Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinĐông Nam Á hướng đến lựa chọn nào?

Đông Nam Á hướng đến lựa chọn nào?

Trong những năm qua, khi gia tăng sức ép lên Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao lẫn kinh tế, quân sự, Mỹ thật sự kỳ vọng điều gì? Kỳ vọng đầu tiên của Washington  là tái khẳng định “giá trị Mỹ”, gắn liền với “cởi mở và tự do” tại khu vực, vốn đã bị các hành động đe dọa và bắt nạt của Trung Quốc lấn át.

Theo bình luận của các nhà quan sát, Mỹ đã bước sang trang mới ở Biển Đông khi bày tỏ lập trường kiên quyết bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Cụ thể là Mỹ đã  đứng về lẽ phải, thượng tôn pháp luật, cho dù nước này chưa là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Từ đầu năm 2020 đến nay Mỹ lên tiếng mạnh mẽ hơn và triển khai hành động quân sự tại Biển Đông cũng quyết liệt hơn. Với vai trò quan trọng tại Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và cộng đồng quốc tế, động thái này củng cố niềm tin về trật tự và tính pháp quyền đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả các nước không muốn bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung.

Thái độ đó của Mỹ đã và đang nhận được sự ủng hộ của dư luận thế giới. Đương nhiên, sự ủng hộ của các nước không nhất thiết phải được thể hiện bằng sự ca tụng bằng các phát biểu ngoại giao, hoặc bằng cách theo đuổi liên minh. Nó thể hiện ở sự đồng điệu trong tuyên bố lập trường của các nước với Mỹ. Không có bất cứ một quốc gia nào, trong đó có ASEAN, phản đối lập trường và động thái hiện diện của Mỹ, ngoại trừ Trung Quốc.

Điều đáng quan tâm là, lập trường của Mỹ luôn phù hợp với phát ngôn và lập trường của các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, và Việt Nam.  Gần đây “Cuộc chiến công hàm” đã  có sự tham gia của Mỹ, tiếp theo là Úc – vốn không có tuyên bố yêu sách ở Biển Đông. Rõ ràng Mỹ-Trung khó có thể lâm vào tình thế xung đột khiến các nước thứ ba khó xử, trái lại nó tạo ra tiền lệ thu hút các nước ở ngoài Biển Đông can dự nhiều hơn bằng cách tham gia cuộc chiến pháp lý với Bắc Kinh.

Người viết bỗng có một mong muốn, giá như các nước Nhật Bản, Ấn Độ, các nước EU (các nước vốn không chịu sự dọa nạt của Trung Quốc) cùng tham gia “cuộc chiến công hàm” thì tình hình trên Biển Đông sẽ bớt căng thẳng hơn. Bởi vì khi ấy uy tín và sự chính danh của Trung Quốc sẽ bị suy giảm đáng kể, ảnh hưởng to lớn đến việc triển khai các đại kế hoạch mang tính chiến lược mà Bắc Kinh dày công thực hiện như Vành đai – Con đường hay “Made in China 2025”.

Đến đây có thể đặt ra câu hỏi: Nếu nhìn rộng vấn đề Biển Đông ra chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, thì liệu có tư duy chạy đua vũ trang hay “chọn phe” giữa các nước để phòng xung đột? Câu trả trả lời là không. Bởi mục tiêu của Mỹ không phải là tranh chấp mà là tấn công vào các giá trị tư tưởng, pháp luật mà Trung Quốc đang áp đặt tại khu vực.

Khi không cần phải chọn “phe” thì Đông Nam Á sẽ hướng đến lựa chọn nào?

Với sự gia tăng hiện diện của Mỹ, rõ ràng các nước Đông Nam Á, chí ít là các nước có tranh chấp Biển Đông, có nhiều hơn một lựa chọn là liên minh. Nhắc lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thế giới ngoài hai khối đối đầu do Mỹ và Liên Xô lãnh đạo, còn có các nước thứ ba với Phong trào Không liên kết. Các nước thứ ba là “các quốc gia tự xem là không liên kết với hay chống lại khối xã hội chủ nghĩa lẫn khối tư bản chủ nghĩa trong Chiến tranh Lạnh”. Nền tảng của Phong trào không liên kết bao gồm 5 nguyên tắc chung sống hòa bình: Tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm lược lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi; cùng tồn tại hòa bình.

Theo đó, hiện nay các quốc gia Đông Nam Á hoàn toàn có thể theo phương án này. Trên thực tế, ngay như đồng minh của Mỹ là Philippines, cũng đã làm như vậy. Còn ở Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nói đến “đường lối ngoại giao bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này chống nước kia; không để nước khác đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Nhờ có sách lược này mà Hà Nội minh định rõ đâu là đấu tranh bảo vệ chủ quyền tối thượng phải theo đuổi, và đâu là vòng xoáy xung đột của nước lớn cần phải tránh xa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi giải quyết xung đột Biển Đông.

Không liên kết không có nghĩa là Đông Nam Á đứng ngoài sự hiện diện của Mỹ và các nước thứ ba tại Biển Đông. Các nước có thể cùng Mỹ và bên thứ ba gia tăng năng lực hải quân để bảo vệ chủ quyền; bảo vệ môi trường biển; hợp tác khai thác tài nguyên, năng lượng trên biển; thúc đẩy tự do hàng hải; ủng hộ việc thành lập các tổ chức quốc tế thúc đẩy việc giải thích UNCLOS và luật pháp quốc tế về tranh chấp Biển Đông, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các biện pháp pháp lý vào giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Những giải pháp nêu trên vừa giúp bản thân các nước Đông Nam Á mạnh lên, vừa giúp thế giới nhận thức rõ hơn về những yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Thông qua đó tác động và định hình các chiến lược ngăn chặn, điều chỉnh cách hành xử vô thiên vô pháp của Trung Nam Hải.

Vậy là khi Mỹ và các nước cùng có mặt trên Biển Đông, không nhất thiết phải lập liên minh. Điều đó sẽ có thể khiến Trung Quốc phải thận trọng và dè chừng hơn. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á có không ít lựa chọn tốt hơn việc “chọn phe” Mỹ hay Trung Quốc. Nếu một ngày vắng Mỹ trên Biển Đông, một ngày thiếu sự đoàn kết chặt chẽ của quốc tế, Trung Quốc  sẽ lấn tới để thực hiện giấc mơ bá chủ thế giới. Và chưa hiểu điều gì sẽ xảy ra, ngoài những dự báo về Chiến tranh lạnh hay những cuộc đối đầu đẫm máu.

RELATED ARTICLES

Tin mới