Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngÚc đang quyết liệt chưa từng thấy với TQ ở Biển Đông

Úc đang quyết liệt chưa từng thấy với TQ ở Biển Đông

Úc vừa chính thức bác hết mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, thêm động thái quyết liệt can dự mạnh mẽ hơn – chỉ trong tháng 7 này: công bố Cập nhật chiến lược quốc phòng Úc 2020, đưa 5 tàu chiến ra Biển Đông tập trận với Nhật – Mỹ…

Máy bay chiến đấu và tuần thám của không quân Úc bay qua đội hình nhóm 5 tàu chiến của hải quân Úc trong sứ mệnh đảm bảo sự hiện diện ở
Đông Nam Á tháng 7-2020 – Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc

Dù không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Úc có lợi ích đan xen quan trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược tại khu vực biển này.

Chính phủ Úc đã có những động thái thể hiện mức độ can dự mạnh hơn tại khu vực Biển Đông trong một vài tháng qua nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và luật biển quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Đây là tín hiệu đáng lưu ý trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây bất ổn và lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để củng cố yêu sách chủ quyền tại Biển Đông như đâm chìm tàu cá Việt Nam, cản trở hoạt động dầu khí của Malaysia và Việt Nam…

Tiếp cận thận trọng

Dù không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Úc có lợi ích đan xen quan trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược tại khu vực biển này. Khoảng 60% hàng hóa xuất khẩu của Úc được vận chuyển qua khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2019, sự can dự của Úc đối với vấn đề Biển Đông còn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở bày tỏ quan ngại về các diễn biến gây căng thẳng tại khu vực Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các thực thể nhân tạo trên các thực thể tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, và quân sự hóa các đảo nhân tạo đó. Đồng thời, Úc kín đáo phản đối yêu sách đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc.

Chính sách trên của Úc được lý giải là do sự tương thuộc về kinh tế lớn giữa Úc và Trung Quốc. Cho đến nay, Canberra vẫn lưỡng lự, chưa tham gia các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) cùng hải quân Mỹ dù Washington đã nhiều lần thúc giục.

Thay vào đó, Úc lặng lẽ tự tiến hành các hoạt động tuần tra trên không và trên biển, thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với phần lớn khu vực Biển Đông.

Thời gian qua, Úc chưa có tuyên bố rõ ràng về việc có ủng hộ lập trường cứng rắn của Mỹ: bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao và thương mại Úc chỉ đưa ra một tuyên bố báo chí yêu cầu các bên tôn trọng luật pháp quốc tế (đặc biệt là UNCLOS 1982) và phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Các bước đi đáng chú ý

Tuy nhiên, từ tháng 4-2020 đến nay, Úc đã có nhiều bước đi đáng chú ý. Trên thực địa, tàu chiến Úc HMAS Parramatta đã tham gia tập trận chung với tàu chiến Mỹ tại khu vực Biển Đông hồi tháng 4. Úc và Mỹ không cung cấp thông tin cụ thể về địa điểm tiến hành tập trận chung này.

Trong tháng 7-2020, 5 tàu chiến của Úc (HMAS Canberra, HMAS Hobart, HMAS Stuart, HMAS Arunta và HMAS Sirius) lần lượt đi qua khu vực Biển Đông, trong đó có khu vực quần đảo Trường Sa. Các tàu chiến này tham gia tập trận chung với tàu chiến Nhật Bản và Mỹ tại vùng biển Philippines từ ngày 19 đến 23-7 năm nay.

Hải quân ba nước lần đầu tiên phối hợp tại khu vực Biển Đông trong các hoạt động gồm tiếp nhiên liệu trên biển, tác chiến trên không, thao diễn trên biển và liên lạc trên biển.

Phó đề đốc Michael Harris, chỉ huy nhóm tàu chiến Úc, đánh giá cao cơ hội tập trận chung lần này và nhận định “các hoạt động phối hợp giữa hải quân ba nước thể hiện khả năng phối hợp tác chiến cao giữa Úc, Nhật và Mỹ”. Các tàu chiến này sẽ di chuyển đến Hawaii để tham gia cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới RIMPAC do Mỹ tổ chức.

Đặc biệt hơn, đầu tháng 7, Thủ tướng Scott Morrison công bố Cập nhật chiến lược quốc phòng Úc 2020 và Kế hoạch cấu trúc lực lượng. Theo đó, Úc sẽ tăng cường đầu tư nâng cao năng lực quân sự, đặc biệt là năng lực tấn công tầm xa (cho các hệ thống tên lửa hạt nhân tầm xa hiện đại, vũ khí tấn công trên không, tấn công tàu biển…) để đối phó với những thay đổi nhanh chóng của môi trường chiến lược tại khu vực mà thủ tướng Úc mô tả là “thách thức nhất kể từ những năm 1930”, “nguy hiểm hơn” và “bất ổn hơn”.

Vẫn còn khá sớm để dự đoán Canberra liệu sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn cùng với đồng minh Mỹ thách thức trên thực địa các hoạt động gây hấn và gây bất ổn định tại khu vực Biển Đông trong thời gian tới của Trung Quốc hay không. Tuy nhiên mức độ can dự gia tăng của Canberra thời gian qua là ngoài mong đợi, nếu so với các bước đi rất thận trọng trước đây, chủ yếu do những cân nhắc về mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Giới chức Trung Quốc nên điều chỉnh lại các hành vi của mình tại Biển Đông trước khi quá muộn.

RELATED ARTICLES

Tin mới