Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnMỹ sẵn sàng đối đầu với các yêu sách phi lý của...

Mỹ sẵn sàng đối đầu với các yêu sách phi lý của TQ ở Biển Đông

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành động vi phạm chủ quyền của các nước ở Biển Đông, coi thường luật pháp quốc tế khiến tình hình vùng biển này hết sức căng thẳng. Điều đó buộc các nước phải điều chỉnh chính sách nhằm ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Những thủ đoạn gia tăng quyền khống chế Biển Đông

Để có thể kiểm soát vùng biển, vùng trời ở Biển Đông, từ năm 2014, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp 7 bãi đá chiếm của Việt Nam ở Trường Sa, biến các đá này thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa), trong đó 3 đảo có đường băng dài 3.000m.

Tiếp đó, Trung Quốc biến các đảo nhân tạo này thành những cơ sở quân sự. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hoàn thiện nhiều hạ tầng với đường băng, nhà chứa máy bay ở các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Sau đó, Bắc Kinh điều động nhiều loại máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát, máy bay vận tải; lắp đặt hệ thống radar; triển khai nhiều loại tên lửa đến khu vực này. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là ở đảo Phú Lâm.

Những đảo đá nhân tạo này nay trở thành bàn đạp để Trung Quốc tiến hành các hoạt động quấy rối trong khu vực. Dựa vào những “tiền đồn” trên biển và sự lớn mạnh của lực lượng hải quân, Trung Quốc ngày càng thường xuyên đưa tàu cảnh sát biển, dân quân biển và tàu cá xuống phía Nam hoạt động trái phép trong vùng biển của nước khác, cũng như cản phá hoạt động khai thác dầu khí của các nước trong khu vực. Họ ngang nhiên coi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác như của mình. Phạm vi vi phạm cũng mở rộng hơn. Trước đây, tranh chấp trên biển chủ yếu diễn ra giữa Trung Quốc với Việt Nam và Phillipines, thì nay mở rộng sang cả với Malaysia và Indonesia. 

Có thể dẫn ra ở đây hàng loạt các vụ việc gây rối của Trung Quốc, như: đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa, xây “trạm nghiên cứu” ở Trường Sa, ngang nhiên đặt tên các khu vực quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa, tự đặt tên khoảng 80 thực thể ở Biển Đông, hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu hải quân Philippines, đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia…

Những yêu sách chủ quyền mới cũng xuất hiện. Từ năm 2017, Trung Quốc đưa ra khái niệm “Tứ Sa” về Biển Đông. Theo đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và bãi ngầm Macclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế.

Tháng 4-2020, Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Từ đầu tháng 8-2020, Trung Quốc cho sửa đổi quy định hàng hải có từ năm 1974, định nghĩa lại vùng biển giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam là vùng “duyên hải” hay “ven bờ”, thay vì “ngoài khơi” như trước đây. Tàu biển Trung Quốc giờ có thể thoải mái đi đến Hoàng Sa vì vùng biển đó chỉ là vùng “ven bờ”. Đây chính là thủ đoạn để gia tăng quyền khống chế Biển Đông.

Mỹ có nhiều hành động ngăn chặn yêu sách của Trung Quốc

Căn cứ vào các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, tất cả các yêu sách nêu trên của Trung Quốc đều không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, theo ông Michael Pillsbury – thành viên cao cấp của Học viện Hudson và là Giám đốc của Trung tâm Chiến lược Trung Quốc, Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các chiến thuật pháp lý nhằm thách thức đối với các quy chuẩn quốc tế.

Bắc Kinh không bận tâm tới việc các tuyên bố của họ về cơ bản không phù hợp với UNCLOS. Ông Michael Pillsbury cảnh báo: “Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm tạo ra cho riêng mình một phiên bản của Học thuyết Monroe, tiến gần hơn tới việc thiết lập sự thống trị trong khu vực”.

Trước những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc, các nước có liên quan ngày càng tỏ rõ thái độ phản đối. Đặc biệt, Mỹ gần đây có nhiều hành động ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông, kể về mặt chính sách cũng như về triển khai các hành động quân sự nhằm phát đi thông điệp rằng “Mỹ không chấp nhận Trung Quốc kiểm soát Biển Đông”.

Ngày 13-7-2020, Chính quyền Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Washington bác những yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài khu vực 12 hải lý từ những hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Trường Sa (chiếm của Việt Nam). Bên cạnh đó, Washington còn bác yêu sách của Bắc Kinh đối với bãi cạn James, cách Malaysia khoảng 50 hải lý.

Mỹ cũng khẳng định mọi hành động của Trung Quốc nhằm quấy phá hoạt động đánh bắt hải sản hoặc khai thác dầu khí của những quốc gia khác trong những vùng biển này – hoặc đơn phương tiến hành những động thái này – đều là bất hợp pháp. Cuối cùng, ông Mike Pompeo khẳng định: “Thế giới sẽ không để Bắc Kinh xem Biển Đông là đế chế hàng hải của họ”.

Trên thực địa, Hải quân Mỹ liên tục thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông với tần suất ngày càng dày. Các số liệu mới được công bố cho thấy kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi lấp các rạn san hô thành đảo nhân tạo từ năm 2014, số đợt hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tăng dần: 2 lần trong năm 2015, 3 lần trong năm 2016, 6 lần trong năm 2017, 5 lần trong năm 2018, 9 lần trong năm 2019.

Thông qua sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, Mỹ muốn thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc quốc tế mà Washington cho là “nền tảng của an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Bên cạnh việc điều các tàu sân bay và tàu chiến đến diễn tập ở Biển Đông, Mỹ cũng bắt đầu mở rộng và củng cố căn cứ trên đảo Wake ở Thái Bình Dương.

Nằm giữa đảo Guam và quần đảo Hawaii, đảo Wake là trạm dừng chân, bảo trì, bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu giữa đại dương rộng lớn, tạo thành một chuỗi các căn cứ không quân và hải quân nằm giữa Mỹ và châu Á. Các động thái trên cho thấy Mỹ ngày càng quyết liệt hơn trong các công kích yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc và sẵn sàng có hành động đối đầu với các yêu sách này.

RELATED ARTICLES

Tin mới