Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngTQ: “Tiến, thoái lưỡng nan”

TQ: “Tiến, thoái lưỡng nan”

Tuyên bố của Mỹ bác bỏ hoàn toàn những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông đã đẩy Trung Quốc vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu tiếp tục các hành động gây hấn, sẽ chạm “lằn ranh đỏ”. Nhưng nếu lùi, thậm chí ngay cả “đứng im”, thì phải chăng, hóa ra không phải Mỹ, mà chính Trung Quốc mới là “con hổ giấy”?   

Ảnh: Tàu chiến Mỹ hoạt động trên biển Đông

Đừng vội nghĩ, sau những động thái kiểu “ăn miếng trả miếng” từng xảy ra trên Biển Đông thời gian qua giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu Mỹ- Trung Quốc: gào thét, đấu khẩu, chơi võ mồm; tập trận, thử tên lửa đạn đạo; cho tàu sân bay ngênh ngang diễu võ, giương oai…, mọi chuyện sẽ dừng lại. 

Thời điểm này, nhất là sau tuyên bố chính thức ngày 13/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Biển Đông, khẳng định: “Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở gần như toàn bộ Biển Hoa Nam (Biển Đông) là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch dọa nạt của họ nhằm kiểm soát chúng…”, mọi chuyện càng rối lên. Thậm chí, dư luận còn lo ngại tới một kết cục thảm khốc nếu xảy ra đối đầu súng đạn giữa Mỹ và Trung Quốc.     

Phân tích kỹ, dư luận có thể thấy, ngoài việc sử dụng ngôn từ một cách mạnh mẽ, dứt khoát hơn, tuyên bố ngày 13/7 không thể hiện nhiều thay đổi về quan điểm vốn đã được Washington không ít lần khẳng định.

Chỉ có điều, tại thời điểm nhạy cảm này, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lợi dụng Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới vất vả vật lộn với đại dịch Covid-19, có những hành động lấn tới thiết lập lợi thế trong cuộc cờ trên Biển Đông, để khi quốc tế choàng tỉnh thì “mọi sự đã rồi”, Mỹ mới chủ trương chính thức hóa quan điểm thông qua một tuyên bố của Bộ Ngoại giao.

Đương nhiên, Trung Nam Hải vô cùng tức tối, coi Nhà trắng như “kẻ phá bĩnh”, vì mấy lẽ:

Thứ nhất, Mỹ là kẻ “xỏ xiên”, nhè đúng thời điểm Bộ Ngoại giao Philippines làm hoắng dư luận trong nước và quốc tế khi đưa ra tuyên bố kỷ niệm 4 năm Tòa án Trọng tài thường trực Liên hiệp quốc (PCA) ra phán quyết về Biển Đông (12/7/2016). Trung Nam Hải không thể suy luận rằng: Nhà trắng cố ý lựa chọn “điểm rơi” để “đánh thức dư luận” về vụ kiện – một sự kiện mà Trung Quốc phẩy tay không công nhận, vẫn không thể không cảm thấy bị bẽ mặt trước thế giới, nhất là khi họ đã thò bút ký văn bản Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Thứ hai, Trung Quốc coi những ngôn từ mạnh mẽ, đầy ngạo mạn của Mỹ chẳng khác nào hành vi phất cờ cổ xúy các nước láng giềng “bị ức hiếp” đứng lên đấu tranh, chống lại Trung Quốc.

Những gì diễn ra vẻ như càng chứng tỏ điều đó là đúng. Chỉ hai tuần, tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều đua nhau lên tiếng, cứ như có một sự bàn bạc, nắm tay nhau dưới gầm bàn, kể cả quốc gia dầu mỏ Brunei vốn lặng lẽ trước thời cuộc.

Thứ ba, tuyên bố của Mỹ đẩy Trung Quốc vào thế khó “tiến thoái lưỡng nan”: Nếu tiến lên, tiếp tục các hành động gây hấn, sẽ chạm “lằn ranh đỏ” – điều nên được lĩnh hội từ thông điệp của Mỹ. Nhưng nếu lùi lại, thậm chí ngay cả “đứng im”, không có những động thái gây hấn mới, thì trong cái nhìn của cộng đồng quốc tế và Mỹ, hóa ra không phải Mỹ, mà chính Trung Quốc mới là “con hổ giấy” phát sốt, phát rét trước những lời đe dọa của Mỹ.

Trung Quốc – kẻ muốn lật đổ Mỹ để trở thành cường quốc số 1 thế giới – mà bị coi như “hổ giấy” thì là một sự ê chề khó chấp nhận. Đặc biệt, với một kẻ hãnh tiến, luôn tự tôn là “trung tâm của thế giới” như Trung Quốc, đó còn là sự tổn thương dân tộc ghê gớm. 

Một khi không còn gì để mất, không ai dám chắc Trung Quốc sẽ không coi hành động quân sự là biện pháp duy nhất để đối đầu với Mỹ, bất chấp những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra.

                                                                                                                                                      Đ.T

RELATED ARTICLES

Tin mới