Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngBộ đôi quyền lực Australia và Mỹ “bắt tay” kiềm chế TQ

Bộ đôi quyền lực Australia và Mỹ “bắt tay” kiềm chế TQ

Trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng Mỹ và Australia đã bày tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Mỹ và Australia đang xem xét tăng cường mạng lưới liên minh và đối tác để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, tự do, đảm bảo trật tự dựa trên nguyên tắc. Đây là động thái có thể khiến Trung Quốc tức giận.

“Bắt tay” kiềm chế Trung Quốc

Chủ đề Trung Quốc đã chi phối cuộc đối thoại “2+2”, giữa 2 quan chức cấp cao của Mỹ là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, cùng 2 quan chức cấp cao của Australia là Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold. Cuộc họp kéo dài hai ngày, kết thúc vào hôm qua (28/7) tại Washington là cuộc tham vấn ngoại giao – quốc phòng thường niên giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) lần thứ 30.

Tờ Nikkei cho biết, khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, Washington đã thành công trong việc đưa đồng minh Australia đứng về phía nước này với cam kết của Canberra củng cố các liên minh hiện tại và xây dựng những nhóm mới để đối phó với Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác hiện có, chẳng hạn như liên minh tình báo Five Eyes, ASEAN, nhóm Bộ Tứ, đối tác cơ sở hạ tầng 3 bên, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á”, Ngoại trưởng Australia Marise Payne khẳng định. Bà Marise Payne cũng cam kết xây dựng “các nhóm mới, gắn kết quan hệ hữu nghị, cải thiện an ninh thông qua mạng lưới các quốc gia có chung tầm nhìn về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở, thịnh vượng và an toàn”.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Australia còn đề cập việc tăng cường hợp tác giữa Liên minh tình báo Five Eyes với ASEAN, đặc biệt, đánh giá cao Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, đã phát huy vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, các cuộc tập trận 3 bên giữa Mỹ, Australia và Nhật Bản thời gian gần đây ở Biển Philippine nhằm mục đích gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc.

“Tuần trước, 5 tàu chiến của Australia đã tham gia cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu khu trục của Nhật Bản tham gia cuộc tập trận 3 bên. Cuộc tập trận này không chỉ tăng cường khả năng tương tác mà còn gửi thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ bay, chúng tôi sẽ đi thuyền và chúng tôi sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, ông Esper nói.

Trong tuyên bố chung, các quan chức của hai bên cũng bày tỏ quan ngại đối với “những hành động cưỡng chế và gây bất ổn trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

“Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Quốc tế khẳng định các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Bắc Kinh không thể khẳng định các yêu sách này dựa trên “đường 9 đoạn” hay “quyền lịch sử” vốn không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”, tuyên bố khẳng định.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho biết, hai nước đã đồng ý tăng cường hơn nữa hợp tác về quốc phòng, khoa học công nghệ, bao gồm các lĩnh vực siêu âm, chiến tranh điện tử và không gian.

Theo tờ Nikkei Asia Review, đây được coi là những khả năng quan trọng trong việc đối phó với chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, các tên lửa siêu thanh, với tốc độ di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, sẽ rất khó bị đánh chặn và là vũ khí lý tưởng để mang lại lợi thế cho Mỹ và đồng minh.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp có trụ sở tại California nhận định: “Điểm đáng chú ý nhất là Mỹ và Australia đều có lập trường giống nhau khi nói về việc đối phó với Trung Quốc. Đây là điều rất ngạc nhiên bởi trong quá khứ Australia từng do dự trong việc đẩy quan hệ với Trung Quốc đi quá xa”.

Australia và Mỹ ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh tìm cách xây dựng một “đế chế hàng hải” tại vùng biển này bất chấp những lo ngại trong khu vực, Canberra đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, nêu rõ các yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh đặt ra ở Biển Đông “không phù hợp” với luật pháp quốc tế.

Ông Grossman cho rằng: “Có lẽ ngay từ khi xuất bản Sách Trắng Quốc phòng vào năm 2016 và trong vài tháng qua, khi được thúc đẩy bởi chiến lược quốc phòng 2020 cũng như củng cố năng lực quân sự, các nhà hoạch định chính sách của Australia dường như đã sẵn sàng đứng về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc”.

Thế khó của Australia

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Australia Payne vẫn thể hiện sự thận trọng bởi Australia có sự phụ thuộc về mặt kinh tế và gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc. “Như Thủ tướng Australia đã nhấn mạnh trong thời gian gần đây, mối quan hệ mà chúng tôi có với Trung Quốc rất quan trọng  và chúng tôi không có ý định làm tổn thương nói”.

Còn Bộ trưởng Linda Reynold không đưa ra cam kết thực hiện các hoạt động tự do hàng hải cạnh các chuỗi đảo có tranh chấp ở Biển Đông, thay vì đó nói rằng “cách tiếp cận của chúng tôi là nhất quán và chúng tôi sẽ tiếp tục di chuyển trong khu vực theo quy định của luật pháp quốc tế”.

“Có lẽ vẫn có sự dao động trong chính sách của Australia mong muốn giữ sự ổn định trong quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Australia, vì vậy tôi cho rằng họ sẽ do dự khi nói đến việc tách rời”, chuyên gia Grossman đánh giá.

Trung Quốc là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Australia, chiếm hơn 1/4 tổng kinh ngạch thương mại của xứ sở kangaroo trong năm tài chính 2018-2019. Bắc Kinh đã đình chỉ việc nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ lớn nhất của Australia và áp thuế đối với mặt hàng lúa mạch của nước này để trả đũa việc Canberra kêu gọi điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19. Bộ giáo dục Trung Quốc hồi tháng 6 đã cảnh báo sinh viên nước này về nguy cơ rủi ro khi học tập tại Australia, viện dẫn tình trạng phân biệt chủng tộc.

Tại cuộc họp báo hôm qua, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng “hành động của Trung Quốc sử dụng hàng xuất khẩu hoặc việc du họ để đối phó với Australia là không thể chấp nhận được”.

Ông Michael Shoebridge, chuyên gia tại Viện chính sách chiến lược Australia cho rằng sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh đã vượt ra ngoài khuôn khổ giữa hai quốc gia. “Trung Quốc là một thách thức đối với nhiều quốc gia, chứ không chỉ riêng Washington và Australia cũng gặp phải những vấn đề ngoài cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung”.

Giới phân tích nhìn nhận tương lai của an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phụ thuộc phần lớn vào sức mạnh hải quân. Điều này đặt ra câu hỏi về tương lai của “Bộ Tứ Kim Cương” (Quad) – một liên minh không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm thúc đẩy trao đổi hợp tác về “thương mại và văn hóa”. Trước những thông tin gần đây cho thấy quân đội Australia sẽ được mời tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar thương niên của Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản ở Ấn Độ Dương, giới phân tích cho rằng “Bộ Tứ Kim Cương” có khả năng chuyển thành nhóm liên kết về quân sự, điều từng khiến Bắc Kinh thấp thỏm lo âu.

RELATED ARTICLES

Tin mới