Theo Tiến sỹ Bec Strating, công hàm mà Australia gửi tới LHQ “có ngôn từ nghiêng về khía cạnh pháp lý hơn là nhằm vào việc chỉ trích các hành vi”.
Australia vừa công bố quan điểm mới trong vấn đề Biển Đông thông qua công hàm mà nước này gửi tới Liên Hợp Quốc trong đó bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Các chuyên gia Australia cho rằng, công hàm này thể hiện quan điểm mạnh mẽ của Australia về việc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 phải là căn cứ để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và bất kỳ yêu sách và hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đều bị bác bỏ và không được công nhận.
Trong bài viết đăng trên tờ Người phiên dịch, tiến sỹ Bec Strating, chuyên gia nghiên cứu tranh chấp hàng hải ở Châu Á, quyền giám đốc Trung tâm Châu Á thuộc trường Đại học La Trobe của Australia nhận định, công hàm mà Australia vừa gửi tới Liên Hợp Quốc “có ngôn từ nghiêng về khía cạnh pháp lý hơn là nhằm vào việc chỉ trích các hành vi”.
Việc viện dẫn một loạt các yêu sách và hành động không có căn cứ pháp lý và đi ngược lại các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) phản ánh điều mà Australia muốn nhấn mạnh, đó là các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn cứ pháp lý.
Tiến sỹ Bec Strating khẳng định, công hàm của Australia gửi Liên Hợp Quốc về Biển Đông “là một chiến thắng nhỏ của luật pháp quốc tế. Nó thể hiện sự phát triển của cách tiếp cận thông thường đối với Biển Đông. Cách tiếp cận này củng cố quy tắc hàng hải hiện có mà không gây thêm bất ổn cho khu vực”.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN thường trú tại Australia, ông Micheal Shoebridge, Giám đốc chương trình Quốc phòng, Chiến lược và An ninh quốc gia thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia, một trong những cơ quan nghiên cứu chính sách hàng đầu của Australia cho biết, công hàm của Australia gửi Liên Hợp Quốc cũng “là tin vui không chỉ đối với các quốc gia quan tâm đến vấn đề Biển Đông mà còn đối với luật pháp quốc tế, với tự do hàng hải nhằm kiềm chế các nước có tham vọng mở rộng chủ quyền thông qua các hoạt động quân sự hóa và cưỡng chế”.
Ông Micheal Shoebridge nhận định, công hàm mà Australia gửi Liên Hợp Quốc cũng “tạo ra nền tảng để ngăn cản Trung Quốc gia tăng các hoạt động nhằm kiểm soát trái pháp luật các thực thể ở Biển Đông”.
Đồng thời, “việc Australia, Mỹ và có thể là các quốc gia khác khẳng định về việc không công nhận nỗ lực của Trung Quốc trong việc thiết lập chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước tranh chấp, các thực thể và lãnh thổ là quan trọng vì nó giúp ngăn cản Trung Quốc tiến hành các bước đi nhằm tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không khi biết rằng nỗ lực này là không hợp pháp và không có căn cứ pháp lý”.
Ông Micheal Shoebridge cũng nhấn mạnh “quan điểm của Australia và Mỹ đã củng cố sức mạnh cho phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 và là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách đối với các thực thể và vùng biển ở Biển Đông nhưng lại đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quản lý”. Ông Micheal Shoebridge cũng cho biết, công hàm của Australia và quan điểm mới của Mỹ trong vấn đề Biển Đông sẽ là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nước ASEAN trong quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Sau khi Australia gửi công hàm về Biển Đông lên Liên Hợp Quốc, ông Peter Jenning, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia cho biết, Australia nên thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý ở các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông bởi vì “nếu không thường xuyên đi qua các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông thì tạo ra tình trạng thực tế là Trung Quốc đang kiểm soát khu vực này”.
Cũng đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Euan Graham, học giả cao cấp thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại Singapore cũng hy vọng, Australia cùng với Mỹ và có thể là các quốc gia Châu Á thực thi các cuộc tuần tra tự do hàng hải”.
Trong cuộc họp tham vấn giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Australia và Mỹ diễn ra tại Mỹ ngày hôm qua, hai nước nhắc lại quyết định của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 khẳng định “các yêu sách biển của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Australia và Mỹ cũng nhấn mạnh, “Trung Quốc không thể khẳng định các yêu sách biển ở Biển Đông dựa trên đường chín đoạn, quyền lịch sử, một hoặc một nhóm đảo ở Biển Đông mà không phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển”.
Hai nước cũng nhắc lại rằng, “phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 là cuối cùng và các bên cần phải tuân thủ phán quyết này”. Australia và Mỹ cũng nói rõ, “các yêu sách ở Biển Đông và các tranh chấp ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết trên cơ sở của luật pháp quốc tế”.