Sự nguội lạnh nhanh chóng của mối quan hệ Mỹ-Trung đã cho thấy sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Mỹ chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này còn liên quan nhiều đến chính trị bầu cử Mỹ – Nhận định của Tiến sĩ Terry Buss (Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ).
Cuộc đối đầu giữa hai nhà lãnh đạo hai cường quốc lớn nhất thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump
và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa có hồi kết.
Ngày 21/7, Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán ở Houston, Texas. Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang điều hành một mạng lưới gián điệp nhằm đánh cắp bí mật nghiên cứu y học liên quan đến Covid-19 của Trường Đại học Texas A&M và Trường Đại học Texas.
Mỹ tuyên bố rõ đây chỉ là “phần nổi của tảng băng” trong các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh ở miền Nam nước Mỹ.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã bắt giữ một điệp viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa ẩn trốn tại lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco với cáo buộc có liên quan đến việc đánh cắp nghiên cứu y học của Đại học California cũng liên quan đến Covid-19.
Mỹ cũng đã truy tố hai tin tặc của chính phủ Trung Quốc về tội ăn cắp bí mật y học. Cả hai đều hoạt động trong lãnh thổ Trung Quốc.
Những hành động này của chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những bất bình mà nước này đã gây ra và chế ngự quyền lực của Bắc Kinh.
Mỹ phản công lại Trung Quốc
Các sự kiện trên diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo có bài phát biểu quan trọng, chỉ đích danh Trung Quốc đã phát động một cuộc Chiến tranh lạnh nhằm tiếp tục những tham vọng thách thức Mỹ và phương Tây trong cuộc đua giành vị thế lãnh đạo toàn cầu.
Trong bài phát biểu, ông Pompeo chỉ nhân tiện nhắc đến việc đóng cửa lãnh sự quán, cho thấy các vấn đề đang diễn ra còn lớn hơn như vậy nhiều lần.
Và trước đó…
Ngày 13/7, ông Pompeo có bài phát biểu cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông và chiếm hữu, sáp nhập trái phép các đảo, rạn san hô và đảo san hô ở khu vực này.
Ngày 16/7, Bộ trưởng Tư pháp William Barr tuyên bố rõ ràng “những ngày nước Mỹ thụ động và ngây thơ trước Trung Quốc đã qua rồi”… Ngày 07 tháng 07, Giám đốc Cục điều tra liên bang Christopher Wray tuyên bố FBI đang thực hiện 1.000 cuộc điều tra liên quan đến hành vi trộm cắp công nghệ của Trung Quốc.
Trong thời gian trước đó, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi Bắc Kinh áp dụng luật an ninh mới cho Hồng Kông.
Mỹ tuyên bố xóa bỏ quy chế ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho vùng lãnh thổ này. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân về nguy cơ bị bắt giam tùy tiện ở Trung Quốc.
Mỹ cũng đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với Ấn Độ khi New Dehli đang xung đột vũ trang với Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp gần Tây Tạng.
Trong vài tháng qua, các cơ quan liên bang Mỹ đã điều tra cáo buộc cho rằng Trung Quốc thực hiện gián điệp và gây ảnh hưởng tại các trường đại học Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh tài trợ cho 90 Viện Khổng Tử trên khắp nước Mỹ và hiện giờ các viện này đang bị cáo buộc truyền bá thông tin và tuyên truyền xuyên tạc.
Hàng trăm giáo sư có quan hệ với Trung Quốc đã bị điều tra. Điều thú vị là gần đây, chính phủ Thụy Điển cũng đã đóng cửa các Học viện Khổng Tử cũng vì cáo buộc gián điệp và tuyên truyền xuyên tạc.
Rõ ràng, Mỹ đang phản công lại Trung Quốc theo những cách chưa từng có tiền lệ. Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia khác.
Phản ứng lãnh đạm từ phía Trung Quốc
Chỉ vài giờ sau khi Mỹ yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, chính quyền Bắc Kinh đáp lại bằng lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. Lãnh sự quán này được đặt gần Tây Tạng, nơi nước Mỹ luôn dành sự quan tâm đặc biệt.
Dường như, Bắc Kinh lại áp dụng “quân bài phân biệt chủng tộc” khi tuyên bố rằng 72.000 người Trung Quốc ở Houston bị đe dọa do đóng cửa lãnh sự quán.
Cần nhớ lại rằng chính Trung Quốc đã gọi ông Trump là một kẻ phân biệt chủng tộc khi ông cấm các chuyến bay từ Trung Quốc vào Mỹ để ngăn chặn Covid-19 vào tháng 2 năm nay.Thực tế là gần như tất cả các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ cũng đều bị cấm.
Trung Quốc chưa đưa ra hành động trả đũa nào khác. Vẫn chưa biết liệu Bắc Kinh đang cố gắng xoa dịu hay đang suy tính khoét sâu thêm khủng hoảng.
Tại sao Mỹ trả đũa Trung Quốc?
Có 3 lý do:
Ông chủ Nhà Trắng đã không giấu diếm việc bản thân cảm thấy bị xúc phạm nặng nề bởi những hành động của Trung Quốc mà ông cho rằng có mục đích che đậy nghi ngờ về việc nước này đã để đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu, và sau đó lại quay sang đổ lỗi cho nước Mỹ, cụ thể là công tác quản lý đại dịch của ông.
Ngày 13/7, ông Pompeo có bài phát biểu cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông và chiếm hữu, sáp nhập trái phép các đảo,
rạn san hô và đảo san hô ở khu vực này.
Lúc đầu, ông Trump đã khen ngợi ứng phó của Trung Quốc để rồi sau đó lại trở thành người cho Trung Quốc đổ tội.
Ông Trump chỉ trích Trung Quốc vì đã không thực hiện nghĩa vụ của mình như đã thỏa thuận trong Hiệp định thương mại song phương mới, Giai đoạn 1, được đàm phán năm ngoái. Trung Quốc lấy lý do vì đại dịch và kinh tế thất bát nên họ không thực hiện được cam kết.
Thỏa thuận này bao gồm việc Trung Quốc hứa sẽ chấm dứt hoạt động gián điệp khoa học và công nghiệp chống lại các doanh nghiệp, trường đại học và chính phủ Mỹ. Ông Trump tuyên bố rằng thực tế hoạt động gián điệp của Trung Quốc đang gia tăng.
Và Trung Quốc đã từ chối tham gia các cuộc đàm phán của Mỹ và Nga nhằm hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân. Hiện tại, nước này chỉ đang sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân hạn chế trong khi Mỹ có hàng ngàn.
Các hành động của Trung Quốc chống lại Tổng thống Mỹ trên tất cả các mặt trận, từ đại dịch, thương mại, gián điệp cho đến vũ khí hạt nhân đã được đảng Dân chủ khai thác triệt để nhằm giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 11.
Theo ông Trump, ứng cử viên đối thủ Joe Biden cùng với đội ngũ chóp bu của phe Dân chủ tại Quốc hội đang hàng ngày tận dụng từng “luận điểm” của Trung Quốc để gây phân tán sự tập trung của ông.
Các kênh truyền thông chính thống cũng dồn toàn lực để ủng hộ ông Biden giành chiếc ghế Tổng thống. Ông Trump cho rằng truyền thông và phe Dân chủ đang sử dụng cùng một giọng điệu chỉ trích ông.
Triển vọng tương lai
Như vậy, sự nguội lạnh nhanh chóng của mối quan hệ Mỹ-Trung đã cho thấy sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Mỹ chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc này còn liên quan nhiều đến chính trị bầu cử Mỹ.
Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng 11. Với thực tế là đảng Dân chủ đã công khai đứng về phía Trung Quốc chống lại ông Trump, nhiều người tin rằng cuộc xung đột Mỹ-Trung sẽ xấu đi khi tất cả các bên tăng cường tấn công.
Nếu ông Trump tái đắc cử, việc hàn gắn lại mối quan hệ với Trung Quốc sẽ vô cùng khó khăn sau những cuộc tấn công rầm rộ vào nước này trong nhiều tháng qua. Rất có thể, ông Trump đã vô tình khiến việc duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trở thành một “nhiệm vụ” của ông trong mắt các cử tri khiến ông không thể thay đổi điều này sau cuộc bầu cử.
Nhưng nếu ông Biden chiến thắng, ông ấy sẽ bị đóng khuôn trong những tuyên bố khiến người ta nhớ lại những năm tại nhiệm của ông ở vị trí Phó tổng thống cho ông Obama.
Để chứng tỏ việc không tán thành các chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump, ông Biden chọn cách đối thoại và ngoại giao: nói cách khác, ông Biden hy vọng “thuyết phục Trung Quốc” bỏ cuộc.
Các nhà phê bình cho rằng chính sách này đã không hiệu quả dưới thời ông Obama thì cũng sẽ không hiệu quả dưới thời ông Biden. Ông Obama đã từng rất nổi tiếng với tuyên bố rằng ông đã thuyết phục được ông Tập Cận Bình chấm dứt các hoạt động gián điệp.
Ông Trump tin rằng Trung Quốc đang tích cực hậu thuẫn cho một nhiệm kỳ tổng thống mang tên Biden. Các cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo Trung Quốc có ý định gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử thông qua các cuộc tấn công mạng. Niềm tin này sẽ tiếp tục thổi bùng xung đột trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
Ngoài ra, ông Biden và gia đình ông đã bị chính quyền của Tổng thống Trump cáo buộc thông đồng với Trung Quốc vì lợi ích cá nhân. Các nhà quan sát dự báo vấn đề này sẽ bùng nổ ngay trước thềm cuộc bầu cử – cái gọi là “Điều bất ngờ tháng Mười”.
Phần lớn các vấn đề thế giới sẽ được định hướng theo kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây. Lúc này, châu Á đang hồi hộp chờ đợi sự định đoạt số phận.