Trong bối cảnh xung đột ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, hội nghị trực tuyến đánh giá về Hiệp định thương mại ban đầu dự kiến vào ngày 15/8 được coi là một cơ hội hiếm có để hai bên tiếp xúc, nhưng đã không thể diễn ra…
Quan hệ Mỹ – Trung đang ở vào thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều năm qua
Hôm 19/8, Donald Trump nói ông đã hoãn cuộc đàm phán với Trung Quốc và nói: “Bây giờ tôi không muốn nói chuyện với Trung Quốc”. Sau đó, Chánh văn phòng Nhà Trắng giải thích điều này không có nghĩa là Mỹ từ bỏ hiệp định thương mại với Trung Quốc. Hội nghị trực tuyến này đã trải qua nhiều sóng gió trắc trở, nhưng vẫn chưa được tổ chức; điều này đặt ra một dấu hỏi lớn cho triển vọng của Hiệp định thương mại Mỹ – Trung.
Trung Quốc và Mỹ đã ký giai đoạn đầu tiên của Hiệp định thương mại vào ngày 15/1 năm nay và có hiệu lực từ ngày 15/2. Hai nước ban đầu dự kiến tổ chức một cuộc họp để đánh giá việc thực hiện hiệp định sau 6 tháng có hiệu lực (tức ngày 15/8).
Tuy nhiên, trong sáu tháng qua, đại dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia, kinh tế toàn cầu rơi vào vũng lầy, Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông của Trung Quốc càng làm tăng thêm sự đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây. Một loạt sự kiện đã biến Hiệp định thương mại từ vấn đề cốt lõi của quan hệ Mỹ – Trung trở thành “tầm thường” qua lời ông Trump.
Hội đàm hay không?
Ngày 15/8, sau khi thông báo hoãn hội nghị trực tuyến đánh giá hiệp định thương mại, các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán nói rằng việc hoãn lại là do hội nghị giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Đới Hà.
Vào thứ Ba, 18/8, tại một sự kiện tranh cử ở Yuma, Arizona, ông Trump nói: “Tôi đã hoãn các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Mọi người có biết tại sao không? Lúc này không muốn nói chuyện với họ”.
Tổng thống Trump nói rằng ông làm như vậy vì ông oán trách Trung Quốc trong việc xử lý dịch bệnh: “Những gì Trung Quốc đang làm với thế giới thật không thể tưởng tượng được. Họ vốn dĩ đã có thể ngăn chặn được (virus)”.
Tuyên bố khá tiêu cực của ông Trump đã khiến triển vọng của Hiệp định thương mại Mỹ – Trung trở nên rất đáng lo ngại.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã làm rõ với các phóng viên: “Tôi không cho rằng ông ấy (Donald Trump) nói sẽ từ bỏ Hiệp định thương mại. Ông ấy nói rằng ông ấy đang xem xét”.
Ông Meadows thừa nhận chưa có cuộc đàm phán thương mại cấp cao mới nào giữa Trung – Mỹ được sắp xếp, nhưng hai bên vẫn đang giữ liên lạc về việc thực hiện giai đoạn đầu của Hiệp định thương mại.
Sau đó, tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Trung Quốc và Mỹ tiết lộ rằng các nhà đàm phán của hai nước có kế hoạch tổ chức hội nghị trực tuyến trong vài ngày tới.
Không bên nào thắng nếu từ bỏ hiệp định
Hai nước đang mập mờ về việc liệu họ có gặp nhau hay không. Nhưng không có lời nói hoặc hành động rõ ràng nào cho thấy từ bỏ hiệp định. Các nhà phân tích cho rằng nếu từ bỏ hiệp định sẽ không tốt cho cả hai nước.
Đối với Trung Quốc, nếu từ bỏ hiệp định sẽ khiến mâu thuẫn giữa hai nước càng thêm căng thẳng. Hồ Vinh, Phó giáo sư bất động sản và tài chính tại Đại học Trung văn Hồng Kông, cho rằng quan hệ Trung – Mỹ hiện đang ở mức tương đối thấp trong lịch sử, nếu mở rộng đối đầu trực diện và tranh chấp giữa hai nước không hạn chế thì thực sự sẽ không có lợi cho Trung Quốc.
Ngược lại, nếu Trung Quốc chủ động cài số lùi trong các vấn đề thương mại, nó có thể làm gia tăng tâm lý chống Trung Quốc trong nông dân Mỹ và các ngành như năng lượng; điều này sẽ có lợi cho cuộc bầu cử vào tháng 11 của ông Trump. Theo Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC) của Mỹ, Trung Quốc không muốn ông tái Trump đắc cử.
Đối với Mỹ, mặc dù Hiệp định thương mại không còn là vấn đề cốt lõi giữa Trung Quốc và Mỹ, việc từ bỏ nó có thể dẫn đến các cuộc tấn công từ Đảng Dân chủ. Claire Reade, một cựu quan chức của cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nói rằng nếu chính phủ buông tay để Hiệp định thương mại giai đoạn đầu chết, sẽ rất khó giải thích tại sao họ lại phải chịu đựng nỗi đau do cuộc chiến thương mại kéo dài gây ra.
Ông Joe Biden đã chỉ trích chính sách thương mại của Tổng thống Trump, nói rằng ông sẽ “đánh giá lại” sau khi trở thành tổng thống. Ông cho rằng Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm về thương mại không công bằng, nhưng không phải bằng biện pháp thuế quan đơn phương.
Bầu cử càng gần, biến số càng lớn
Trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, Mỹ khi mới phát động chiến tranh thương mại, cho rằng bằng cách buộc Trung Quốc thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ và tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các công ty Mỹ, những thiệt hại ngắn hạn của cuộc chiến thương mại sẽ được bù đắp bằng những lợi ích dài hạn.
Xét về góc độ kinh tế, dịch bệnh đã đưa kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng trầm trọng, phải xem xét lợi ích của bản thân, phải từ bỏ chiến tranh thương mại, tìm mọi cách cứu vãn nền kinh tế hiện tại, thông qua thị trường Trung Quốc vừa hồi phục để kích thích kinh tế Mỹ thoát khỏi vũng lầy.
Albert Park, Giáo sư đầu ngành Khoa Kinh tế của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông gần đây nói với BBC tiếng Trung rằng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, nên chuyển trọng tâm sang ngắn hạn hơn là dài hạn, điều này sẽ thu hút mọi người theo xu hướng hạn chế thay vì leo thang chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, đây đều là những tính toán kinh tế, rất có khả năng bị các tính toán chính trị chi phối và theo xu hướng tiếp tục tấn công Trung Quốc.
Khi cuộc tổng tuyển cử đến gần, xu hướng này sẽ ngày càng rõ ràng hơn.
Ông Hồ Vinh cho rằng trước đại dịch, chính quyền Donald Trump quan tâm hơn đến bảo hộ mậu dịch, hy vọng đạt được lợi ích trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, từ đó cộng điểm cho các chính sách kinh tế và đối ngoại của mình. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch bệnh, điều cấp bách nhất đối với ông Trump là làm thế nào để có thể kiếm phiếu trong cuộc bầu cử, làm thế nào để kiểm soát dịch bệnh và làm thế nào để khởi động lại nền kinh tế. Những chuyện này còn quan trọng hơn nhiều so với Hiệp định thương mại với Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng với việc cuộc tổng tuyển cử đến gần, khi Trump tin rằng ông cần làm nổi bật hơn nữa lập trường cứng rắn của mình đối với Trung Quốc và việc từ bỏ Hiệp định có thể phù hợp hơn với lợi ích chính trị của ông, thì Hiệp định này có thể chấm dứt. Ngoài ra, hai bên có thể ít tuyên truyền nhưng tiếp tục thực hiện nó trong thực tế.
Với việc kinh tế Trung Quốc dần phục hồi, các nỗ lực mua sắm của Trung Quốc đã dần tăng lên. Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 14/8 thông báo rằng họ đã bán 26.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc, đánh dấu ngày thứ tám liên tiếp hoàn thành một vụ giao dịch lớn với người mua Trung Quốc. Doanh số bán dầu thô sang Trung Quốc cũng đã tăng lên…