mô to lớn chưa từng thấy, cũng như chưa từng có tiền lệ trong luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế buộc phải chọn lựa giữa việc duy trì những vùng biển chung tự do, rộng mở và bảo vệ luật quốc tế hoặc là để yên, nhường cho Trung Quốc quyền kiểm soát thường xuyên các hoạt động kinh tế, quân sự trên một vùng đại dương rộng lớn có tính then chốt và chiến lược.

Không ai mong muốn một kịch bản tồi tệ như vậy và điều đó thúc đẩy các nước phải có phản ứng trước những việc làm phi pháp của Trung Quốc. Đó là lý do dẫn đến sự thay đổi có tính căn bản trong quan điểm của Mỹ, thể hiện trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về “Lập trường của Mỹ về các yêu sách biển tại Biển Đông”.

Nếu trước đây Mỹ chỉ tuyên bố chung chung rằng tranh chấp giữa Trung Quốc với các láng giềng Biển Đông cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, thì trong tuyên bố của ông Mike Pompeo, Mỹ đã xoáy thẳng vào một trong những vấn đề khu vực nhạy cảm nhất đang chia rẽ hai bên là tranh chấp ở Biển Đông. 

Dù vẫn tiếp tục giữ vai trò trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng Mỹ đã khẳng định rõ rằng tất cả các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển ở Biển Đông bên ngoài hải phận được quốc tế công nhận đều bất hợp pháp. Washington cũng chỉ rõ những yêu sách hàng hải của Trung Quốc với các vùng biển quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, vùng biển Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia), bãi Scarborough (ngoài khơi Philippines) đều không có cơ sở pháp lý.  

Không những thế, Mỹ còn coi những hành động của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển nói trên đều là bất hợp pháp. Vì thế, Mỹ ủng hộ cộng đồng quốc tế trong bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, đồng thời bác bỏ bất cứ đòi hỏi nào nhằm áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hoặc ở khu vực rộng lớn hơn.

Mỹ cũng khẳng định không cho phép Trung Quốc coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình và sẽ ủng hộ các đồng minh cũng như các đối tác tại Đông Nam Á trong bảo vệ quyền chủ quyền với các nguồn tài nguyên ngoài khơi.

Không chỉ Mỹ, Australia cũng thay đổi thái độ, tỏ ra quyết liệt chưa từng thấy với những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Cho đến nay, sự can dự của Australia đối với vấn đề Biển Đông chủ yếu dừng ở bày tỏ quan ngại về các diễn biến gây căng thẳng tại khu vực Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở nhân tạo trên các thực thể tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, và quân sự hóa các đảo nhân tạo đó.

 Tuy nhiên, trong tuyên bố mới đây của Thủ tướng Scott Morrison, Australia đã thẳng thắn bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tiếp đó, trong công hàm gửi lên Liên hiệp quốc (LHQ) ngày 23-7, Australia  khẳng định: “Chính phủ Australia bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, cụ thể là các yêu sách vùng biển không tuân thủ quy định công ước về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại những thực thể”. Australia cũng chỉ rõ: “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng, nối liền các điểm ngoài cùng của những thực thể hàng hải hoặc “các nhóm đảo” ở Biển Đông”.

Chuyển biến quan trọng đối với các yêu sách phi lý ở Biển Đông

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự thay đổi trong thái độ của Mỹ và Australia thể hiện một chuyển biến có ý nghĩa quan trọng trong cách mà các nước chống lại các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Từ góc độ tác động về mặt chính trị, ông Gregory Poling, Giám đốc cơ quan sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington cho rằng: “Mỹ đã nói rõ ràng rằng hành động của Trung Quốc là phi pháp, chứ không chỉ là gây bất ổn định hay không hữu ích. Điều này sẽ tốt cho các đối tác của Mỹ và cũng sẽ gây sức ép lên các quốc gia khác, như các nước châu Âu chẳng hạn, để họ phải lên tiếng”.

Những thay đổi này cũng giúp cho việc ứng xử trong tương lai, khi các vụ việc phức tạp trên Biển Đông tái xuất hiện. Chẳng hạn, trong thời gian tới, khi tàu hải cảnh, tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của các nước trong khu vực, Mỹ, Australia và các nước khác có thể sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn chống lại hành động phi pháp này, khiến vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế bị ảnh hưởng.

Từ góc độ kinh tế, Mỹ có thể sẽ xử phạt các công ty nhà nước Trung Quốc sở hữu các tàu có hành vi đánh bắt, khảo sát hoặc thăm dò dầu khí trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của các bên liên quan tại Biển Đông. Các lệnh trừng phạt cũng có thể nhắm đến các tàu hoặc cá nhân nghiên cứu khoa học biển có liên quan đến lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc dân quân biển Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông.

Nhận định về khả năng các động thái tiếp theo của Mỹ và các nước trong khu vực, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Australia), một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, cho rằng lập trường chính sách mới của Mỹ có thể được ví như là “một công việc đang có sự tiến triển”.

Chuyên gia Australia nhận định, có 3 cách thức mà Mỹ có thể hành động nếu Trung Quốc tiếp tục quấy rối các quốc gia ven biển và các hoạt động thăm dò dầu khí của họ. Một là, Mỹ sẽ hỗ trợ trên phương diện ngoại giao dưới dạng các tuyên bố bằng lời nói hoặc văn bản. Thứ hai, Mỹ có thể thực hiện các hành động đơn phương nhằm ủng hộ một quốc gia ven biển. Khả năng thứ 3 là Mỹ có thể kết hợp với các quốc gia ven biển để thực hiện các hoạt động chung nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Giáo sư Carl Thayer đưa ra ví dụ cụ thể liên quan đến vụ việc hồi tháng 4-2020, khi tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc hoạt động ngoài khơi bờ biển Malaysia nhằm gây cản trở với tàu khoan dầu West Capella của nước này, Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu đổ bộ tấn công USS America tới khu vực để giám sát tình hình. Sau vài ngày, các tàu Mỹ và Trung Quốc rời khu vực này mà không xảy ra sự cố nào

RELATED ARTICLES

Tin mới