Cho đến nay, các sử gia và chính trị gia vẫn tranh cãi về ý nghĩa quân sự việc Mỹ tấn công hạt nhân các thành phố của Nhật Bản.
Người Mỹ đã chọn tấn công Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân.
“Định mệnh”
Đầu năm 1945, giới chóp bu Mỹ đã quyết định tấn công Nhật Bản bằng vũ khí nguyên tử để “dây máu ăn phần”. Toan tính của Wasington là sau đòn tấn công hạt nhân, Nhật Bản sẽ không chậm trễ đầu hàng và qua đó, trình diễn cho thế giới biết về vũ khí mạnh nhất của Mỹ mà chưa nước nào có được, đặc biệt, để dằn mặt Liên Xô và trả thù vụ Trân Châu Cảng.
Tháng 5/1945, Tổng thống Mỹ Truman đã được đệ trình một danh sách các thành phố của Nhật Bản được “chọn” để đánh bom. Bốn thành phố mục tiêu chính là Kyoto – trung tâm chính của ngành công nghiệp Nhật Bản; Hiroshima – cảng quân sự lớn nhất – nơi tập trung một số lượng lớn tàu chiến với kho đạn khổng lồ; Yokagama – có nhiều nhà máy quân sự; Niigata – có cảng hải quân và Kokura – có kho vũ khí lớn nhất của Nhật Bản. Nagasaki ban đầu không có trong danh sách phải “thanh lý”.
Ngay từ đầu, Kyoto được cho là mục tiêu chính, không chỉ vì tiềm năng công nghiệp to lớn của nó, mà tại đây, tập trung tinh hoa của giới khoa học, kỹ thuật và văn hóa Nhật Bản. Nếu một cuộc tấn công hạt nhân vào thành phố này thực sự xảy ra, nền văn minh Nhật Bản sẽ bị xóa bỏ – điều người Mỹ cần. Hirosima là thành phố bất hạnh thứ hai được người Mỹ chọn, tin rằng những ngọn đồi xung quanh thành phố sẽ khuếch đại sức công phá, làm tăng đáng kể số lượng nạn nhân.
Đáng ngạc nhiên nhất, Kyoto đã thoát khỏi số phận thảm khốc nhờ cảm tình đặc biệt của Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ Henry Stimson – đây là nơi ông này đã có tuần trăng mật ngọt ngào khi còn trẻ. Stimson không chỉ biết và đánh giá cao vẻ đẹp và văn hóa của Kyoto, mà còn không muốn làm hỏng những kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ. Chấp nhận rủi ro và nguy hiểm cho chính mình, ông đã không ngần ngại gạch Kyoto thay thế bằng Nagasaki trong danh sách các thành phố được đề xuất cho ném bom hạt nhân.
Về sau, Tướng Leslie Groves – người chỉ đạo chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ – đã hồi tưởng lại trong cuốn “Bây giờ có thể nói về vấn đề này” rằng, ông khăng khăng ném bom Kyoto, nhưng đã bị thuyết phục bởi ý nghĩa lịch sử và văn hóa của thành phố. Groves rất không vui, nhưng vẫn đồng ý thay thế Kyoto bằng Nagasaki. Đáng nói, số lượng Kitô hữu ở Nhật Bản vô cùng ít và Hiroshima và Nagasaki được coi là thành phố Thiên Chúa giáo mà quân đội Mỹ đã cố tình chọn để ném bom.
Ngày 6/8/1945, người Mỹ đã thả quả bom nguyên tử “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima, tại vị trí Nhà thờ Kitô giáo lớn nhất Nhật Bản – Urakamitenshudo. Ngày 9/8/1945, chiếc B-29 Great Artist có hai mục tiêu – thành phố Kokura – mục tiêu chính và Nagasaki – mục tiêu phụ. Tuy nhiên, khi đến lãnh thổ Nhật Bản, Kokura đã bị che khuất bởi những đám khói dày đặc của nhà máy luyện kim Yavata, nên quả bom hạt nhân “Fat Man” được quyết định ném xuống Nagasaki. Thành phố xấu số này đã không được cứu rỗi bởi thực tế là ở vùng lân cận Nagasaki có một trại tù giam giữ binh lính liên minh chống Hitler mà phần lớn trong số đó là lính Mỹ và Anh, mà người Mỹ biết rất rõ vị trí của nó.
Sức công phá của các vụ nổ bom nguyên tử
Thành phố Hiroshima bị tàn phá sau vụ tấn công.
“Little Boy” được ném xuống Hiroshima có công suất của khoảng 15-18Kt (1Kt tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), phát nổ ở độ cao 580m so với bề mặt Trái Đất. “Fat Man” ném xuống Nagasaki có công suất khoảng 21-23Kt và phát nổ ở độ cao 503m tính từ bề mặt Trái Đất. Các yếu tố hủy diệt của bom nguyên tử bao gồm sóng xung kích (50% sức hủy diệt), 35% là năng lượng nhiệt và 15% là bức xạ giết chết các sinh vật sống. Một cơn gió được tạo ra từ sóng xung kích với tốc độ 280m/s, khi lan truyền 3,2 km từ tâm nổ, suy giảm 28m/s.
Quả cầu lửa hình thành ngay trung tâm vụ nổ có nhiệt độ 7.000 độ C. Trong vụ nổ bom ở Hiroshima, không khí bị phản ứng hạt nhân làm nóng lên hàng triệu độ. Vùng mặt đất dưới tâm nổ, nhiệt độ lên tới 4.000 độ C. Quả cầu lửa đã thiêu rụi mọi sinh vật trong bán kính 1,5km. Sau đó, một sóng xung kích có sức mạnh khủng khiếp phá hủy tất cả các tòa nhà trong bán kính đến 2km. Tất cả những người ở trong bán kính 1,2km từ vụ nổ đều bị chết do bỏng. Những người sống sót được nhờ được che chắn trong bán kính 500m từ tâm nổ, “dính” một liều phóng xạ lớn, từ 1.000-4.000 mSv.
Hậu quả của đối với người dân
Trong bán kính 2km từ tâm nổ, 40% cư dân chết ngay lập tức, 56,5% chết trong vòng 4 tháng sau đó – vào cuối tháng 11. Trong 2 tuần đầu tiên, những người bị bỏng nặng và bị liều lượng lớn phóng xạ bị chết. Trong 10 ngày, nhiều người chết vì sốt, tiêu chảy và nôn ra máu – dấu hiệu phơi nhiễm phóng xạ. Những người còn sống bị rụng tóc, tổn thương thanh quản, mệt mỏi, bệnh bạch cầu. Những người sống sót tiếp tục chết trong tương lai do bị bệnh ung thư. Cơ thể của những người sống sót chi chít những vết sẹo lồi xấu xí do bỏng diện rộng. Trẻ sơ sinh bị chiếu xạ trong bụng mẹ, khi sinh ra sẽ mang các dị tật lớn.
Nhiều dị thường xuất hiện 20-40 năm sau vụ nổ hạt nhân. Theo nghiên cứu “Chẩn đoán hiện đại bệnh bạch cầu” của Giáo sư Đại học Hiroshima Nanao Kamada, 70-100.000 trong tổng số 245.000 cư dân của thành phố Hiroshima chết trong tích tắc, biến thành tro bụi và chỉ để lại bóng trên các bức tường. Ở khoảng cách lên tới 19km, tất cả các cửa sổ trong nhà đều bị vỡ; các mảnh kính xuyên qua cơ thể người với tốc độ 800km/h. Tất cả các ngôi nhà bị thiêu rụi, con người bị thiêu chết trong đau đớn. Nagasaki bị ảnh hưởng ít hơn một chút do những ngọn đồi xung quanh và một khu công nghiệp rộng lớn không có người ở. Mặc dù công suất của quả bom cao hơn, nhưng thiệt hại ít hơn, 60.000-80.000 cư dân bị chết.
Ngay cả chính phủ Nhật Bản lúc đầu cũng không tin chỉ một quả bom có thể phá hủy toàn bộ thành phố cùng với cư dân. Khi đó, người ta không biết gì về bức xạ; các bác sĩ cho rằng tiêu chảy và nôn mữa là do bệnh kiết lị. Người dân địa phương của các thành phố bị ném bom hạt nhân không được bảo vệ; những người sống sót lang thang trong đống tro tàn, tìm kiếm người nhà của họ, nhiễm liều phóng xạ gây chết người. Chỉ có các nhà vật lý hạt nhân biết được các ảnh hưởng của việc tiếp xúc với bức xạ.
Vào thời điểm đó, khoa học chưa có dữ liệu về tác động của bức xạ đối với cơ thể con người, nhưng ngày nay, các nhà khoa học đã có thể kiểm tra xương của người quá cố ở Hiroshima và xác định liều lượng họ nhiễm. Tạp chí “PLoS One” đã công bố thông tin, theo đó, người dân ở thành phố Hiroshima bị phơi nhiễm phóng xạ gấp hai lần liều gây chết. Các nhà sử học ước tính tổng số người chết là 450.000 người. Cú sốc của việc sử dụng vũ khí mới mạnh đến nỗi, ngày 15/8, chính phủ Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Báo chí Liên Xô không viết gì về Hiroshima và Nagasaki
Phóng viên của đài “Vesti FM” đã thực hiện một cuộc điều tra báo chí thông qua các trang báo chí Liên Xô vào những ngày Hiroshima và Nagasaki bị tấn công hạt nhân, nhưng không có một dòng nào viết về sự kiện này. Mọi người không biết chuyện khủng khiếp đã xảy ra với các thành phố Nhật Bản. Một nhóm các nhà ngoại giao Liên Xô được phái đến Hiroshima để nhìn mọi thứ bằng chính mắt mình. Những gì họ mô tả chỉ được giải mật vào năm 2015.
Theo bài báo của E.M. Labunets “Vũ khí hạt nhân: lịch sử phát triển và hậu quả chính trị-pháp lý của việc sử dụng chúng”, một đầu đạn nhiệt hạch có công suất 20Mt có khả năng phá hủy hoàn toàn tất cả các ngôi nhà và san bằng bề mặt trái đất trong bán kính 24km. Nó hủy diệt tất cả các sinh vật sống ở khoảng cách lên tới 140km, gây ô nhiễm phóng xạ không khí, nước và đất; thiết bị kỹ thuật bị loại khỏi vòng chiến đấu, các công trình bị phá hủy, con người bị chết hàng loạt. Một quả bom đủ để phá hủy bất kỳ thành phố nào trên hành tinh.