Bắc Kinh đang thận trọng trong mối quan hệ với Việt Nam sau khi Mỹ tuyên bố lập trường cứng rắn về tranh chấp biển Đông, bác bỏ hầu hầu hết các yêu sách của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược tại khu vực tranh chấp này, theo SCMP.
Ngay sau tuyên bố của Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui đã thảo luận về các vấn đề Biển Đông với người đồng cấp Việt Nam Lê Hoài Trung vào thứ Năm (16/7), theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh hậu thuẫn cho biết hôm thứ Sáu (17/7) rằng họ sẽ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam vay 100 triệu USD để giúp ngân hàng mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân bị đình trệ hoạt động do đại dịch virus Vũ Hán.
Cuộc họp giữa Trung Quốc và Việt Nam diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hôm 13/7 rằng Mỹ chính thức phản đối các yêu sách của Trung Quốc đối với “đường chín đoạn” phù hợp với phán quyết năm 2016 bởi tòa án quốc tế tại The Hague.
Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng lớn khí đốt và dầu tự nhiên, là khu vực tranh chấp lãnh thổ dai dẳng giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei trong nhiều thập kỷ qua.
Trong 4 năm qua, Việt Nam vẫn đang cân nhắc hành động pháp lý để khẳng định yêu sách hàng hải của mình. Thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết Hà Nội muốn đàm phán hơn, nhưng các biện pháp khác như hòa giải, phân xử và kiện tụng sẽ không được loại trừ. Vào tháng Năm, Hà Nội đã đề cử bốn trọng tài viên và bốn hòa giải viên, một dấu hiệu có thể cho thấy Việt Nam sẽ sớm đệ đơn khiếu nại.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hôm thứ Tư (15/7) rằng họ hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, nhấn mạnh Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông.
“Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sẽ thấy hài lòng trước căng thẳng Mỹ – Trung. Nước này có xung đột gay gắt nhất với Trung Quốc ở Biển Đông… Nhiều chính trị gia Việt Nam cho rằng họ có thể tối đa hóa lợi ích của mình trong cuộc xung đột Mỹ – Trung,” ông nói.
Các nhà quan sát cho rằng Việt Nam cảm thấy được khuyến khích khi chứng kiến Mỹ công khai ủng hộ các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của mình, và điều này có thể có tác dụng nhằm cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc.
Ông Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận xét rằng lập trường mạnh mẽ của Mỹ có thể giúp sửa đổi các yêu sách và lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông. “Việt Nam sẽ rất vui khi thấy sự hiện diện và vai trò an ninh của quân đội Mỹ ở Biển Đông, điều này có thể giúp ngăn chặn quân đội Trung Quốc thiết lập sự thống trị,” ông nói.
Theo ông Carlyle Thayer, giáo sư chính trị tại Học viện Quốc phòng Úc, Hà Nội muốn quản lý mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng không phải lấy tranh chấp Biển Đông làm điểm chính yếu.
Ông Thayer cho rằng Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc và các ngành công nghiệp nước này khó có thể hoạt động nếu không có nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, ví dụ như các nguyên liệu thô cho ngành may mặc.
Ông Thayer cũng nhận định Việt Nam có nguồn lực hạn chế nhưng có các nhà ngoại giao giỏi. “Việt Nam hiện muốn duy trì quyền tự chủ chiến lược để thiết lập lợi ích quốc gia của riêng mình và theo đuổi chúng.”
Mặc dù cả hai nước đều là các nước xã hội chủ nghĩa độc đảng, nhưng hệ tư tưởng chung đã không ngăn Trung Quốc khỏi các hoạt động cưỡng chế thường xuyên và thậm chí là đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông, theo bà Lê Thu Hương, nhà phân tích cao cấp cho chương trình chiến lược và quốc phòng tại Viện chính sách chiến lược Úc.
“[Việt Nam] chào đón đầu tư và các mối quan hệ kinh tế mang lại lợi ích, nhưng Bắc Kinh không thể dựa vào các khoản đầu tư để vô hiệu hoá các hành vi gây hấn. Trung Quốc không thể chỉ đầu tư trong khi quấy rối và vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam,” bà Hương nói.