Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) là một tổ chức liên chính phủ tạo ra bởi sự ủy nhiệm của Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ ba về Luật biển. Tòa được thành lập bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), được ký tại Montego Bay, Jamaica, vào ngày 10/12/1982.
Một phiên phân xử tranh chấp tại ITLOS ở thành phố Hamburg (Đức).
Tuy được ký kết từ lâu nhưng phải 12 năm sau Công ước mới có hiệu lực (ngày 16/11/1994). ITLOS xác định khuôn khổ quốc tế cho luật trên “tất cả các không gian đại dương, việc sử dụng và nguồn tài nguyên của nó”. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.
Mới đây Trung Quốc đã đề cử một ứng viên vào vị trí thẩm phán ITLOS. Thế nhưng Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ và đang vận động các quốc gia tìm mọi cách ngăn chặn. Lý lẽ của Washington là: Bắc Kinh đã nhiều năm phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại Lahaye về Biển Đông, năm 2016, đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Cuối tháng 7 vừa qua, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại Hội thảo Biển Đông, hằng năm lần thứ 10 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã thẳng thừng gạt phắt ý đồ của Bắc Kinh. Ông nói: “Bầu chọn ứng viên Trung Quốc cho cơ quan này giống như thuê một kẻ cố tình phóng hỏa để điều hành Sở cứu hỏa”. Bình luận của ông Stilwell được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế không ai lạ điều này, Tòa Trọng tài Thường trực và ITLOS đều được thành lập dựa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Cho nên Mỹ hối thúc tất cả các nước có tham gia vào kỳ bầu cử bổ sung thẩm phán ITLOS sắp tới xem xét cẩn trọng ứng viên đến từ Trung Quốc. Cần trả lời câu hỏi, một thẩm phán Trung Quốc nếu được bầu vào Hội đồng thẩm phán ITLOS sẽ hỗ trợ cho việc thúc đẩy hay kéo lùi luật biển quốc tế?
Xem xét một loạt hành động gây căng thẳng trên Biển Đông của Bắc Kinh trong thời gian thấy rằng, nếu thẩm phán Trung Quốc tham gia sẽ chả khác nào một “bù nhìn giữ dưa”, bởi “bù nhìn” này sẽ chỉ nói một giọng của ông chủ ở Trung Nam Hải mà thôi.
Bị Washington chọc giận, Bắc Kinh lập tức giở món bài quen thuộc vạch tội “diều hâu” Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng lập luận của ông Stilwell là trơ tráo, cả vú lấp miệng em. Yêu cầu Mỹ hãy nhìn lại bàn chân vấy bẩn của mình khi đến lúc này Mỹ vẫn chưa thông qua UNCLOS nhưng lại đóng vai là người bảo vệ Công ước.
Theo nguồn tin của Biendong.net, tại cuộc bầu cử bổ sung vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 này, các nước sẽ bầu ra 7 thẩm phán trên tổng số 10 ứng viên thẩm phán. Các ứng viên thẩm phán đến từ 10 quốc gia, nếu trúng cử sẽ đảm nhiệm nhiệm kỳ 9 năm. Trung Quốc giới thiệu ông Đoàn Khiết Long (Duan Jielong), Đại sứ Trung Quốc đương nhiệm tại Hungary.
Không phải bây giờ Trung Quốc mới đưa người vào Hội đồng thẩm phán ITLOS, mà kể từ năm 1996 đến nay, đã có ba người Trung Quốc được bầu vào vào Hội đồng thẩm phán ITLOS .
Vậy thì tại sao sự tham gia của ứng viên Trung Quốc năm nay lại đã gây ra tranh cãi? Câu trả lời là rất rõ, chỉ trừ Trung Quốc cố tình la lối mà thôi. Khi Bắc Kinh liên tục thể hiện những hành động và tuyên bố coi thường UNCLOS, nhất là trong vấn đề Biển Đông thì không ai đồng ý để đại diện nước này ngồi vào cái ghế bảo vệ lẽ phải. Rõ ràng cách hành xử của Trung Quốc sẽ khiến nước này chịu tổn thất về mặt chính trị. Tổn thất ấy có thể được thể hiện khi số phiếu dành cho ứng viên Trung Quốc quá thấp.
Trước khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell không tán thành đưa người của Trung Quốc tham gia thẩm phán ITLOS thì cách đây quãng ba tháng, ông Jonathan G. Odom, một học giả Mỹ chuyên về luật quốc tế, đã viết bài kêu gọi các nước không bỏ phiếu cho ông Đoàn Khiết Long. Ông Odom nói rằng, Trung Quốc đã vứt phán quyết Biển Đông vào sọt rác thì đó chính là hành động thẳng tay phá hoại UNCLOS.
Đúng ra các bên tham gia vụ kiện Biển Đông phải có nghĩa vụ tuân thủ mọi quyết định của Tòa trọng tài, bao gồm các quyết định liên quan đến thẩm quyền tài phán và các quyết định về giá trị của vụ kiện. Bắc Kinh quá rõ điều tối thiểu này, nhưng vẫn chây ỳ không chịu thực hiện và càng tỏ ra hung hăng trong việc bắt nạt các nước yếu thế, tiếp tục biến các vùng không tranh chấp thành có tranh chấp.
Hành động “phóng hỏa để điều hành Sở cứu hỏa” của Bắc Kinh liệu có hi vọng một cơ may khi giông tố xảy ra? Chắc chắn là không, vì cái thời chủ nghĩa bành trướng muốn tự tạo thế một mình một chợ cho mình đã qua rồi.
H.Đ