Monday, December 23, 2024
Trang chủĐiểm tinVụ Chủ tịch Chung mất chức: Loạn xạ thông tin, lời bình...

Vụ Chủ tịch Chung mất chức: Loạn xạ thông tin, lời bình ác ý

Mấy ngày qua ở Hà Nội (Việt Nam) có một sự kiện nóng, nó không chỉ nóng ở thủ đô nước này mà nóng khắp cả nước, nóng sang cả nhiều quốc gia. Nó nóng đến mức sự kiện ông Lê Khả Phiêu, một vị Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Nguyên Tổng Bí thư của Đảng cầm quyền vừa tạ thế cũng không được bàn luận đến nhiều. Chuyện đại dịch Covid-19 đang bùng cháy từ Đà Nẵng, Quảng Nam ra cả nước cũng lắng đi đôi phần.

Có chuyện gì vậy? Xin trả lời ngay: Chuyện ông Nguyễn Đức Chung- có hỗn danh là Chung “con” -thị trưởng thủ đô Hà Nội bị hạ bệ. Cuối giờ chiều ngày 11/8 vừa qua, tin ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị đình chỉ các chức vụ về Đảng và chính quyền như một tiếng sấm giữa bầu trời dông bão của thủ đô. Lập tức các trang báo lề phải, lề trái đồng loạt loan tin. Mạng xã hội cũng sốt xình xịch.

Thật ra, chuyện ông Chung bị cách chức không bất ngờ. Dân thạo tin đã dự đoán trước sau gì thì ông Thị trưởng trẻ tuổi này cũng sẽ rơi vào con đường lao lí như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…Vì rằng ông đã bị Bộ Công an “chiếu tướng” qua việc khởi tố “Vụ Nhật Cường” và mới đây nhất là vụ ba người liên quan đến ông bị bắt. Sau khi ông Chung bị đình chỉ thời gian 90 ngày để phục vụ công tác điều tra, Tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam đã trả lời báo chí. Ông này nói: “Theo điều tra ban đầu, ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến ba vụ án. Thứ nhất, vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Thứ hai là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP Hà Nội. Thứ ba là vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án”.

Thông tin chắc nịch của ông Xô khiến cho báo chí cùng lúc rào rào đưa tin.  Cũng chỉ có vẻn vẹn chừng ấy thông tin nhưng nhiều báo tranh thủ khoe “theo nguồn tin riêng của chúng tôi…” Rồi đây những sai phạm của Nguyễn Đức Chung sẽ được điều tra làm rõ, sai đến mức nào, xử lý đến đó. Đúng như ý kiến của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư, Chủ tịch nước, “Người đốt lò” – thường nhắc nhở trong các cuộc họp bàn về chống tham nhũng: Sai tới đâu xử tới đó. Không để lọt tội phạm. Không có vùng cấm, vùng tránh. Nhưng cũng không để ai bị oan.

Xem ra theo ý chỉ của “Cụ Tổng” báo chí lề phải cũng chừng mực. Không thấy có những bình luận cực đoan, quá đà. Chủ yếu là các bài báo nêu về quá trình công tác cũng những thành tích của ông Chung; về những phát ngôn ấn tượng của ông; về những việc làm được của ông trong bốn năm làm Chủ tịch; về sự xông xáo, quyết đoán của ông ở điểm nóng Đồng Tâm (Mỹ Đức); về việc ông hăng hái trong việc làm trong sạch sông Tô Lịch; tiết kiệm chi phí cắt cỏ, trồng cây; về việc đầu tư làm máy nước sạch Cầu Đuống,v.v.. Có báo nói sâu hơn vì sao một cán bộ trẻ, một vị Tướng công an, từng được phong là Anh hùng LLVT nhân dân khi mới 36 tuổi lại sa ngã như vậy? Nguyên nhân chính là gì?

Nhưng đó là câu chuyện dài dài. Trên mạng xã hội, nhất là Facebook – một kênh thông tin khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay –  có hàng trăm bài viết lật ngược, lật xuôi vấn đề. Nhiều ông bà, trong đó có những trí thức, nhà báo, nhà văn nói như Thánh phán. Cũng lại chẳng bất ngờ chuyện này. Hồi ông Thăng, ông Son, ông Tuấn… bị ngã ngựa cũng bị các facebooker “chém” cho tơi tả. Họ đay nghiến, chì chiết vì nhiều lí do. Đương nhiên cái lí do vì “căm ghét tham nhũng” không hẳn là lí do chính. Nhiều thông tin bịa đặt, dựng ngược hoàn toàn. Nhiều giọng điệu mang tính kích động, giậu đổ bìm leo, trả thù cho bõ tức. Người ta gọi căn bệnh chung này là “hội chứng đánh hôi”.

Đáng chê trách là một số tờ báo “lề trái” như VOA, Dân làm báo, Chân dung quyền lực… đã đăng một số bài viết của các “nhà dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến” cho rằng đây không phải là chuyện chống tham nhũng. Vụ việc Nguyễn Đức Chung là đỉnh điểm của chuyện đấu đá nội bộ trước Đại hội Đảng toàn quốc của Việt Nam lần thứ XIII. Ông Nguyễn Quang A nói trong buổi phát thanh của Đài VOA rằng: “Ông Nguyễn Đức Chung bị ngưng chức vì đấu đá nội bộ, phe phái trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang cấp tập chuẩn bị cho đại hội ở các cấp, các địa phương, sở, ban, ngành và chuẩn bị nhân sự để tham gia vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII”. Một số báo khác thì nói ông Chung bị “tai nạn” vì ông “sáng” quá (!). Sắp tới ông sẽ “trèo lên đầu mấy ông khác” làm Bộ trưởng Công an thì ai người ta để ông yên (!).

Tờ Dân Luận nói như thò tay vò giỏ trứng: “Phe Nghệ Tĩnh muốn Phan Đình Trạc giữ vị trí quyền lực này, trong khi đó các tướng lĩnh Bộ Công An thì không muốn Chung “con” ngồi lên đầu. Điển hình là tướng Ngọc, nếu Chung về làm bộ trưởng thì xem như sự nghiệp chính trị của Ngọc chấm dứt. Chính vì tương lai chính trị của Chung “con” quá xán lạn, thế nên sau Hội nghị Trung Ương 12, các phe mới hợp sức đánh dữ dội để hạ bằng được Chung. Đòn chí tử là bắt Thư ký và lái xe của Chủ tịch Chung”. Một số tờ báo nói ráo hoảnh, rằng ông Chung là nạn nhân của “phe Nghệ Tĩnh và phe Công an”. Họ đưa lí do rằng, có bao quan chức làm ăn láo, sân sau đầy ra đấy, tội “nâng đỡ không trong sáng” đầy ra đấy, sao vẫn nhởn nhơ đứng cạnh “lò”? Hãy nhìn Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang (Sài Gòn), Trịnh Văn Chiến (Bí thơ Thanh Hóa), Triệu Tài Vinh (Nguyên Bí thơ Hà Giang), cô Phạm Thanh Trà (Bí thơ Yên Bái), Nguyễn Nhân Chiến (Bí thơ Bắc Ninh)…. Đáng “chém” cả, nhưng vì những nhân vật này hoặc là có ô dù, hoặc là khóa tới không còn gây nguy hiểm như Chung “Con” (!).

Với thái độ rành mạch, khách quan, chúng tôi thấy rằng, việc Đảng và Nhà nước Việt Nam xử lý cán bộ là họ đã có sự chuẩn bị, tính toán kỹ. Mọi ý kiến khác nhau trong thời đại bùng nổ thông tin này là tồn tại khách quan. Nhưng mọi người cần tỉnh táo phân biệt cái khách quan khoa học và cái nhân danh khách quan để bình tán với ác ý, với những mưu đồ cá nhân. Không ngoại trừ những kẻ làm thuê, bồi bút, chỉ vì lợi ích cá nhân mà ngậm máu phun người làm nhiễu thông tin, vu oan giá họa.

Phật Thích Ca Mâu Ni khuyên các Phật tử rằng: “Khi ta chỉ tay hãy đừng nhìn cánh tay ta, mà hãy nhìn nơi ta chỉ”. Nơi Hà Nội chỉ tay là một điểm ngắm của họ. Hà Nội thừa hiểu cái đích ngắm ấy. Và họ không cần đến sự rêu rao, dạy dỗ, phán xét bằng những cánh tay giơ theo một cách ngây ngô và lố bịch.

RELATED ARTICLES

Tin mới