Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinVẫn là ông Rodrigo Duterte

Vẫn là ông Rodrigo Duterte

Thêm một lần nữa, ông Rodrigo Duterte thể hiện rằng, dù có lúc chung chiêng, nhưng cơ bản, ông vẫn là ông – một người mang lập trường nhất quán trong quan điểm cũng như ứng xử mềm yếu, nhu nhược với Trung Quốc.

Ảnh: Một cuộc biểu tình chống TQ tại Manila, Philippinese.

Người tiền nhiệm của ông Rodrigo Duterte là ông Benigno S. Aquino III. Trong cuộc đời và sự nghiệp chính trị khá tiếng tăm của mình, ông Benigno S. Aquino III để lại dấu ấn quan trọng nhất về đối ngoại là vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc tại Tòa trọng tài quốc tế  (PCA) thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Theo đuổi một vụ kiện được dư luận cho là “hy hữu” suốt 3 năm ròng rã, khi PCA ra phán quyết (12/7/2016), thì tiếc thay, ông Benigno S. Aquino chỉ còn được hưởng niềm vui chiến thắng trong tư cách một công dân, bởi ông đã kết thúc nhiệm kỳ tổng thống hai tuần trước đó (từ ngày 30/6/2016).

Người kế nhiệm là ông Rodrigo Duterte, sinh năm 1945, nhiều hơn ông Benigno S. Aquino tới 15 tuổi. Cứ tưởng nhiều tuổi thì bản lĩnh, cứng rắn. Vậy mà không. Ấn tượng đầu tiên của Rodrigo Duterte trước bàn dân thiên hạ là: thay vì phát huy chiến thắng có được, ông lại  “lờ tịt” phán quyết của PCA, đồng thời, bắt đầu có những động thái ve vãn, thân thiết, lấy lòng Bắc Kinh. Dư luận trong nước phẫn nộ ông mặc kệ. Dư luận quốc tế chưng hửng, đặt dấu hỏi ông cũng kệ. Trung Quốc gây ra “vụ Cỏ Rong”, ông buông một nhận định không thể nhẹ nhàng hơn rằng “đó là một sự cố” hàng hải…

Chỉ trong hai năm đầu nhiệm kỳ, Manila “quấn” lấy Bắc Kinh với số lần thăm chính thức Trung Quốc của ông Duterte đã vượt quá số lần của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – một đồng minh thân cận của Trung Quốc.  Chuyến thăm chính thức tháng 8/2018, lấy đà mãi, ông mới rụt rè nhắc tới phán quyết của PCA và bị ông Tập Cận Bình gạt phắt. Vậy nhưng ông vẫn hoan hỷ với  biên bản ghi nhớ về phát triển tài nguyên chung (chủ yếu là dầu khí) với Trung Quốc trên Biển Đông trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Ông còn làm một động thái khiến dư luận sửng sốt khi đầu tháng 2 năm nay, yêu cầu nội các ra thông báo với Mỹ về việc từ bỏ Thỏa thuận các Lực lượng viếng thăm (VFA) năm 1998 – khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Philippines và là trung tâm của hàng trăm cuộc tập trận quân sự chung hàng năm, vốn là thành tố chính trong mối quan hệ quân sự sâu sắc giữa 2 nước.  Cái cớ của sự đoạn tuyệt này là việc Washington hủy bỏ thị thực của quan chức lãnh đạo cuộc chiến chống ma túy quốc tế do ông khởi xướng, tuy nhiên, dư luận thừa hiểu, lý do chính: ông Duterte cậy “có Trung” nên muốn “thoát Mỹ”.

 “Chơi dao có ngày đứt tay”. Tội nghiệp ông Duterte, quá tuổi “thất thập cổ lai hy” mới ngộ ra điều đúc kết đó. Trung Nam Hải không chỉ là dao, mà còn là dao sắc, nhọn. Đu dây với họ, được toàn những lời hứa đầu lưỡi, còn hại thì là hại thật. Tàu Trung Quốc ra vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippinese thường xuyên như chỗ không người, bởi, thế giới này, với tiềm lực hiện có, Trung Quốc chỉ còn “ngán” có Mỹ. Thế nên bỏ VFA đồng nghĩa với việc Manila đã tự bỏ lá chắn bảo vệ trước các động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bị “đứt tay, chảy máu” vì Trung Quốc vài bốn bận cũng như chứng kiến sự ngang ngược gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Manila lại mới cuống lên, lại muốn “thoát Trung, gần Mỹ”. Bằng chứng là chỉ sau 4 tháng thông báo từ bỏ VFA, đầu tháng 6, ông  Rodrigo Duterte lại bất ngờ tuyên bố hủy tạm dừng thi hành VFA, một động thái thể hiện rằng: Manila đang thay đổi những tính toán địa chính trị trước việc Biển Đông tiếp tục giông bão dữ dội hơn.

Tưởng từ nay thôi nhé, trò “đu dây” và trò “chơi dao” với Trung Quốc,  thì bỗng, cuối tháng 7 vừa qua, ông Rodrigo Duterte lại nói công khai rằng: ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng nỗ lực ngoại giao bởi vì biện pháp khác sẽ dẫn tới chiến tranh với Trung Quốc.

Trung Quốc hiển nhiên là rất hí hửng và mát lòng khi có người “sợ” mình một cách công khai như ông Duterte.

Nhưng với dư luận, kể cả dư luận Philippinese, thì ông Duterte trở về với chính ông mà thôi, trở về với người mà từng có thời gian, một số chính trị gia và người dân Philippinese coi là “kẻ phản bội đất nước” vì những hành động nhượng bộ vô nguyên tắc lợi ích, chủ quyền đất nước trước Trung Quốc.

Đáp lại động thái mới từ Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho rằng, tất cả các quốc gia đều có quyền duy trì chính sách đối ngoại độc lập và phát triển quan hệ với các nước dựa trên lợi ích quốc gia. Hàm ý của ông Vương Văn Bân, ai chẳng biết muốn vừa vuốt ve, vừa đe dọa các nước cùng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông rằng: hãy noi theo Philippinese, biết điều với Trung Quốc đi!

     Tuy nhiên, ý muốn của Trung Quốc vẫn chỉ là ý muốn. Đạt được điều đó với tất cả thì hẳn còn khuya.

                                                                                                                                                                     Đ.T

RELATED ARTICLES

Tin mới