Phó đô đốc Hải quân Philippines tố Trung Quốc luôn khiêu khích để phía Philippines nổ súng trước, và kêu gọi phản đối ngoại giao đối với sự hiện diện của 2 tàu nghiên cứu Trung Quốc gần “điểm nóng” bãi Cỏ Rong ở Biển Đông.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 10-8, ông Giovanni Bacordo cho biết hai chiếc tàu Trung Quốc đã ở gần khu vực bãi Cỏ Rong được khoảng một tuần. Do tốc độ của các tàu này khoảng 3 hải lý/giờ nên Hải quân Philippines kết luận chúng đang tiến hành khảo sát.
Bãi Cỏ Rong (Reed bank) là đá ngầm lớn nằm ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện do Philippines kiểm soát. Đây là khu vực được biết có trữ lượng dầu khá lớn, mà Trung Quốc ngang nhiên đưa vào yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của mình.
“Chúng tôi đã báo cáo vụ việc với Chỉ huy các lực lượng vũ trang và Bộ Quốc phòng Philippines…, và đã yêu cầu phản đối chính thức qua đường ngoại giao. Chúng tôi đã kiểm tra xem liệu các tàu này được phép hoạt động ở đó hay không. Chúng tôi thấy họ không có phép” – tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Bacordo nói.
Ông Bacordo khẳng định các tàu hải quân cũng như hải cảnh và tàu cá Trung Quốc “tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Philippines”, và khiêu khích phía Philippines gây sự trước.
“Như tôi luôn đánh giá, trong tranh chấp tại khu vực, người nổ súng trước là kẻ thua cuộc. Họ sẽ làm mọi thứ để chúng tôi có hành động gây hấn. Nhưng chúng tôi luôn kiên nhẫn.
Chắc chắn họ muốn chúng tôi nổ súng trước nhưng chúng tôi sẽ không làm vậy. Bất cứ lực lượng hải quân nào nổ súng trước trong khu vực sẽ đánh mất sự ủng hộ của quốc tế, bao gồm tất cả lực lượng hải quân đang tuần tra tại khu vực đó”, ông Bacordo nhận định.
Ngoài phản đối ngoại giao, Hải quân Philippines cũng nêu vấn đề “vi phạm” của Trung Quốc trên Biển Đông với lãnh đạo hải quân của các nước thành viên ASEAN và các nước khác.
Ông Bacordo cũng cho biết kế hoạch tăng cường phòng thủ của Hải quân Philippines như đưa khí tài và nhân lực đến căn cứ hải quân Mỹ cũ ở Subic Bay, phát triển khu vực Oyster Bay thành căn cứ hoạt động và biến đảo Fuga ở phía bắc thành “trạm quan sát”.