Đối tác và láng giềng của Trung Quốc đang ngày càng có nhiều điểm chung với Mỹ để đứng “cùng chiến tuyến” trong mặt trận chống Bắc Kinh của Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Gần đây, nhà phân tích Mira Rapp-Hooper thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại nhận định trên CNN rằng, chính quyền Tổng thống Trump dường như thích “một mình” đối phó với Trung Quốc khi tiến hành các động thái như trừng phạt hay tước quy chế ưu tiên đối với Hong Kong (Trung Quốc).
Tổng thống Trump đã tiến hành biện pháp trừng phạt cứng rắn với Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng các quan chức khác của Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó cũng đáp trả bằng cách áp lệnh trừng phạt với 11 cá nhân Mỹ, trong đó có 6 nghị sĩ của nước này.
Trên thực tế, các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên mặt trận thương mại, tuyên truyền và quân sự đã khiến Mỹ không còn đơn độc khi đối đầu với Bắc Kinh nữa. Một số quốc gia nhận thức rõ về sự trỗi dậy của Bắc Kinh dường như đã sẵn sàng tham gia vào liên minh chống Trung Quốc của Washington.
Australia
Cách đây 5 năm, quan hệ Mỹ – Australia đã rạn nứt khi Canberra tham gia vào một trong các dự án lớn của Trung Quốc là Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á và ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với nước này. Tuy nhiên, câu chuyện này đã trở thành quá khứ.
Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Australia nằm trong số các nước đi đầu và mạnh mẽ nhất yêu cầu điều tra nguồn gốc của dịch bệnh, vốn lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Ngay sau đó, Canberra đã bị Bắc Kinh đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn khi hạn chế nhập khẩu thịt bò Australia và áp thuế với lúa mạch của nước này.
Tính đến tháng 7/2020, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã không nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hơn 1 năm. Các chiến lược gia quốc phòng cấp cao Australia cũng hối thúc ông Morrison cử tàu chiến của Australia tới Biển Đông để đối phó với các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Theo New York Times, ông Morrison có kế hoạch tuyển 500 điệp viên mạng và xây dựng hệ thống an ninh mạng trị giá gần 1 tỷ USD nhắm vào Trung Quốc. Canberra cũng cấm tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng lưới 5G của Australia, động thái được đánh giá như một “cái gật đầu” với chiến dịch tẩy chay tập đoàn này của chính quyền Tổng thống Trump.
Bên cạnh đó, trước việc Trung Quốc thực hiện luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong, Australia đã quyết định đứng “cùng chiến tuyến” với Canada và Vương Quốc Anh về việc dừng hiệp ước dẫn độ với Đặc khu hành chính này.
Nhật Bản
Nhận thức rõ về vị trí nhạy cảm của mình tại châu Á khi là một nền kinh tế lớn nhưng lại không có vũ khí hạt nhân và phụ thuộc vào “chiếc ô” an ninh của Mỹ, Nhật Bản luôn giữ thái độ thận trọng và dè dặt khi cuộc Chiến tranh Lạnh mới ngày càng nóng lên.
Đến nay, Tokyo đang có kế hoạch hoãn chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới nước này kể từ năm 2008. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi gần đây đã khẳng định: “Chúng tôi chưa sắp xếp một lịch trình cụ thể ngay lúc này”.
Bên cạnh đó, giữa bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh “cơ bắp” qua các hoạt động quân sự như cử tàu chiến tới quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Tokyo đã bắt đầu đưa các chiến đấu cơ tới tuần tra khu vực này.
Theo New York Times, ông Suga Yoshihide, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, chính phủ nước này “yêu cầu mạnh mẽ” các tàu của Trung Quốc “ngừng tiếp cận các tàu cá của Nhật Bản và nhanh chóng rời khỏi lãnh thổ của Nhật Bản”. Theo quan chức này, điều đó tức là: “Chúng tôi muốn tiếp tục phản ứng mạnh mẽ theo cách ôn hòa” với Trung Quốc.
Ấn Độ
Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 6 ở dãy Himalaya đã khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ tử vong và nhiều binh lính Trung Quốc thương vong.
Ngay sau vụ ẩu đả này, Ấn Độ đã cấm Tik Tok và nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu công nghệ Jai Vipra nhận định trên trang Nikkei Asian Review rằng động thái này là một phần của cuộc Chiến tranh Lạnh “kỹ thuật số” mà chúng ta đang trải qua.
Các nhà quan sát Ấn Độ cho rằng, sự thay đổi mang tính khiêu khích của Trung Quốc nên được nhìn qua “lăng kính” của chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump.
“Một điều khá rõ ràng là Trung Quốc sẽ làm mọi thứ để đảm bảo Tổng thống Trump sẽ không quay lại nắm quyền vào tháng 11”, nhà bình luận Shishir Gupta viết trên trang Hundustan Times.
Vương quốc Anh
Dấu hiệu rõ ràng đầu tiên cho thấy Vương quốc Anh đã tham gia vào chiến dịch chống Trung Quốc của Tổng thống Trump là việc nước này cấm mua tất cả các thiết bị 5G của tập đoàn Huawei từ sau năm 2020 và đến năm 2027 sẽ chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của Huawei trong hạ tầng viễn thông của Anh.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson dường như cũng đang suy nghĩ lại về sự tham gia của Trung Quốc trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Điều đặc biệt khiến Anh không hài lòng với Trung Quốc là việc thông qua luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong. Thủ tướng Boris Johnson thậm chí đã đề nghị sẽ cấp quốc tịch cho 3 triệu công dân Hong Kong và cho phép họ quyền sinh sống cũng như làm việc tại Anh.
Pháp
Quan hệ Pháp – Trung Quốc cũng gặp trục trặc xoay quanh việc phía Trung Quốc cáo buộc các nhân viên viện dưỡng lão ở Pháp đã “bỏ trực đêm và để những người già chết vì đói và bệnh tật”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian sau đó đã triệu Đại sứ Trung Quốc tới để phản đối những bình luận gây tranh cãi của nước này.
Mặc dù sau đó Trung Quốc phủ nhận việc chỉ trích phản ứng của Pháp trong đại dịch và nói rằng đã có sự “hiểu lầm” giữa 2 bên nhưng sự việc này đã châm ngòi cho một loạt các biện pháp đáp trả, trong đó việc cắt giảm đáng kể các chuyến bay giữa 2 quốc gia.
Hồi tháng 7, Pháp cũng thông báo cho tới năm 2028 sẽ cấm các công ty viễn thông nước này sử dụng các thiết bị của Huawei.
Canada
Một trong những nước tham gia vào “cuộc chiến Huawei” sớm nhất là Canada khi vào tháng 12/2018, nước này đã bắt giữ giám đốc tài chính, đồng thời là con gái của nhà sáng lập Huawei, bà Mạnh Vãn Chu theo đề nghị dẫn độ của Mỹ. Động thái trên ngay lập tức đã khiến Trung Quốc cấm các sản phẩm nông nghiệp trị giá hàng tỷ USD của Canada.
Gần đây nhất, Canada đã tạm dừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong và tham gia vào làn sóng chỉ trích Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương.
Rõ ràng, những điều khó đoán định trong sự leo thang đối đầu Mỹ – Trung vốn đang biến thành một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn cầu sẽ định hình bất kỳ cuộc chơi nào trong quan hệ quốc tế hiện nay. Sự quyết đoán của Bắc Kinh đang đẩy các nước vào “quỹ đạo” của Washington nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho một liên minh chống Trung Quốc hay chưa giữa bối cảnh Mỹ vẫn vướng mắc không ít tranh cãi với đồng minh?.