Theo Bộ Công Thương, việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8.2020, chúng ta đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu, dư địa tại thị trường này đang rất lớn. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ngắn hạn, EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 – 3,25%; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
EVFTA tạo cơ hội cạnh tranh cho các mặt hàng nông, lâm sản khi xuất khẩu sang EU
Cơ hội lớn, nhưng thách thức không nhỏ
Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế kỳ vọng: Trong 5 năm đầu tiên thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7%, trong đó đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản (gạo), nhóm ngành chế biến chế tạo (dệt may, giày dép) và nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không…).
Theo thỏa thuận của EVFTA, EU đã bảo hộ cho 39 chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam. Đây chính là cơ hội để nông sản Việt Nam mở rộng thị phần tại EU – thị trường cấp cao với những đòi hỏi khắt khe về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ…
Cụ thể, cam kết của EVFTA đối với ngành lúa gạo, là EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm; mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo miễn thuế, bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. “Với cam kết sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, ngành lúa gạo Việt Nam có cơ hội xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm” – ông Lý Thái Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc – cho biết.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An – nhấn mạnh về những thách thức khi gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, bởi đây là thị trường cấp cao đòi hỏi vấn đề chất lượng rất khắt khe không chỉ về vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mà hàng loạt vấn đề đi kèm như các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, uy tín của doanh nghiệp, vấn đề sử dụng lao động… Chưa kể, thị trường EU vốn đã quen sử dụng gạo của Thái Lan, Campuchia, Myanmar… để vào được EU và có thể “trụ vững”, là những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
“Trong tổng số hạn ngạch dành cho gạo Việt Nam, EU lại có một lượng dành cho các chủng loại gạo đặc sản, trong khi hiện nay sản lượng và vùng trồng các chủng loại gạo này chưa lớn” – ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – NNPTNT), Liên minh Châu Âu (EC) quy định các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (Authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Đối với các mặt hàng thủy hải sản, hiện phần lớn thuế suất cơ sở nhập khẩu vào EU từ 6-22%. Sau khi EVFTA có hiệu lực, 50% số dòng thuế sẽ được cắt bỏ ngay, 50% dòng thuế còn lại xóa bỏ sau từ 3-7 năm… Đó là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang EU, nơi đang chiếm 11,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản nước ta. Tuy nhiên, EU vốn đang có những định kiến nhất định với cá tra, bên cạnh đó hiện nay EC chưa gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Điều này đòi hỏi ngành thủy sản phải hết sức nỗ lực…
Việt Nam tự tin gia nhập thị trường EU
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định “Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu”, được tổ chức mới đây (30.7), ông Lê Xuân Minh – Trưởng ban Kinh tế đối ngoại – Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) khẳng định: DN đã sẵn sàng đón nhận EVFTA vì đã có sự chuẩn bị trong mấy năm qua để chờ tới ngày hiệp định có hiệu lực.
Đối với các mặt hàng thủy sản, với lợi thế trong năm 2019 đã xuất khẩu gần 800 tấn tôm đông lạnh sang EU (đạt kim ngạch 4,7 triệu USD) – Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn Mai Ngọc Sơn – cho biết: EVFTA giảm thuế sẽ tăng mức cạnh tranh về giá với các quốc gia cũng đang xuất khẩu sang thị trường này. Với kỳ vọng về những lợi thế mà EVFTA mang lại, ông Mai Ngọc Sơn cho biết, DN đang phấn đấu xuất khẩu năm 2020 sẽ mang về kim ngạch xuất khẩu khoảng 5 triệu USD.
Theo TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), nhóm ngành thủy sản đang là lợi thế nhất của Việt Nam. Trong tổng số khoảng 8 tỉ kim ngạch XK thủy sản, riêng xuất khẩu vào thị trường EU đã chiếm trên 1 tỉ USD.
Dù chất lượng gạo của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của EU nhưng lại gặp khó khăn bởi hàng rào thuế quan (hiệu suất thuế EU áp lên gạo Việt Nam lên đến 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn gạo tấm), thì việc giảm thuế quan đối với các mặt hàng nông sản, trong đó có gạo xuất khẩu, sẽ là cơ hội lớn để nông sản Việt Nam tự tin gia nhập thị trường EU.
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên – Bộ Công Thương: Đánh giá định lượng đến 2025 xuất khẩu tăng trưởng khoảng 43%, năm 2030 tăng trưởng khoảng 45%; đây là cú hích rất tốt cho xuất khẩu, còn một số mặt hàng gạo tăng trưởng khoảng hơn 60%, mặt hàng da giày tăng 91%, dệt may tăng 80%. Qua đây chúng ta có thể thấy cơ hội rất rõ ràng về tăng trưởng xuất khẩu.
Theo ông Lý Hoàng Hải – Tổng Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng – đơn vị chuyên cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với nông – thủy sản xuất khẩu sang EU, xu hướng của thị trường EU là tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Hiện nay, việc tuân thủ quy định về ngưỡng thuốc trừ sâu trong nông sản xuất khẩu sang EU đã là một khó khăn lớn cho DN. Ngoài ra, các DN chậm cập nhật các quy định mới của EU, một số hóa chất EU cấm sử dụng vẫn có thể tìm thấy trên thị trường Việt Nam.