Cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Hồng Kông ngày càng trở nên mạnh tay hơn. Tuần này việc bắt những người ủng hộ dân chủ bao gồm nhà xuất bản Jimmy Lai là cuộc tấn công mới nhất vào thành phố một thời tự do, và những người theo đường lối cứng rắn ở Bắc Kinh coi Đài Loan là mục tiêu tiếp theo. Với khả năng xảy ra một cuộc đối đầu tối hậu xoay quanh Đài Loan trong 4 năm tới, bản chất cam kết của Mỹ đối với hòn đảo này phải được nhấn mạnh chứ không chỉ xuất hiện thoáng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.
Tầm quan trọng của Đài Loan đối với các liên minh ở Thái Bình Dương của Mỹ đã được công nhận từ lâu. Nếu Hoa Kỳ cho phép Đài Bắc rơi vào vòng kiểm soát của Bắc Kinh – chính thức hay trên thực tế – các quốc gia như Việt Nam sẽ nghi ngờ cam kết của Hoa Kỳ đối với nền độc lập của họ và xích lại gần Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh sau đó có thể thúc đẩy các đồng minh lâu đời như Nhật Bản rời xa Hoa Kỳ, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bước nhanh trên con đường trở thành bá chủ khu vực.
Ngoài ý nghĩa chiến lược truyền thống, Đài Loan hiện còn có một ý nghĩa đặc biệt vì sức mạnh công nghệ của nó. TSMC, có trụ sở tại Đài Loan, là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới và đang củng cố vị thế của mình. Cổ phiếu của hãng đã tăng mạnh trong mùa hè này và gần đây, Intel, công ty có trụ sở ở Hoa Kỳ, đã thông báo rằng họ có thể rút khỏi mảng sản xuất chip.
Điều đó đặt Đài Loan vào tâm điểm cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung. Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về các sản phẩm công nghệ cao và nước này đã dựa vào chip máy tính do TSMC sản xuất. Hoa Kỳ cũng đang lôi kéo TSMC, công ty đã tuyên bố hồi tháng 5 rằng họ sẽ mở một nhà máy ở Arizona. Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đang khiến Huawei của Trung Quốc không thể mua chip từ TSMC. Nhà khoa học chính trị Graham Allison đã suy đoán rằng Bắc Kinh có thể coi sự cạnh tranh về công nghệ là mộtđộng lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo và công ty hàng đầu của nó bằng vũ lực.
Điều này đưa chúng ta trở lại chính trường Hoa Kỳ. Trung Quốc đang tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan, và sự cưỡng bức hoặc thậm chí là một cuộc tấn công ở một mức độ nào đó có thể là một trong số các kịch bản khủng hoảng an ninh quốc gia mà vị tổng thống tiếp theo có thể phải đối mặt.
Chính quyền Trump đã thể hiện ít nhiều cách tiếp cận chính sách của mình. Họ đã chấp thuận bán các máy bay F-16 tiên tiến cho Đài Loan sau khi chính quyền Obama từ chối, và đang xem xét việc bán máy bay trinh sát không người lái SeaGuardian cũng như tên lửa và ngư lôi. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar đã đến thăm Đài Bắc, một sự thể hiện hiếm hoi và có ý nghĩa chính trị cho thấy sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan ở cấp chính phủ.
Tuy nhiên, cách quan hệ mang tính đổi chác nhất thời của Tổng thống Trump với các đồng minh khiến một số người Đài Loan lo lắng. Việc Trump đe doạ rút lui về quân sự – bao gồm cả việc dọa rút quân khỏi Hàn Quốc – cũng có thể khiến Bắc Kinh bạo dạn hơn.
Một bước hiệu quả mà một chính quyền Biden có thể thực hiện trên mặt trận này là tái tham gia và đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương về thương mại để củng cố các liên minh của Hoa Kỳ, đồng thời mở đường cho Đài Loan tham gia. Trung Quốc không phải là thành viên của TPP nhưng Trump đã rời bỏ hiệp định này.
Một câu hỏi chính là liệu chính quyền Biden có quay lại kiểu quan hệ lưng chừng của chính quyền Obama với Đài Bắc vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh hay không. Cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Biden làAntony Blinken, người có khả năng sẽ đảm nhiệm vị trí cấp cao trong chính quyền Biden, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5 với CBS rằng ông hy vọng Hoa Kỳ có thể “lấy lại sự cân bằng đó” trong mối quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan. Blinken không nói liệu Biden có chấp nhận nói chuyện điện thoại với tổng thống Đài Loan hay không.
Biden đã mang bản năng chính sách đối ngoại ôn hòa trong nhiều thập niên, và hồi năm 2001, ông đã chỉtrích George W. Bush vì nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công. Nhưng quan điểm của công chúng cũng như giới chóp bu Mỹ về Trung Quốc đã thay đổi khi Bắc Kinh tỏ ra hung hăng hơn, và Michèle Flournoy, ứng cử viên hàng đầu cho chức Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Biden, gần đây đã viết về sự cần thiết của việc Mỹ tăng cường khả năng răn đe ở Tây Thái Bình Dương.
Các ứng cử viên cần bị thúc ép phải đưa ra quan điểm rõ ràng về Đài Loan vượt ra ngoài những lời sáo rỗng về tình cảm nồng ấm. Hòn đảo này đang là trung tâm của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và cử tri xứng đáng được nghe vị tổng thống tiếp theo trình bày cách họ xử lý vấn đề đó như thế nào.