Hôm 30-7, Malaysia gửi một công hàm lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) bác lại công hàm phản đối của Trung Quốc. Biển Đông tiếp tục chứng kiến các diễn biến dồn dập về phương diện pháp lý.
Sự kiện này gần như trùng khớp với việc Trung Quốc cũng gửi một công hàm bác bỏ công hàm trước đó của Úc liên quan tới yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy vậy, cả Úc, Malaysia lẫn Trung Quốc đều chọn phương án vừa kiềm chế vừa cứng rắn.
Bắc Kinh đuối lý
Trong công hàm HA 26/20 đề ngày 29-7 gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và LHQ, phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ đề cập tới quan điểm của Malaysia với công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc.
Trước đây, Malaysia đã gửi LHQ một đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia. Vào ngày
12-12-2019, Trung Quốc gửi công hàm CML/14/2019 để phản đối bản đệ trình của Malaysia. Vì vậy, công hàm đề ngày 29-7 của Malaysia nêu trên lại là một văn bản đáp lại sự phản đối của Trung Quốc.
Malaysia nêu rõ: “Đệ trình của Malaysia lên Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) về phần còn lại của thềm lục địa Malaysia ngoài 200 hải lý, ở phía bắc của Biển Đông, từ các đường cơ sở mà từ đó độ rộng của lãnh hải được đo, tạo thành cam kết hợp pháp trong việc thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – điều phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982 cũng như Quy tắc tố tụng của ủy ban.
Chính phủ Malaysia khẳng định đệ trình này phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của Malaysia trong việc phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa”.
Về đoạn 2 và đoạn 3 trong công hàm của Trung Quốc, Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, hoặc các quyền hoặc quyền tài phán khác, liên quan đến những khu vực hàng hải tại Biển Đông bị gộp trong “đường 9 đoạn” vì những yêu sách này trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý.
Màn “rượt đuổi” bằng công hàm ở Biển Đông cũng xuất hiện giữa Trung Quốc và Úc. Bắc Kinh mới đây cũng gửi công hàm đề ngày 29-7 để phản bác tất cả lập luận của Úc trong công hàm Canberra gửi trước đó (23-7).
Tuy nhiên, Trung Quốc không nêu ra được điều luật nào của UNCLOS 1982 trong công hàm ngày 29-7 để chứng minh các yêu sách trên Biển Đông của mình là đúng luật.
Căng thẳng nhưng kiềm chế
Về mặt pháp lý, Malaysia và Úc đã thể hiện lập trường bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, kêu gọi thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Về bề ngoài, tình hình có vẻ căng thẳng khi Úc khẳng định quan điểm ngay trước cuộc họp tham vấn (AUSMIN) quan trọng với Mỹ – đối trọng của Trung Quốc. Trong khi đó, Malaysia cũng gây bất ngờ đôi chút với việc chọn thời điểm này để lên tiếng, trong khi Kuala Lumpur lâu nay vẫn bị xem là nước khá im lặng về Biển Đông. Tuy nhiên, khi quan sát bức tranh toàn cảnh về những sự kiện vừa qua, có thể thấy các bên ít nhiều đang có sự kiềm chế.
Cách đây tầm 2 tuần, báo South China Morning Post còn có bài viết mang tựa đề “Vì sao Malaysia im lặng như vậy về Biển Đông?”. Bài viết này xoáy vào mâu thuẫn giữa Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein và người tiền nhiệm Anifah Aman (trào cựu thủ tướng Najib Razak).
Khi ông Hussein nói tàu Trung Quốc không xâm nhập vùng biển của Malaysia trong 100 ngày qua, ông Anifah bác bỏ bằng cách dẫn dữ liệu vệ tinh và phân tích cho thấy tàu Trung Quốc có xâm nhập. Đáp lại, ông Hussein khẳng định chính quyền đương nhiệm đã có những nỗ lực ngoại giao để đảm bảo tàu Trung Quốc không xâm nhập và rằng “lập trường của chúng tôi về Biển Đông không thay đổi so với thời Anifah”.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, vì vậy cân nhắc về các phát biểu công khai từ phía Kuala Lumpur cũng là điều dễ hiểu. Nhưng như Hussein nói rõ, ông “không thỏa hiệp với câu chuyện chủ quyền”, vì vậy công hàm gửi LHQ cũng là một thao tác bình thường để lưu dấu về mặt pháp lý.
Cách tiếp cận này hoàn toàn phù hợp, vừa đảm bảo lợi ích chủ quyền vừa không đẩy căng thẳng lên quá cao ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế và song phương nói chung.
Tương tự, màn “lưu dấu” bằng công hàm giữa Úc và Trung Quốc cũng đi theo hướng này. Úc vừa qua khẳng định lập trường ở Biển Đông nhưng không quên nêu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ Úc – Trung. Ngoại trưởng Marise Payne cũng nói thẳng Úc không muốn làm tổn thương mối quan hệ này.
Cùng với việc Úc lừng khừng, chưa thực hiện các đợt tuần tra bảo đảm tự do hàng hải đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, thái độ vừa phải của Canberra cũng khiến Bắc Kinh không thực sự cảm thấy cần “ăn thua đủ”.
“Phản ứng chính thức của Trung Quốc đối với Úc thông qua Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra rất bình thường. Chỉ là những ngôn ngữ được soạn sẵn theo mẫu” – nhà nghiên cứu Natasha Kassam của Viện Lowy bình luận trên báo Guardian.
Với công hàm ngày 29-7, Bắc Kinh đã nối dài màn đối đầu pháp lý với các nước trong và ngoài khu vực, cho đến nay đã có 7 quốc gia tham gia. Trước Malaysia và Úc, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Mỹ cũng có những công hàm và tuyên bố khác nhau với điểm chung là bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.