Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnBài 1: “Mỹ đang trên đà đi đến đối đầu một cách...

Bài 1: “Mỹ đang trên đà đi đến đối đầu một cách toàn diện với TQ”

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang chuyển dần thành cuộc chiến toàn diện, đưa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc “chiến tranh lạnh”. Việt Nam chúng ta cần phải hành động như thế nào để vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh này? Cuộc trò chuyện của Nhà báo Huỳnh Phan với Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cho chúng ta thấy một phần “bức tranh” này.

Tàu sân bay Ronald Reagan và tàu tuần dương Chancellorsville ở biển Đông. Ảnh U.S. Navy.

Nhà báo Huỳnh Phan: Mới đây, các quan chức cao cấp ba ngành quan trọng trong nội các chính quyền Mỹ là Ngoại giao, Quân sự, Tư pháp đã có những tuyên bố, thông điệp được cho là chỉ trích Trung Quốc hết sức mạnh mẽ, không chỉ về Biển Đông mà còn trong nhiều vấn đề đối ngoại, đối nội của Trung Quốc. Đây là các động thái ngẫu nhiên, hay đã có kế hoạch của chính quyền Mỹ? Thực chất của các động thái này là gì, nó nằm trong một chiến lược ổn định, dài hạn của nội các Tổng thống Trump, hay chỉ mang tính phương tiện, công cụ để đối phó với áp lực trong nước (như thành tích về chống Covid-19 bị coi là nghèo nàn), hoặc để ‘lấy điểm’ cho kỳ bầu cử sắp diễn ra vào tháng 11/2020?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Tôi không nghĩ rằng đây chỉ là các động thái ngẫu hứng của các cơ quan chức năng của Chính phủ Mỹ. Trong tình hình chính trị hiện nay thì khó mà phân biệt các yếu tố chiến thuật với yếu tố chiến lược, nhưng những động thái gần đây của Chính phủ Mỹ chắc chắn là có ý nghĩa chiến lược, bởi vì Mỹ đang trên đà đi đến đối đầu một cách toàn diện với Trung Quốc.

Nước Mỹ đang trong giai đoạn tranh cử Tổng thống, cho nên mọi phát ngôn, mọi chính sách đều hướng đến bầu cử. Việc các  lực lượng cầm quyền đưa ra những chính sách mang tính thủ thuật để phục vụ quá trình bầu cử là chuyện đương nhiên. Ngoài ra, các hiện tượng chính sách ấy còn được truyền thông tô vẽ, thổi phồng lên nữa. Trong tình trạng như thế khó mà phán đoán chính xác, nhưng tôi cho rằng có cả yếu tố tranh cử lẫn yếu tố chiến lược là sự đối đầu lâu dài với Trung Quốc.

Vừa mới đây chúng ta chứng kiến sự kiện đóng cửa các lãnh sự quán. Đấy là một trong những việc rắc rối nhất của hoạt động ngoại giao. Chúng ta biết Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đôlà kết quả của một cuộc vận động phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong vụ án Bạc Hy Lai, cảnh sát trưởng của Trùng Khánh là Vương Lập Quân đã tháo chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đôđể trốn.

Nhắc lại chi tiết này để thấy lãnh sự quán là những căn cứ quan trọng, không phải là thứ có thể mang ra làm trò đùa. Để thiết kế lại tất cả các phương tiện thông tin và bảo vệ an ninh của một lãnh sự quán là cả một chi phí khổng lồ. Người Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1995, nhưng phải mất nhiều năm sau mới thương lượng xong để mở lại lãnh sự quán. Từ khi mở lại lãnh sự quán đến khi hoạt động một cách an toàn cũng mất nhiều thời gian.

Nói như thế để chúng ta thấy rằng cả yếu tố chiến lược và yếu tố chiến thuật đều hiện hữu ở trong thái độ hiện nay của Chính phủ Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Một minh chứng nữa cho kết luận này là thái độ của người Mỹ đối với Luật An ninh Hồng Kong rất kiên quyết, sẵn sàng phá vỡ lịch sử gần một thế kỷ quan hệ giữa Hoa Kỳ với Hồng Kong.

Những chuyện này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quan hệ đối ngoại của Việt Nam, bởi vì bất kỳ một quốc gia nào muốn cấu trúc một cuộc chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng có tính chất đối cực đều phải lôi kéo đồng minh và đối tác. Việt Nam là quốc gia cần phải thận trọng nhất trong số các quốc gia Mỹ muốn lôi kéo do vị thế đặc biệt của chúng ta bên cạnh nước CHND Trung Hoa.

Tại sao Mỹ vừa rồi có những hành động kiên quyết với Trung Quốc như vậy? Phải chăng do ông Tập Cận Bình ngày càng xa rời tư tưởng của ông Đặng Tiểu Bình là “Ẩn mình chờ thời”? Việc ông Tập kiên quyết chấn hưng Trung Quốc một cách mạnh mẽ ảnh hưởng đến vị trí số một của Mỹ nên họ mới có những động thái như hiện nay?

-Không hoàn toàn như thế! Tất cả các Tổng thống đều thể hiện tính cách chính trị của mình, trong đó quan trọng nhất là ý thức về lợi ích quốc gia. Những chính sách của Mỹ hiện nay là một cách quan niệm của Tổng thống Trump về lợi ích của nước Mỹ. Ông Trump thay đổi chính sách đối ngoại theo quan điểm mới về lợi ích của nước Mỹ nên buộc ông Tập Cận Bình phải đối phó.

Trung Quốc đang kiếm ăn được trong quan hệ với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình chẳng dại gì thay đổi chính sách để chuốc lấy rắc rối. Ông Tập Cận Bình cũng chưa có thể hiện gì rõ ràng về việc thay đổi chính sách. Các hệ thống truyền thông khắp nơi bình luận, nhận định nhiều về vấn đề này nhưng đấy vẫn là người khác nói chứ không phải ông Tập Cận Bình.

Ông có thể lý giải cụ thể hơn là ông Tập Cận Bình cho người khác nói, hay những phát ngôn đó là ngoài ý muốn của ông ấy?

-Có cả hai tình huống. Hệ thống truyền thông nói cái gì và nói vào lúc nào, nói hùa theo hay nói một cách chủ động… tất cả những việc ấy tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà chúng ta phân tích.

Trung Quốc mạnh hơn lên, giàu có hơn lên, nhưng liệu Trung Quốc đã đủ hoàn thiện để thay đổi thái độ đối với Mỹ chưa? Tôi nghĩ là chưa. Sự đối phó của Trung Quốc với chính sách hiện nay của Mỹ có vẻ khá lúng túng.  Trong các hành động của Trung Quốc để ứng phó với tình thế mới hiện nay cũng chưa thấy bóng dáng của các chính sách ổn định.

Chính phủ Mỹ đang xét lại toàn bộ quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới, không trừ một quốc gia nào. Ở thời điểm này, Trung Quốc chưa có đầy đủ thông tin và kinh nghiệm của thế giới để có thể thay đổi chính sách một cách có hệ thống.

Những diễn biến về chính sách gần đây của chính phủ Mỹ là những biểu hiện ban đầu của một sự thay đổi có tính lâu dài, có tính chiến lược nó trùng với kỳ bầu cử Tổng thống. Còn về chính sách ổn định lâu dài của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc thì đây chưa phải là thời điểm có thể kết luận.

Mấy tháng nữa mới tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chúng ta chưa biết ai thắng cử, kể cả Tổng thống Trump thắng cử thì ở nhiệm kỳ thứ hai ông ấy cũng sẽ thay đổi một số chính sách cho phù hợp. Trung Quốc kỳ vọng một Tổng thống dễ chịu hơn cho mình, nhưng nếu Tổng thống “khó chịu” này vẫn tiếp tục cầm quyền thì Trung Quốc cũng buộc phải thay đổi chính sách đối với Mỹ. Người ta cần phải sống để làm ăn nên người ta cũng phải thay đổi cho phù hợp các đòi hỏi của nhau. Bản chất của chính sách đối ngoại chính là thay đổi cho phù hợp.

Trung Quốc sẽ thay đổi?

Ông thấy có những cơ sở nào để chứng minh rằng Trung Quốc sẽ thay đổi? Nếu ông Tập không thay đổi thì sao?

-Về nguyên tắc chính trị là họ phải thay đổi. Chỉ có người chết hoặc người điên mới không thay đổi theo tình thế. Trung Quốc sẽ thay đổi nếu Tổng thống Trump thắng cử. Còn nếu ông Trump không thắng cử thì Trung Quốc cũng sẽ thay đổi theo một cách nào đó cho phù hợp.

Vụ căng thẳng về việc Mỹ, Trung Quốc nối tiếp nhau ra lệnh đóng các lãnh sự quán tương ứng của bên kia (tại Houston và Thành Đô) có vị trí ra sao trong “căng thẳng, đối đầu” Mỹ – Trung và có thể dẫn tới đâu?

-Tôi nghĩ đấy là một sự kiện nằm trong hệ thống các sự kiện mô tả giai đoạn đang rất khó chịu giữa Trung Quốc và Mỹ. Đấy là đòn trả đũa lẫn nhau. Việc đóng cửa hay mở cửa trở lại của các cơ quan sứ quán đều là kết quả của tình thế. Đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là hệ quả tình thế của việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Đấy là cách thức cơ bản nhất của hoạt động đối ngoại. Nếu không làm như thế thì cũng chẳng có cách nào khác. Mang quân đến đánh nhau thì không được rồi.

Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô thì chúng ta hiểu rồi, còn Mỹ tại sao lại đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston?

-Chính phủ Mỹ tuyên bố là họ nghi ngờ người Trung Quốc. Nhưng sự nghi ngờ ấy có đúng hay không thì chỉ có cơ quan tình báo của hai bên mới biết được. Nhiều bên thứ ba muốn biết nhưng tôi nghĩ không dễ gì biết được. Người Mỹ nói một cách công khai đấy là cơ sở để cho các gián điệp ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của người Mỹ lẩn trốn vào những lúc cần thiết. Trên các trang mạng quốc tế cũng như trong nước có rất nhiều câu hỏi chi tiết liên quan đến chuyện này.

Việc đóng cửa lãnh sự quán có thể dẫn tới đâu nữa?

-Việc này có thể sẽ diễn ra một lần nữa đối với các lãnh sự quán khác. Các lãnh sự quán ngoài ý nghĩa hoạt động nghề nghiệp còn là những vật thế chấp trong quan hệ đối ngoại. Tất cả những chuyện như vậy đôi khi do cảm hứng ngẫu nhiên của những người phụ trách, còn về tổng thể thì các vật thế chấp luôn được sử dụng trong quá trình mặc cả chính trị.

Họ có thể đóng cửa thêm lãnh sự quán của nhau trước khi tính đến nước cuối cùng là đóng cửa sứ quán, là mức nặng nề nhất?

-Cuộc chơi này không phải là cuộc chơi nhẹ nhàng. Tôi nghĩ mùi vị của sự kiên quyết trong cuộc chơi này cao hơn mức mà những người như chúng ta có thể tưởng tượng. Trong thời điểm chúng ta ngồi đây, có thể ở Trung Quốc đã diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà, nơi giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, bao gồm cả người đương nhiệm và các lão thành, cùng nhau đánh giá tình thế để đưa ra các kế sách.

RELATED ARTICLES

Tin mới