Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ đã làm thế giới nổi giận ra sao?

TQ đã làm thế giới nổi giận ra sao?

Sự ngang ngược của Trung Quốc thời gian qua khiến nhiều quốc gia trên thế giới nổi giận.

Trong khi đó, với việc liên tục bị chèn ép, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng thận trọng hơn trong đối ngoại với Bắc Kinh. Từ đó có thể thấy được thực tế rõ ràng rằng, Trung Quốc đang trở thành cái gai trong mắt của nước. Và vấn đề Biển Đông chỉ là một trong nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng “bài Trung Quốc” ở một số quốc gia.

Australia cứng rắn

Từ tháng 4/2020, mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc tệ đi trông thấy. Thời điểm này, Canberra kêu gọi Bắc Kinh phải minh bạch thông tin về dịch bệnh COVID-19 và yêu cầu mở một cuộc điều tra nguồn gốc của virus corona chủng mới. Tuy nhiên, đáp lại Canberra, Bắc Kinh phủ nhận mọi trách nhiệm, chỉ trích Australia theo chân Mỹ và đưa ra hàng loạt hành động ngoại giao đáp trả: Ngăn xuất khẩu thịt lợn, đánh thuế lúa mỳ và ra lời cảnh báo tới sinh viên Trung Quốc thận trọng trước nạn phân biệt chủng tộc tại xứ sở kangaroo. 

Trước sự kiện này, Salvatore Babones, học giả Trung tâm Nghiên cứu Độc lập tại Sydney nhấn mạnh: “Tại Australia, tâm lý quay lưng lại với Trung Quốc đã lên đến mức những người như ông trùm khai thác Andrew Forrest bị gọi là ‘kẻ phản bội’ và Trung Quốc càng đẩy mạnh, Australia càng trở nên cứng rắn”. 

Và đúng như dự đoán của ông Salvatore Babones, Canberra đã có những bước đi thận trọng nhưng đầy cứng rắn. 

Ngày 25/7, Australia đệ trình Công hàm lên Liên hợp quốc, tuyên bố bác các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

“Chính phủ Australia phủ nhận tất cả các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), đặc biệt là những yêu sách trên biển không tuân thủ các quy tắc của Công ước về đường cơ sở, các khu vực trên biển và các phân loại thực thể”, văn bản viết.

Canberra cũng phủ nhận yêu sách của Trung Quốc với cái gọi là “quyền lịch sử” hay “quyền và lợi ích hàng hải” mà họ nói là được thành lập “trong quá trình thực thi lịch sử” ở Biển Đông.

Trung Quốc đã làm thế giới nổi giận ra sao? - 2

Phái đoàn Australia tại Liên hợp quốc hôm 24/7 gửi Công hàm “phủ nhận tất cả các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”. (Ảnh chụp màn hình)

Không chỉ Austalia tỏ ra thái độ với các yêu sách ngang ngược của Trung Quốc, các quốc gia khác cũng chia sẻ chung quan điểm. 

Các thành viên trong nhóm “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia gần đây liên tục tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển, thách thức Bắc Kinh.

Giới quan sát cũng đang dồn sự chú ý xem liệu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có mời Australia tham gia vào cuộc tập trận Malabar vào cuối năm để 4 quốc gia cùng hội quân trên biển hay không. 

Cuộc chiến công hàm

Hung hăng, ngang ngược trên Biển Đông, leo thang căng thẳng với quốc gia láng giềng giờ trở thành “điểm nhấn” trong chính sách của Trung Quốc. 

Trong vài năm trở lại đây, tần suất triển khai các hành động khiêu khích, coi thường pháp luật quốc tế của Trung Quốc trở nên dày đặc hơn, khiến nhiều quốc gia trong khu vực buộc phải lên tiếng. Đồng nhất các nước Đông Nam Á có chủ quyền đối với Biển Đông đã gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc lên cơ quan pháp luật của Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc đã làm thế giới nổi giận ra sao? - 3

 Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hồi giữa tháng 4. 

Ngày 6/3/2020, để phản đối công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc, Philippines đã gửi hai công hàm đến Liên Hiệp Quốc. Trong công hàm đầu tiên, Philippines đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, và lần đầu tiên quốc gia này sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông giữa quốc gia này và Trung Quốc làm cơ sở pháp lý để phản đối lại Trung Quốc.

Ngày 30/3/2020, Việt Nam đã tiếp nối theo chuỗi tranh biện này và đệ trình lên Liên Hiệp Quốc phản đối hai công hàm của Trung Quốc. Trong công hàm, Việt Nam ngoài việc lặp lại chủ quyền của mình tại Biển Đông, còn khẳng định cơ sở pháp lý duy nhất cho việc xác định các vùng biển pháp lý trên biển là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, trực tiếp loại bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc tại khu vực này.

Ngày 26/5/2020, đến lượt Indonesia trình công hàm lên LHQ đề cập đến ba công hàm của Trung Quốc. Trong công hàm của mình, Indonesia bác bỏ yêu sách Vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa đối với các thực thể tại Trường Sa, đồng thời lặp lại rằng “bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) bao hàm yêu sách về các quyền lịch sử thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại với UNCLOS 1982”.

Chưa bao giờ các nước Đông Nam Á liên tục đưa ra tiếng nói phản đối đồng lòng và mạnh mẽ như vậy trước sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Đặc biệt đối với Philippines, sau một thời gian có chính sách ngoại giao hòa hảo với Trung Quốc cũng đã không thể tiếp tục chịu đựng việc quốc gia này lấn lướt trong khu vực. 

Ấn Độ bùng nổ cuộc “tẩy chay Trung Quốc”

Các quốc gia có biên giới trên đất liền với Trung Quốc cũng không được yên thân trước chủ nghĩa bá quyền của nước này. 

Trung Quốc đã làm thế giới nổi giận ra sao? - 4

Người dân Ấn Độ đốt các thiết bị công nghệ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tháng 6/2020, một cuộc đụng độ ở biên giới Trung – Ấn đã xảy ra. New Delhi khẳng định vụ việc xuất phát từ việc binh sỹ Trung Quốc cố thủ ở khu vực mà 2 bên đã thỏa thuận rút quân. Hậu quả từ hành động của Bắc Kinh là vụ xô xát đẫm máu dẫn tới 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. 

Sau sự kiện đó, người dân Ấn Độ kêu gọi tẩy chay tất cả sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Các sản phẩm tivi, điện thoại, máy tính… gắn liền với Trung Quốc bị đem ra đập phá, đốt cháy trong các cuộc biểu tình.

Không chỉ thế, người dân Ấn Độ còn tẩy chạy các ứng dụng công nghệ có nguồn gốc Trung Quốc như Tiktok, 5G, UCbrowser,… Các khẩu hiệu “Tẩy chay Trung Quốc” được giăng khắp các đường phố Ấn Độ, cho đến nay vẫn chưa dừng lại.

Ở cấp độ chính phủ, chính quyền của Thủ tướng Mohammed Modi cam kết sẽ có chính sách ngăn chặn đầu tư và tăng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc. Các quan chức chính phủ Ấn Độ khi trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, nói họ đã lên kế hoạch triển khai các rào cản thương mại và tăng thuế nhập khẩu với khoảng 300 mặt hàng Trung Quốc.

Bộ Viễn thông Ấn Độ đã lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc sở hữu nhà nước và các công ty tư nhân khác cấm mọi hợp đồng ký kết với Trung Quốc trong tương lai cũng như mọi hoạt động nâng cấp thiết bị có liên quan tới đối tác Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng sẽ bị cấm tham gia bỏ thầu trong các dự án tương lai, trong đó chắc chắn bao gồm cả những kế hoạch nâng cấp dịch vụ di động thế hệ thứ tư (4G) tại Ấn Độ. 

Đáng chú ý, Ấn Độ có động thái đối phó chống lại 7 công ty lớn của Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới quân đội Trung Quốc nhằm ngăn cản sự ảnh hưởng quá lớn của quốc gia này đối với nền kinh tế Ấn Độ. Những cái tên bao gồm: Huawei, Alibaba, Xindia Steels, Xinxing Cathay, Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc, Tencent và Tập đoàn ôtô SAIC.

Cuộc đối đầu toàn diện từ Mỹ

Sự giận dữ của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc đã quá rõ ràng. Trong gần 4 năm điều hành nước Mỹ, ông Trump nhất quán một chính sách xem mối quan hệ với Bắc Kinh là đối đầu. 

Nước Mỹ đã khơi mào cuộc chiến thương mại, nhắm chủ yếu vào thuế quan của các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu lên quốc gia này. Dù thương chiến được cho là đã kết thúc giai đoạn một, với sự khẳng định từ phía Trung Quốc rằng họ đã hoàn thành nghĩa vụ cân bằng cán cân thương mại như đã thỏa thuận. Nhưng có vẻ Washington đã không còn nhiều để tâm đến cuộc chiến này nữa vì họ quyết tâm thực hiện một cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc.

Đồng thời, trong các khía cạnh khác của quan hệ hai nước như tình báo, công nghệ, giáo dục…, Mỹ đều có những động thái cứng rắn với Trung Quốc.

Hôm 22/7, chính quyền Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Houston, bang Texas trong vòng 72 giờ vì nghi ngờ cơ quan này bao che cho các nhân viên tình báo và không trung thực về visa của những người này. Ngay sau đó Trung Quốc đáp trả, yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán của nước này tại Thành Đô. Cuộc chiến ăn miếng trả miếng đẩy mối quan hệ của hai nước tệ hơn rất nhiều.

Đáng chú ý nhất, một loạt hành động tại Biển Đông tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Mỹ đối với Trung Quốc. 

Ngày 14/7, chính quyền Mỹ đã ra thông cáo bác các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết diện tích Biển Đông.

Trong tuyên bố phát đi, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Trung Quốc không đưa ra được cơ sở pháp lý rõ ràng cho những tham vọng của họ ở Biển Đông và trong nhiều năm đã liên tục hăm doạ chống lại các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á”.

Ngoại trưởng Pompeo cũng khẳng định: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như một đế chế hàng hải của riêng mình”.

Trung Quốc đã làm thế giới nổi giận ra sao? - 5

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến hành tập trận ở Biển Đông hồi đầu tháng 7/2020. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Song song với tuyên bố cứng rắn chưa hề có này, Mỹ liên tục đưa các đội tàu chiến tới Biển Đông và tổ chức tập trận trong khu vực cùng với các quốc gia đồng minh của mình.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan tập trận ở Biển Đông từ ngày 4/7. Nội dung tập trận gồm các chuyến bay liên tục suốt ngày đêm nhằm kiểm tra khả năng chiến đấu của máy bay trên tàu sân bay.

“Mục đích của cuộc tập trận là gửi tín hiệu rõ ràng đến các đối tác và đồng minh rằng Mỹ vẫn duy trì cam kết đối với an ninh và ổn định tại khu vực”, Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, nói với tờ The Wall Street Journal (Mỹ).

Dù ông Wikoff khẳng định cuộc tập trận của Mỹ không nhằm vào cuộc tập trận của Trung Quốc nhưng rõ ràng đây là hoạt động nhắm đến các động thái triển khai quân sự hung hăng của Bắc Kinh trong thời gian gần đây.

Từ đầu năm đến nay, hải quân Mỹ đã 5 lần thực hiện tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Mật độ Mỹ tiến hành FONOP trên Biển Đông tăng khá nhanh từ năm 2019 đến nay. Cụ thể, năm 2019 có 9 lần, trong khi năm 2018 chỉ 5 lần, còn các năm trước đó là 6 lần vào năm 2017, 3 lần vào năm 2016 và chỉ 2 lần vào năm 2015.

Đồng thời, Mỹ cũng tổ chức tập trận chung với đối tác và đồng minh ngay trong khu vực. 

Cuối tháng 4/2020, hải quân Mỹ và Australia vừa có cuộc tập trận chung trên Biển Đông. Ngày 28/5, Bộ Tư lệnh Indo-Pacific (INDOPACOM) thuộc hải quân Mỹ thông tin các tàu chiến của hải quân Mỹ và hải quân Singapore vừa tập trận song phương trên Biển Đông từ ngày 24 – 25/5.

Ngày 7/7, hai tàu huấn luyện Nhật Bản tJS Kashima và JS Shimayuki cùng tham gia tập trận với đội tàu sân bay của Mỹ. 

Cuộc chiến chống lại sự bành trướng của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai, khi cách tiếp cận của Bắc Kinh với các quốc gia láng giềng, đối tác không nhưng không làm thỏa mãn lợi ích của nhau mà còn gây hại đến sự phát triển bền vững của chính các quốc gia đó cũng như làm thay đổi trật tự thế giới theo chiều hướng cực đoan hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới