Giá rẻ hơn vũ khí Mỹ, châu Âu và phương thức thanh toán linh hoạt được cho là lợi thế của vũ khí Nga ở thị trường Đông Nam Á.
Theo Nikkei Asian Review ngày 28.7, Nga đang nỗ lực tăng cường xuất khẩu vũ khí sang các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy kinh tế và đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao trong bối cảnh thế giới ngày càng phân cực.
Đại sứ Nga tại Indonesia Lyudmila Vorobieva hy vọng Indonesia sẽ mua các chiến đấu cơ Su-35. Trước đó vào năm 2018, Indonesia đã ký hợp đồng mua 11 chiếc với giá 1,1 tỉ USD, dù Mỹ ám chỉ khả năng cấm vận nếu Jakarta tiếp tục triển khai hợp đồng.
“Các lệnh cấm vận sẽ không ngăn chặn được việc mua các vũ khí chất lượng cao của Nga”, bà Vorobieva phát biểu với báo giới.
Bên cạnh đó, Nga và Việt Nam cũng khẳng định về hợp tác quân sự tại cuộc họp trực tuyến giữa các quan chức quốc phòng cấp cao vào ngày 3.7. Nga từng xuất khẩu tàu ngầm và các thiết bị khác cho Việt Nam, cũng như bán xe tăng cho Lào vào tháng
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI – Thụy Điển), tính theo giá bán, Nga chiếm 28% trong tổng số vũ khí do các nước Đông Nam Á mua từ năm 2010-2019, tăng 24% so với giai đoạn 2000-2009. Trong giai đoạn tương ứng, số vũ khí của Mỹ xuất khẩu sang khu vực này giảm xuống 18% từ con số 23% trước đó.
Trong khi đó, tỷ lệ vũ khí từ Trung Quốc cũng tăng hơn gấp đôi dù chỉ chiếm 8%.
Giới quan sát cho rằng vũ khí Nga có giá rẻ hơn so với Mỹ và châu Âu. Một số nước Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng do đại dịch Covid-19, khiến vũ khí Nga trở nên thu hút hơn.
“Nga có các phương thức thanh toán linh hoạt thay vì tiền mặt, giúp nước này có lợi thế đối với các nền kinh tế đang phát triển”, theo chuyên gia Shinji Hyodo tại Viện Nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản.
Dự kiến Indonesia sẽ thanh toán khoảng phân nửa số tiền mua Su-35 bằng dầu cọ, cao su và các sản phẩm khác. Năm ngoái, Singapore ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu và Nga được cho là đang hy vọng sẽ ký thỏa thuận với các nước Đông Nam Á khác.