Bất chấp những khó khăn, thách thức mà ngành hàng không đang đối diện do dịch COVID-19 bùng phát, Vietravel vẫn được nghiên cứu để cấp giấy phép bay.
Vietravel Airlines vẫn sốt sắng bay, bất chấp những khó khăn do COVID-19.
Nhiều người bất ngờ trước động thái mới đây của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Đó là Bộ này vừa tổ chức cuộc họp liên quan đến công tác rà soát, thẩm định cuối cùng trước khi báo cáo Chính phủ về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines.
Trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ngành hàng không tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức lớn chưa từng có, cuộc họp làm dấy lên nhiều câu hỏi: Vì sao Cục Hàng không quyết cấp phép bay cho Vietravel, khi mà Thủ tướng mới đây chỉ đạo không lập hãng bay mới? Vì sao Vietravel Airlines vẫn nhất quyết xin bay dù hàng không đang “ở đáy”? Hoạt động của hãng hàng không này liệu có khả quan?
Ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, việc rà soát, thẩm định đối với Vietravel Airlines là nằm trong kế hoạch trước đó.
Theo ông Võ Huy Cường, “kể cả nếu được cấp phép bay trong thời điểm này thì cũng không thể nói Vietravel là trường hợp ngoại lệ được“. Vì chủ trương đầu tư hãng hàng không này đã được Thủ tướng phê duyệt từ trước. Chủ trương đầu tư do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 3/4/2020 đồng ý cho Vietravel Airlines thực hiện dự án trong vòng 50 năm. Theo kế hoạch đầu tư, đến 1/1/2021, hãng phải thực hiện hoạt động bay.
“Trong quyết định của chủ trương đầu tư có quy định rõ như thế nên việc tiến hành thẩm định là bình thường. Còn chủ trương dừng cấp phép cho các hãng bay mới đến hết năm 2022 là đối với các hãng hàng không mới khác, không áp dụng với Vietravel. Sau Vietravel Airlines thì tất cả các hãng bay mới đều phải chờ hết 2022 mới được xem xét cấp phép”, ông Cường nói.
Đánh giá về khả năng hoạt động của Vietravel trong thời gian tới, ông Cường cho rằng, dù hàng không có nhiều khó khăn nhưng hãng vẫn có nhiều cơ hội
“Chính phủ đang kiểm soát dịch rất tốt và nếu Vietravel tiến hành các hoạt động bay sắp tới thì thị trường hàng không lúc đó sẽ ở ngưỡng giống như tháng 4 vừa qua. Chính phủ cũng quyết định vùng nào bị thì mới khoanh vùng dập dịch”, ông Cường nói và cho rằng điều này sẽ giúp hàng không hạn chế được một phần thiệt hại.
Vietravel trước đó từng liên kết mở một loạt tuyến bay mới để tạo dựng thị trường, vừa giúp du lịch và hàng không cùng phát triển. Có thể kể đến đường bay Bangkok – Cần Thơ, Cần Thơ – Liên Khương, Bangkok – Phú Bài. Tuy nhiên, chiến lược hợp tác này đã không thành. Nguyên nhân là do Vietnam Airlines rút tàu để bay Phú Quốc và hỗ trợ cho hãng hàng không K6 của Campuchia. Đường bay Cần Thơ – Liên Khương cũng ở trong tình trạng tương tự.
Vietravel cũng đã phối hợp với Vietjet để mở đường bay Bangkok – Phú Bài. Tuy nhiên, Vietjet cũng có chiến lược riêng nên cũng chỉ bay thời gian ngắn. Sau này, Vietravel phối hợp với Jetstar Pacific để có đường bay Chiangmai – Thọ Xuân. Tuy nhiên, kế hoạch hợp tác vẫn thất bại.
Ngày 3/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 457/QĐ-TTg, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) với tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng.
Vietravel Airlines đặt trụ sở chính tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (tỉnh Thừa – Thiên Huế) với mục tiêu cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành cũng như phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Dự kiến, trong năm đầu tiên hãng sẽ khai thác 3 máy bay, tăng dần theo yêu cầu của thị trường và trong quy mô cho phép của nhà chức trách với chủng loại máy bay Airbus, Boeing hoặc tương đương.