Theo phân loại mới nhất của World Bank dành cho năm tài khóa 2021, Việt Nam nằm trong nhóm nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp.
Nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp được xác định có GNI bình quân đầu người trong
khoảng từ 1.036 đến 4.045 USD
Ngày 1/7, Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật phân loại các nền kinh tế của thế giới theo mức thu nhập (gồm nước có thu nhập thấp, trung bình thấp, trung bình và cao).
Đối với năm tài chính 2021, các nền kinh tế có thu nhập thấp được WB xác định là những nền kinh tế có GNI bình quân đầu người (được tính toán bằng phương pháp Atlas của Ngân hàng Thế giới) từ 1.035 USD trở xuống vào năm 2019; các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp là những nền kinh tế có GNI bình quân đầu người trong khoảng từ 1.036 USD đến 4.045 USD; các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao là những nền kinh tế có GNI bình quân đầu người trong khoảng từ 4.046 USD đến 12.535 USD; các nền kinh tế có thu nhập cao là những nền kinh tế có GNI bình quân đầu người từ 12.536 USD trở lên.
Theo phân loại mới nhất dành cho năm tài khóa 2021, Việt Nam nằm trong nhóm nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp (LMC). Trong khu vực Đông Nam Á, Timor Leste, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines cũng nằm trong nhóm LMC này.
Indonesia năm nay đã gia nhập cùng nhóm Thái Lan, Malaysia vào nhóm thu nhập trung bình cao (UMC). Chỉ có hai quốc gia Singapore và Brunei nằm trong nhóm thu nhập cao ở Đông Nam Á (HC).
Khai thác sâu hơn thông tin nhân khẩu học, Việt Nam nằm trong nhóm nước trong giai đoạn cuối của “cơ cấu dân số vàng” (LTE – late-demographic dividend), tức là không bao lâu nữa Việt Nam sẽ chuyển dần sang giai đoạn “hậu cơ cấu dân số vàng”, giai đoạn già nhanh (PST – post-demographic dividend).
Trong khi các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia cũng ở giai đoạn cuối của cơ cấu dân số vàng thì Philippines và Indonesia mới ở giai đoạn đầu (EAR – early-demographic dividend).
Trung Quốc vẫn còn nằm trong nhóm LTE, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc thì đã nằm trong nhóm già nhanh PST.