Việc chấp nhận đầu hàng trong Thế chiến 2 không phải là điều dễ dàng gì với người Nhật Bản. Sau đây là câu chuyện quanh Chiếu thư đầu hàng.
Chiếu thư của Nhật hoàng đầu hàng quân Đồng minh, kết thúc Thế chiến 2.
Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng (thời Showa) đã ra “Chiếu thư kết thúc chiến tranh Đại Đông Á”, thừa nhận Tuyên bố Postdam, đầu hàng quân đồng minh, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đây là sự kiện nổi bật nhất của thế kỷ 20, ghi khắc trong nhiều trang sử của nhiều quốc gia, khu vực với những mất mát không thể không thừa nhận từ chiến tranh.
Tuyên bố Postdam – guồng xích siết Nhật Bản đầu hàng
Khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, do đã kývới Nhật Bản ”Hiệp ước trung lập” (13/4/1941), Liên Xô đã đứng ngoài cuộc chiến. Tại Hội nghị Yalta, theo đề nghị của Mỹ và Anh, Liên Xô đã chấp thuận tham gia chiến tranh chống Nhật 3 tháng sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Nhật Bản đã sa lầy trong cuộc chiến này.
Ngày 26/7/1945, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc là Harry S. Truman, Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch đã đưa ra Tuyên bố Postdam phác thảo các điều kiện cho sự đầu hàng của Nhật Bản như đã thỏa thuận tại Hội nghị Postdam trước đó. Tuyên bố này thông báo rằng nếu Nhật Bản không đầu hàng thì “họ có thể phải đối mặt với sự hủy diệt ngay lập tức và toàn bộ”. Bên cạnh đó, bản Tuyên bố này cũng đã hàm ý bóng gió tới việc sử dụng bom nguyên tử chống lại Nhật Bản thời kỳ đó.
Ngày 8/8/1945, Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật Bản. Sáng ngày 9/8/1945, Hồng quân Liên Xô, với lực lượng 1,5 triệu quân (3 phương diện quân), 5.500 xe tăng, 3.900 máy bay, 2.600 phân đội và ham đội Thái Bình Dương, đã mở cuộc tấn công như vũ bão vào đạo quân Quan Đông của Nhật Bản (gồm 70 vạn quân chủ lực Nhật Bản và hơn 30 vạn quân ngụy của “Mãn Châu Quốc”, Nội Mông, Tuy Viễn…) đóng trải ra trên một trận tuyến kéo dài hơn 4.500 km từ Triều Tiên, Đông Bắc Trung Quốc tới Nam đảo Sakhalin và quần đảo Kuril với việc giao thông, vận chuyển hết sức khó khăn.
Trước khi Liên Xô tiến quân đánh Nhật, ngày 6/8, Mỹ đã thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và ngày 9/8, quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki, hủy diệt 2 thành phố này và làm chết hàng chục vạn thường dân vô tội. Hơn thế nữa, di chứng còn để lại cho nhiều thế hệ sau này.
3h sáng 10/8/1945, chính phủ Nhật Bản gửi cho Mỹ, Anh, Trung Quốc và Liên Xô bản đề nghị xin chấp nhận đầu hàng vô điều kiện theo Tuyên bố Postdam. Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng (Nhật hoàng thời Showa) tuyên bố trên đài phát thanh chấp nhận đầu hàng vô điều kiện các nước Đồng minh. Nhưng phải đến đến ngày 2/9/1945, nghi lễ đầu hàng của quân Nhật trước quân Đồng minh mới được thực hiện trên chiến hạm USS Missouri (BB-63) của Hải quân Hoa Kỳ, thì lúc này Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 mới chính thức kết thúc.
Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng trên tàu USS Missouri với sự giám sát
của tướng Richard K. Sutherland, 2/9/1945
Bản phát thanh Gyokuon – kết thúc âm hưởng chiến tranh
Đoạn băng ghi âm tuyên bố đầu hàng đồng minh của Nhật hoàng được phát sóng trên Đài NHK-là Đài phát thanh duy nhất của Nhật Bản đương thời, phát vào đúng chính ngọ (12h) ngày 15/8/1945. Đoạn băng này có độ dài 4 phút 40 giây ghi trên băng cối. Sau này, bản phát thanh này được biên tập ngắn đi còn 4 phút 30 giây.
Bản phát thanh này được gọi là Gyokuon (Ngọc âm – 玉音), do chính Nhật hoàng công bố tới toàn dân thừa nhận Tuyên bố Postdam, đầu hàng đồng minh và kết thúc chiến tranh. Sau này, thành thông lệ, cứ vào ngày này, chính phủ Nhật Bản đều tiến hành nghi thức Tưởng niệm những liệt sĩ đã ngã xuống, và mặc niệm vào đúng 12h trưa. Còn việc ký chính thức văn bản đầu hàng thì diễn ra sau đó vào ngày 2/9/1945 do Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng trên tàu USS Missouri với sự giám sát của tướng Richard K. Sutherland.
Tại mục số 13 trong Tuyên bố Postdam nói rõ việc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, nghĩa là Nhật Bản thừa nhận đầu hàng trong chiến tranh Thái Bình Dương.
“Chiếu thư kết thúc chiến tranh Đại Đông Á” được phác thảo ngay trong đêm là sắc lệnh thừa nhận Tuyên bố Postdam dựa trên quyền hạn của Nhật hoàng (thời Showa) được bố cáo trước toàn dân chúng.
Chiếu thư được Nhật hoàng đọc và thu âm vào ngày 14/8, được phát vào giờ chính ngọ ngày 15/8 trên sóng phát thanh. Bản phát thanh Gyokuon (Ngọc âm) tuy không phải là thứ có hiệu lực đặc biệt về mặt pháp chính, nhưng có thể nói đã có một sự ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc tuyên bố trực tiếp sự thật bại chiến của Nhật Bản tới dân chúng.
Ngay sau khi thu âm, Nhật hoàng (Showa) buổi sáng ngày 15/8 đã chỉ lệnh phải làm sao để cho “dân chúng nhất định nghe được vào chính ngọ”. Mặc dù thời điểm đó, ngành điện báo Nhật Bản còn khó khăn, nhưng nội dung Thư chiếu đã được điện báo tới toàn quốc. Và sau khi bản phát thanh được công bố, buổi chiều hôm đó, các tờ báo viết của Nhật Bản cũng đã đăng và phát bản đặc biệt.
Về bản thu âm của Nhật hoàng Showa là do sáng kiến của Phó Giám đốc Cục tình báo Nội các Hisao Mitsutao đề xuất lên Giám đốc Shimomura Horoshi. Sau đó Cục đã phê chuẩn việc thu âm này.
Buổi thu âm được 8 nhân viên của Hiệp hội phát thanh Nhật Bản (NHK sau này) thực hiện theo yêu cầu của Phủ Nội cung (nay là Hoàng cung). Buổi thu âm được thực hiện với sự chuẩn bị của 2 nhóm máy thu bao gồm 4 máy thu dự bị, và được chuẩn bị xong vào lúc 16h ngày 14/8/1945 và dự kiến thu vào lúc 18h. Tuy nhiên, theo tài liệu “Lục thực Thiên hoàng Chiêu Hòa”, do Chiếu thư cần phải chỉnh sửa để có bản cuối cùng, nên đến tận 23h25 Nhật hoàng mới bước vào phòng để thực hiện buổi thu âm. Có tài liệu cho rằng Nhật hoàng đã có 3 lần thu để có bản cuối cùng.
Bản thu âm được thu bằng máy DP-17-K của hãng Denon, được chia làm 2 băng cối, bởi lúc đó một bản băng cối thu tối đa chỉ được 3 phút, mà bản Chiếu thư có độ dài khoảng 5 phút.
Buổi thu âm kết thúc vào khoảng 1h sáng ngày 15/8. Trong lúc nhóm nhân viên thu âm và Giám đốc Cục tình báo trở về nhà, bản thu âm đã được bảo quản trong kho của Hoàng cung bởi Đại tá Sato-Liên đội số hai bộ binh cận vệ Hoàng Cung.
Bản dẫn cho phần thu âm đặc biệt của Chiếu thư Nhật Bản là phát thanh viên Wada Nobutaka. Phần đọc tiếng Anh do phát thanh viên của Đài phát thanh quốc tế Tadaichi Hirakawa thực hiện, và được phát sang Mỹ. Ngoài ra toàn văn Chiếu thư cũng được đăng trên số báo ra ngày 15/8/1945 của NewYork Times.
Trước khi bản phát thanh được phát đi, ngay từ ngày 14 và sáng ngày 15/8/1945, nhiều báo trong nước đã đăng tải dự kiến về buổi phát thanh đặc biệt này với nội dung như: “Chiếu thư sẽ được phát vào chính ngọ ngày 15”, “Không nên có một ai bỏ lỡ nghe chiếu thư của Nhật hoàng”…
Chiến tranh chỉ là sự diệt vong và hủy hoại
Chiếu thư được viết bằng văn bản cổ, nên nhiều người Nhật Bản lúc đó khó có thể hiểu hết được ý nghĩa của văn bản. Sau này có một số bản dịch đã chuyển sang ngôn ngữ hiện đại để mọi người dân Nhật Bản có thể tiếp nhận dễ dàng hơn.
Sau việc thừa nhận Tuyên bố Postdam, Chiếu thư có đoạn viết như sau:
“…Tình trạng giao chiến đã trải qua 4 năm. Sự chiến đấu dũng cảm của những tướng lĩnh, binh sĩ Lục quân, hải quân, sự quên mình của hàng triệu dân chúng mặc dù đã tận lực, nhưng cục diện chiến tranh vẫn không thay đổi theo hướng tốt, và cũng không thể nói rằng tình hình thế giới có lợi cho đất nước chúng ta.
…nếu tiếp tục chiến tranh, thì không chỉ mang lại sự diệt vong của dân tộc chúng ta, mà còn phá hoại nền văn minh của loài người.
…Nhiệm vụ của Nhật Bản là dồn tổng lực cho xây dựng tương lai, không lung lạc ý chí, mở rộng chân giá trị nhất định cần có ở một quốc gia, không chậm so với trào lưu phát triển của thế giới…” (PV lược dịch từ nguyên bản tiếng Nhật).
Như vậy, có thể nói rằng trong cuộc chiến tranh, qua từng giai đoạn Nhật Bản đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi liên tục thất bại trên các đảo Thái Bình Dương, ở Đông Nam Á. Mặt khác sự thiệt hại nặng nề về hải quân, không quân trong những trận hải chiến với Mỹ, việc bị Mỹ oanh tạc liên tiếp xuống 70 thành phố lớn của Nhật Bản bao gồm thủ đô Tokyo, đặc biệt là việc hủy diệt Hiroshima và Nagasaki đã làm cho chính quyền Nhật Bản nhận thức lại hậu quả của chiến tranh là vô cùng khắc nghiệt. Và chỉ có một con đường là kết thúc chiến tranh, và tương lai sẽ phải nỗ lực ngăn chặn chiến tranh để cho những sai lầm, mất mát, đau thương không bao giờ lặp lại.