Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThế khó của Philippines

Thế khó của Philippines

Quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng, Philippines bỗng trở thành một phần cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, cùng là đối tượng để hai bên lôi kéo. Tuy nhiên, sự “cao giá” lại khiến Philippines lâm vào thế khó.

TQ và Mỹ cạnh tranh căng thẳng trên Biển Đông

Thời điểm này, Philippines, chứ không phải Việt Nam, đang thật sự gặp khó trong việc tìm lời giải bài toán ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hà Nội thì luôn khẳng định nhất quán quan điểm “độc lập”, không liên minh với nước vào để chống nước thứ ba, kể cả sau vụ Giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, vụ Bãi Tư Chính năm 2019.

Những ngày gần đây, khi Washington ra tuyên bố về lập trường chính thức bác bỏ gần như hoàn toàn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều người nghĩ rằng, Việt Nam sẽ vui mừng lắm. Nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong tuyên bố ngày 17/7, lại tỏ ra chừng mực. Họ ủng hộ Mỹ mà không nêu đích danh cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Thái độ đó khiến nhiều người nông nổi chưng hửng. Chỉ những người đủ độ sâu sắc mới vỡ ra rằng, Hà Nội quá chín chắn và khôn khéo. Họ làm thế nhằm để Mỹ, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế cùng hiểu rằng, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam chẳng theo một cường quốc nào, dù là Mỹ hay Trung Quốc. Điều quan trọng nhất với Việt Nam, gói gọn lại, là “thượng tôn pháp luật” quốc tế. Philippines thì khác.

Trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng, Philippines bỗng trở thành một phần cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, và cùng là đối tượng cả hai bên lôi kéo.

Câu chuyện thực ra không mấy khó hiểu. Trong vấn đề Biển Đông, Washington cần sự ủng hộ của Manila và những đối tác chủ chốt trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Mỹ và Philippines còn có các quan hệ sâu sắc mang tính lịch sử: một hiệp ước quốc phòng chung có từ năm 1951 và mối quan hệ quân sự giữa hai nước tiếp tục được duy trì kể từ sau khi căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark ở Luzon đóng cửa năm 1992.

Còn Trung Quốc, thì một Philippines ứng xử như như những năm đầu cầm quyền của ông Duterte: lờ tịt phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (PCA); nhiệt tình với dự án khai thác chung tài nguyên trên biển; bỏ qua các hành động kiểu như “vụ Cỏ Rong” xảy ra năm 2019,… thì là quá tốt. Trong đàm phán COC, Trung Quốc cũng biết, quan điểm, ý kiến của Philippines có tác động quan trọng thế nào với các nước Asean trong thời điểm mà Asean, và thậm chí, cả Trung Quốc đều mong muốn có bước nhích thật sự về tiến độ đàm phán COC. Với Asean: để có một Biển Đông lặng sóng. Với Trung Quốc: để Mỹ thấy rằng, Asean đủ khả năng xử lý các tranh chấp Biển Đông như một vấn đề “nội bộ”, khỏi cần sự can thiệp của bất cứ quốc gia phương Tây nào.

Ngoài mẫu thuẫn ở Biển Đông, nhìn rộng hơn, cả Trung Quốc và Mỹ còn có những lợi ích đầu tư và thương mại trong mối quan hệ với Philippines – một thị trương khá lớn, giàu tiềm năng.

Về phía Philippines, sau nhiều năm duy trì mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, thậm chí, hủy liên minh truyền thống với Mỹ để đánh đổi nụ cười của ông Tập Cận Bình, thì vào tháng 6/2020, ông Duterte đã “tạ lỗi” ông  Donald Trump bằng động thái dừng thực hiện (thực chất là ngỏ ý khôi phục thỏa thuận quân sự then chốt với Mỹ) – động thái được coi là “mở cửa trở lại” để quân đội Mỹ đồn trú tại Philippines và thực hiện các hoạt động quân sự, trong đó có tập trận trên vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines.

Tuy nhiên, dù thế, đừng vội cho rằng Philippines “trở mặt” với Trung Quốc để trở lại với Mỹ.

Là bởi, Philippines ủng hộ quan điểm của Mỹ, kêu gọi Trung Quốc chấp nhận phán quyết của PCA. Nhưng tự Mỹ cũng thấy Manila chưa thật sự thịnh tình. Bởi lẽ, chỉ sau đó ít ngày, chính Manila lại nước đôi rằng, quân đội nước này chỉ tham gia tập trận với Mỹ trong phạm vi 12 hải lý gần bờ – điều rất khó xảy ra khi cường quốc số 1 thế giới bao giờ cũng tổ chức các cuộc tập trận với quy mô lớn.

Đã thế, tuy tỏ ra mặn mà với Mỹ, nhưng ông Duterte cũng tuyên bố rõ ràng rằng Philippines sẽ không tham gia chiến tranh vì những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh của Washington với Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Philippines còn nói toạc rằng “Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền. Chúng ta cũng đang tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc có vũ khí, chúng ta không có vũ khí. Mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy”.

Với Bắc Kinh, trong bối cảnh hiện nay, ứng xử của Philippines thế cũng là được. Nhưng cùng với sự cương quyết ngày càng tăng của Mỹ (theo quan điểm của Bắc Kinh), chắc chắn, họ còn muốn Philippines phải thật sự lạnh nhạt với Mỹ kia. Còn Washington: không nói ra, nhưng họ coi tuyên bố ngày 13/7 như ‘món quà” đắt tiền. Vậy mà Philippines cũng và các bên có yêu sách chủ quyền trên Đông lại chẳng mấy vồ vập, thì phí quá. Vậy là, không loại trừ, Mỹ có thể lại gây sức ép, hoặc toan tính thêm một con bài khác.

Một khi trường hợp đó xảy ra, Philippines trong thế kẹt, sẽ càng kẹt hơn giữa hai ông bạn lớn Trung Quốc và Mỹ.

Suy cho cùng, đó là cái giá cho đường lối ngoại giao kiểu “đu dây” của Manila vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới