Ấn Độ, Nhật Bản và Australia chính thức bắt đầu các cuộc thảo luận về Sáng kiến Phục hồi Chuỗi cung ứng (SCRI) nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ấn Độ, Nhật Bản, Australia lập chuỗi cung ứng đối phó với Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Sáng kiến này do Nhật Bản khởi xướng, được cho là đang dần thành hình. Chính phủ 3 nước Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang bàn bạc kế hoạch cho cuộc họp đầu tiên giữa các bộ trưởng thương mại, dự kiến diễn ra trong tuần tới. Tờ nhật báo Ấn Độ Economic Times cho biết, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản gần đây đã nhấn mạnh sự cấp thiết phải thúc đẩy sáng kiến này càng sớm càng tốt, có thể là trong tháng 11 tới.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã tỏ rõ sự nghiêm túc với đề xuất này, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang có những hành động hung hăng tại biên giới với Ấn Độ. Ấn Độ coi đề xuất này như một liên minh nhằm đối phó với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, New Delhi muốn tận dụng cơ hội này để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và đặt mục tiêu thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất của thế giới. Mục tiêu này đã được thủ tướng Narendra Modi nhắc tới trong bài phát biểu nhân ngày Độc lập của Ấn Độ hôm 15/8 vừa qua.
Đề xuất của Nhật Bản về SCRI sẽ có 2 mục tiêu chính. Thứ nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để biến nơi này trở thành “đầu tàu về kinh tế”. Thứ hai là xây dựng mối quan hệ bổ sung lẫn nhau giữa các nước đối tác.
Ngoài ra, sáng kiến này cũng để ngỏ khả năng các nước trong ASEAN cùng tham gia với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Trong bước đầu tiên, 3 nước sẽ bàn bạc kế hoạch hợp tác, dựa trên các mạng lưới cung ứng song phương hiện có. Ví dụ, Ấn Độ và Nhật Bản hiện đã ký kết Thỏa thuận Đối tác Năng lực cạnh tranh Công nghiệp Ấn – Nhật, nhằm trợ giúp các công ty Nhật Bản kinh doanh tại Ấn Độ.
Trong bối cảnh nhiều nước bất bình về thái độ và các chính sách hung hăng của Trung Quốc, SCRI là phản ứng trực tiếp của các doanh nghiệp và các nền kinh tế với Trung Quốc, cũng như đề phòng khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng vì các căng thẳng địa chính trị.
Trước đó, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lập một quỹ trị giá 2 tỷ USD để giúp các công ty Nhật Bản chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Cũng vì các quan ngại về an ninh và minh bạch thông tin liên quan tới Covid-19, Australia và Mỹ đã ký một thỏa thuận nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng về mặt hàng đất hiếm – một nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành công nghiệp.