Việt Nam được thế giới biết đến với thời điểm này là kiểm soát được “kẻ thù” Covid-19 sớm hơn các nước, từ tháng 4/2010, mọi hoạt động về kinh tế, xã hội, giáo dục dần dần trở lại bình thường. Người dân Việt Nam được hưởng không khí thái bình, hàng ngày được nghe phát thanh viên trên ti vi thông báo Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; đất nước được yên ổn.
Bệnh viện C Đà Nẵng – Một trong ba bệnh viện bùng phát bệnh dịch Covid-19
Chính phủ đưa nhiều chuyến bay đến nhiều nước để đón những người Việt Nam lao động, du lịch, sinh viên… bị kẹt lại các nước về nước, với sự quan tâm chu đáo, kiểm tra, cách ly những ngưới có kết quả dương tính Covid-19 với xã hội trong 14 ngày trước khi trở về gia đình.
Chính phủ cũng mở lại đường bay nội địa cho nhân dân đi lại; thực hiện các chính sách khởi động nền kinh tế và mở du lịch, khuyến khích, kích cầu du lịch nội địa. Chính phủ cũng đã cho phép các nhà ngoại giao, chuyên gia, nhân viên kỹ thuật, công nhân của nhiều nước nhập cảnh để làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy. Nhiều ý kiến còn đề xuất với Chính phủ mở lại đường bay với các nước đã kiểm soát được dịch bệnh để đưa đón khách du lịch quốc tế.
Với 99 ngày không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, đã làm cho đất nước “sống lại” đầy hứa hẹn; người dân (những người lạc quan) chắc mẩm dịch bệnh sẽ không tái diễn lại ở nước ta nữa, rất tin vào khả năng ứng xử và các biện pháp phòng ngừa của Chính phủ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng hàng ngày vẫn cảnh báo, nhắc nhở mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa, vì xung quanh ta chưa có nước nào kiểm soát được loại bệnh dịch này.
Bỗng cuối ngày thứ 99 (24/7/2020), Bộ Y tế thông báo có một ca nghi nhiễm Covid-19 ở bệnh viện C Đà Nẵng. Đây là ca thứ 416 – người này từ Đà Nẵng trở về Quảng Ngãi mới phát hiện khi bệnh đã ở trạng thái nặng. Tin có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở Đà Nẵng là tin “động trời”, khuấy động cả nước chú ý, lo lắng, sợ sệt, và ngay ngày hôm sau (ngày 25/7/2020), hơn 100 ngàn người lục tục, hối hả, vội vã bằng mọi phương tiện để rời Đà Nẵng. Nhà nước tăng cường hàng chục chuyến bay đưa người dân du lịch ở Đà Nẵng về TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh, và cứ như thế cho đến nay, sau hơn 9 ngày, số ca lây nhiễm loại virus chết người này được thông báo mỗi ngày mỗi tăng. Những bệnh nhân này chủ yếu điều trị tại các bệnh viện ở Đà Nẵng; những người phát hiện ở các tỉnh Quảng Nam, Quãng Ngãi bị nhiễm Covid-19 phần lớn là những người bệnh nhân ở các bệnh viện Đà Nẵng. Những người phát hiện bị nhiễm Covid-19 ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Thái Bình… đều từ Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ 01/7 đến 29/7 trở về địa phương.
Đến nay, tổng số ca nhiễm cả nước đã lên hơn 600 người, có 6 người đã tử vong, nhận định rằng con số này sẽ không dừng lại ở đây.
Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc, các Bộ chức năng vào cuộc, các tỉnh, thành phố vào cuộc; đặc biệt là người dân tự giác vào cuộc. Những kinh nghiệm xử lý đợt một chống dịch Covid-19 nay được áp dụng để xử lý trong đợt hai này. Đà Nẵng, Quảng Nam được xác định là trung tâm của dịch bệnh, được chỉ đạo tập trung hơn, tăng cường lực lượng các giáo sư, bác sỹ ở các bệnh viện lớn ở Hà Nội cho Đà Nẵng cùng nhiều phương tiện, thuốc chữa bệnh… để điều trị cho người bệnh. Các biện pháp đối phó đợt này được nêu rõ ràng, kịp thời và kiên quyết trong Chỉ thị 16 của Chính phủ. Các tỉnh, thành phố cũng có những quy định rất cụ thể các biện pháp ở địa phương mình. Đặc biệt, hàng ngày Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch để nghe tình hình và chỉ đạo rất cụ thể đối với tình huống cụ thể. Các chỉ đạo của Thủ tướng toát lên một tinh thần khẩn trương, kiên quyết như “chống giặc”, nhưng phải rất bình tĩnh xử lý theo từng tình huống, cấp độ, không hoảng hốt. Kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh nhưng phải phát triển kinh tế và xã hội, đảm bảo đời sống của nhân dân. Tinh thần này đang được truyền tới hệ thống chính trị và từng người dân ở nước ta; với tinh thần ấy, chắc chắn chúng ta sẽ ngăn chặn được dịch bệnh và lạc quan trong những tuần tới, số ca lây nhiễm trong cộng đồng sẽ giảm dần và có thể sẽ chấm dứt trong tháng 8/2020, tất nhiên sẽ phụ thuộc vào chữ “nếu”.
Tuy nhiên, sự lây nhiễn trong đợt hai này chúng ta rút ra được những điều gì? Vì nhìn thấy vấn đề của nó thì mới có thái độ, tinh thần, biện pháp ứng xử thích hợp.
Trước tiên thấy rằng, trong khi cả thế giới vẫn đang “vật lộn” với bệnh dịch này, nhiều nước diễn biến rất nguy hiểm, kể cả Trung Quốc là nước công bố kiểm soát được dịch bệnh ở Vũ Hán, nhưng hiện nay đã bùng phát trở lại ở Bắc Kinh, Thượng Hải… mỗi ngày số ca nhiễm mới ở 3 con số. Câu hỏi đặt ra là ta có giữ không để tái nhiễm trong cộng đồng được không? Những người lạc quan nhất cũng đều chung câu trả lời là rất khó giữ, vì ta đón hàng ngàn người từ các nước có dịch bệnh về nước, trong đó có hàng trăm người đã dương tính với Ciovid-19; các chuyên gia nước ngoài cũng được nhập cảnh, đặc biêt lưu ý là tuyến biên giới đường bộ của Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia rất khó kiểm soát những người nhập cảnh trái phép qua biên giới. Chính phủ rất chú ý chỉ thị cho lực lượng Biên phòng phải đặc biệt chú ý kiểm soát và ngăn ngừa. Nhưng kết quả là có hàng trăm người từ phía Trung Quốc, Lào, Campuchia đã nhập cảnh trái phép vào nước ta, họ là người Việt Nam sang Trung Quốc lao động, họ là người Trung Quốc được bọn tội phạm dẫn dắt, môi giới, tổ chức cho vào Đà Nẵng và các thành phố lớn của nước ta, vì vậy dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng là điều không tránh khỏi, nên không bất ngờ khi phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng sau 99 ngày yên ổn. Nhưng bất ngờ là xẩy ra ở Đà Nẵng và ở trong các bệnh viện, lại vào thời điểm, cao điểm với trên 1,4 triệu người tới Đà Nẵng du lịch và học sinh cả nước chuẩn bị vào mùa thi cử. Những người nước ngoài nhập cảnh bất hợp pháp và hợp pháp cũng được phát hiện cư trú bất hợp pháp ở Đà Nẵng nhiều hơn những tỉnh khác. Đến nay, các cơ quan chức năng chưa tìm được nguời bệnh F0, nên rất khó đánh giá nguồn lây nhiễm, khiến cho dư luận có nhiều suy luận theo thuyết âm mưu khó bác bỏ.
Vấn đề thứ hai là, thế giới đã và đang bị covid-19 tấn công sau Vũ Hán, Trung Quốc. Đã qua trên 5 tháng dịch bệnh lây lan gần như khắp thế giới (215 quốc gia và vùng lãnh thổ), đã có gần 20 triệu người nhiễm bệnh và trên 660 ngàn người chết. Điều đáng nêu ra ở đây là các nước, kể cả các nước có nền khoa học tiên tiến và tiềm lực kinh tế như Mỹ, Anh Pháp, Đức, Nga… họ đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng không ngăn chặn được dịch bệnh này, số người nhiễm bệnh vẫn tăng, nhất là ở các nước Mỹ, Braxin, Ấn Độ, Nhật… số nguời chết vẫn diễn ra hàng ngày ở các nước với số lượng đến 3 con số. Nhiều nước đã áp dụng những biện pháp ngăn cách, cách ly rất mạnh mẽ, nhưng bệnh dịch vẫn không giảm. Sau 5 tháng áp dụng không hiệu quả, Chính phủ các nước này lại quay lại tình trạng giãn cách cục bộ, cho phục hồi đi lại, mở lại các cửa hàng, sản xuất, vận động người dân đeo khẩu trang… và kết quả cho thấy ít có chuyển biến tích cực. Các nước đang rơi vào tình trạng luẩn quẩn, mỗi quốc gia thực hiện một biện pháp theo tinh hình phát triển của nước mình, trong khi trông chờ vào vắc-xin, thuốc đặc trị được nhiều nước hứa hẹn phải đến năm 2021 hoặc nhanh nhất là cuối năm 2020 mới có. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia y tế quốc tế họ bình tĩnh xem xét, đánh giá loại bệnh dịch này do viruscorona mang lại từ xuất xứ cũng như tác hại, hậu quả của nó. Bước đầu họ đưa ra các nhận xét, đã hơn nửa năm 2020, số người lây nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là gần 20 triệu người, số người chữa khỏi trên 11 triệu người, số người chết trên 700 ngàn người. Nhìn vào con số thống kế này họ cho rằng so với một số loại dịch bệnh khác đã xảy ra trên thế giới gần đây, như bệnh dịch tả, Sars, ebola, HIV, cúm… đã giết chết hàng chục triệu người và đến nay vẫn chưa tìm được loại thuốc nào có thể kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh, như HIV. Nhiều virus gây bệnh vẫn tái phát ở nơi này, nơi khác, phải mất hàng chục năm mới kiểm soát được. Đối với Covid-19 đang diễn ra hiện nay, họ cho rằng số người nhiễm là lớn, nhưng tỷ lệ chết thấp hơn so với các bệnh dịch khác, cứ 100 người bị bệnh thì có 3 người chết (chiếm 3%). Ở Việt Nam, tỷ lệ này rất thấp, 100 người bị bệnh, mới có 01 người chết (1%), phần lớn là những người có nền bệnh hiểm nghèo, người cao tuổi, rất ít người trẻ tuổi chết vì bệnh này hoặc có bị lây nhiễm thì họ vẫn vượt qua được.
Với những nhận xét này, thế giới sắp tới đây sẽ có cách nhìn khác với hiện nay, có thể là “sống chung” với dịch bệnh này, việc chữa bệnh, kiểm soát không để lây nhiễm ra cộng đồng là vấn đề lâu dài, vừa chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo cuộc sống. WHO cũng đã nêu ra quan điểm là dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến kéo dài, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Quan sát một số nước như Thụy Điển, Tây ban Nha, Ý, Đức, Anh, Mỹ, Trung Quốc, họ đang lơi lỏng phong tỏa, giãn cách chọn lọc, vừa đối phó với dịch bệnh, vừa khởi động lại nền kinh tế, họ không thể để nền kinh tế bị tổn thất, suy giảm đến đáy như hiện nay.
Chúng ta chờ xem tình hình diễn biến sắp tới thế nào? Có điều thấy được là các quốc gia sẽ khởi động nền kinh tế song song với các biện pháp giải quyết dịch bệnh theo quan điểm thích nghi.
Đối với nước ta, hai vấn đề chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận trong phiên họp Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 đợt 2 ngày 02/8/2020 là kiên quyết, khẩn trương, triệt để, sớm chấm dứt dịch bệnh, nhưng khuyến cáo mọi người dân và các cơ quan của Chính phủ phải rất bình tĩnh, xử lý linh hoạt, áp dụng các biện pháp tập trung ở những nơi có dịch, những nơi không có dịch vẫn phải bảo đảm hoạt động bình thường, chấp hành nghiêm những biện pháp phòng tránh nêu trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Vấn đề quan trọng trong lúc này là mỗi người dân phải biết tự bảo vệ mình và làm đúng những gì Chính phủ đã khuyến cáo.
Thủ tướng cũng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, xử lý nghiêm bọn tội phạm, môi giới, dẫn dắt người nhập cảnh trái phép; kiểm tra cư trú, phát hiện số nhập cảnh trái phép đang cư trú ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Chính phủ cũng đã chỉ đạo xử lý nghiêm những người tung tin giả, thất thiệt, xuyên tạc tình hình. Đặc biệt phải phạt thật nặng những người lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời phi pháp, như làm giả khẩu trang, thu gom găng tay, khẩu trang y tế đã qua sử dụng để bán lại cho người tiêu dùng… Suy cho cùng, những biện pháp chế tài được Chính phủ chỉ đạo có hiệu quả hay không là tùy thuộc vào sự tự giác của người dân, nếu mỗi người thấy được trách nhiệm của bản thân mình, trách nhiệm bảo vệ cộng đồng, vì cuộc sống của mình và của cả quốc gia, thì chắc chắn sẽ không xảy ra những hành vi bất nhân, bệnh dịch sẽ bị đẩy lùi, đất nước sẽ được thái bình.
Việt nam đã thành công kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 đợt 1, được thế giới biết đến.
Với những kinh nghiệm đã qua, chúng ta tin tưởng Nhà nước và nhân dân ta sẽ giành thắng lợi trong cuộc hiến với dịch bênh Covid-19 đợt 2 với tâm thế chủ động hơn, bình tĩnh hơn, người dân tự giác hơn, trách nhiệm với cộng đồng hơn, vừa chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa phát triển được kinh tế, xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, đoàn kết cùng với các nước đối phó thành công bệnh dịch nguy hiểm này.