Sau khi lệnh cấm đánh bắt ở biển Đông do Trung Quốc ngang nhiên áp đặt một cách vô lý kết thúc vào ngày 16/8, đã có hơn 16.000 tàu cá Trung Quốc từ đảo Hải Nam bắt đầu đổ xuống vùng biển này, đánh bắt ở những vùng biển đang có tranh chấp.
Tàu cá Trung Quốc đồng loạt ra khơi ngày 16/8.
Theo đoạn phim Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa lên Twitter ngày 16/8, có hơn 16.000 tàu cá Trung Quốc từ đảo Hải Nam đã ra khơi sau khi lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông kết thúc.
Còn trang tin Benarnews ngày 18/8 cho biết, tàu cá Trung Quốc đang quay trở lại các vùng biển tranh chấp ở biển Đông, sau khi Bắc Kinh kết thúc lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè mà nước này đơn phương áp đặt ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Hình ảnh hàng chục tàu cá Trung Quốc lầm lũi rời cảng tiến ra biến Đông cũng được Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc ghi lại, những tàu cá này cũng xuất hiện ở Trường Sa, Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cụ thể, nhiều tàu cá Trung Quốc đã đi vào cụm đảo Sinh Tồn (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Cụm đảo Sinh Tồn cũng là nơi Trung Quốc thường xuyên đưa các đội tàu cá và tàu dân quân hàng hải đến hoạt động.
Ngoài cụm đảo Sinh Tồn, trong các ngày 16 và 17/8 tàu cá Trung Quốc còn được nhìn thấy xuất hiện ở đảo Cây, đảo san hô Quang Hòa, đảo Hữu Nhật, và đảo Phú Lâm (nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Liên quan đến việc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt ở những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, trả lời phỏng vấn Dân Việt chiều 19/8, ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu quan điểm, Trung Quốc bắt đầu đơn phương áp đặt cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ năm 1999, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
“Cục Kiểm ngư bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc về cấm đánh bắt cá ở biển Đông từ ngày 1/5 – 16/8, khi khu vực cấm đánh bắt nằm trong vùng biển của Việt Nam” – ông Hà Lê khẳng định.
Về việc các tàu cá Trung Quốc hoạt động trở lại trên các vùng biển sau khi lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở biển Đông đã hết hiệu lực vào ngày 16/8, ông Hà Lê khẳng định: Lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật khác của Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đảm bảo thực thi pháp luật về thủy sản và hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khai thác hợp pháp trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời sẽ kiên quyết tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.
Là quốc gia ven biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước.