So với vấn đề Đài Loan, vùng Biển Đông có khả năng kích động hành động quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cao hơn.
Việc gia tăng các vụ va chạm giữa Bắc Kinh và Washington có thể vô tình leo thang thành xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi và rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1979 (khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao) thì một cuộc xung đột quân sự giữa 2 nước không còn là một khả năng quá xa xôi.
Lần giao tranh trực tiếp cuối cùng giữa 2 nước là trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi hoạt động thương mại song phương còn lẻ tẻ và quan hệ ngoại giao giữa 2 nước chưa được thiết lập. Khi ấy Trung Quốc can thiệp là do e sợ viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên thống nhất nhưng lại đi theo Mỹ, ngay trước thềm cửa nhà mình.
Rủi ro sự cố trên Biển Đông
Tuy nhiên, trường hợp Biển Đông thì lại khác. Giới chuyên gia cho rằng khác với Chiến tranh Triều Tiên, một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng sẽ bắt nguồn từ một sự cố hơn là một hành vi tấn công quân sự cố ý của một trong hai bên.
Michael Austin, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover (Đại học Stanford) ở California (Mỹ) nói: “Có đảo tranh chấp, có va chạm, có hăm dọa, tình hình bị làm xấu đi. Bắc Kinh và Washington đều không muốn chiến tranh nhưng tôi e rằng họ có thể lỡ mắc sai sót nguy hiểm”.
Biển Đông là một trong những biển giá trị nhất thế giới. Mỗi năm, 1/3 hoạt động vận tải hàng hải toàn cầu đi qua đây, với lượng hàng hóa thương mại trị giá hơn 3.000 tỷ USD. Các ngư trường phong phú cùng tiềm năng cực lớn về dầu khí là một trong nhiều lý do khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực bị tranh chấp nặng nề nhất thế giới.
Hải quân Mỹ với các căn cứ ở Nhật Bản, Philippines, và Guam, thống trị nhiều nơi ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc đã cố gắng trong thời gian dài chống lại ảnh hưởng này bằng chiếm đóng (trái phép) nhiều đảo ở Biển Đông hoặc tự tạo ra (trái phép) các đảo nhân tạo, sử dụng các yêu sách lịch sử (phi pháp) đối với khoảng 90% Biển Đông.
Bút lục về các sự cố quanh các đảo ở Biển Đông là lý do vì sao Austin đã lựa chọn Biển Đông là điểm nóng trong kịch bản xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc mà ông xây dựng trong cuốn sách của mình mang tên “Asia’s New Geopolitics” xuất bản hồi tháng 4.
Các thí dụ được nêu ra bao gồm năm 2001, khi một máy bay trinh sát Mỹ và một chiến đấu cơ Trung Quốc va chạm ở vị trí cách quần đảo Hoàng Sa 160km. Một phi công Trung Quốc thiệt mạng trong vụ va chạm này, còn máy bay Mỹ buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
Hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động tự do hàng hải qua các khu vực mà Trung Quốc cố kiểm soát, khiến lực lượng hải quân 2 bên nhiều khi ở rất sát nhau. Vào tháng 10/2018, một khu trục hạm Trung Quốc tiến sát, chỉ cách một chiến hạm của Mỹ có 40 m và hai tàu suýt va chạm nhau. Austin hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một tàu chiến Mỹ bị chìm?”.
Theo Austin, từ góc nhìn của Mỹ, một cuộc chiến với Trung Quốc vì Biển Đông là dễ hiểu hơn so với vì vấn đề Đài Loan (một điểm nóng khác trong quan hệ 2 nước).
Chính quyền Mỹ đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc sau khi Ngoại trưởng Mỹ vào hôm 13/7/2020 ra thông cáo bác bỏ hầu hết các yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông, đồng thời tuyên bố rằng Mỹ sẽ “không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế của mình trên biển”.
Các nhà bình luận diều hâu có dính líu đến quân đội Trung Quốc đã đi xa hơn các tuyên bố mang tính ngoại giao của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hồi tháng 12/2018, tướng quân đội Trung Quốc về hưu Luo Yuan gợi ý dùng tên lửa để đánh một hoặc hai tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông và cho rằng điều này sẽ đập tan nhuệ khí của Mỹ trong khu vực.