Các nhà khoa học lo ngại đội tàu cá lên tới 325 chiếc của Trung Quốc đã làm tổn hại đáng kể đến hệ sinh thái ở quần đảo di sản nổi tiếng Galapagos
Đội tàu cá Trung Quốc vây quanh quần đảo Galapagos.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy đội tàu cá Trung Quốc vây quanh quần đảo Galapagos của Ecuador. Có những tàu cá kích thước rất lớn, chiều dài tương đương sân bóng đá, tham gia đánh bắt hải sản cả ngày lẫn đêm.
Đội tàu cá đông đảo lên tới 325 chiếc không chỉ đe dọa những sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, mà còn gây ô nhiễm môi trường khi thải ra một lượng lớn rác, đặc biệt là rác thải nhựa mỗi ngày.
Theo các nhà nghiên cứu, đội tàu cá Trung Quốc nhắm tới vây cá mập, vì đây là món hàng rất có giá trị trên bàn ăn tại các nhà hàng ở đại lục và Hong Kong.
Năm 2017, giới chức Ecuador đã chặn một tàu cá Trung Quốc, phát hiện 300 tấn vây cá mập đông lạnh.
Tuần trước, cư dân địa phương đã bày tỏ sự phẫn nộ khi phát hiện xác cá mập bị cắt vây, trôi dạt vào bờ biển.
Gần đây, một con cá mập voi tên Hope đã biến mất khỏi hệ thống giám sát GPS, khiến các nhà nghiên cứu lo ngại rằng nó đã bị săn bắn. Vị trí cuối cùng của con cá mập voi là gần đội tàu cá Trung Quốc.
Esme Plunkett, nhà hải dương học Anh, có mặt tại hòn đảo Santa Cruz, nói: “Tôi chưa bao giờ thấy người dân địa phương tức giận như vậy. Họ rất bất bình trước hoạt động săn bắt hải sản của đội tàu cá Trung Quốc”.
Quần đảo Galapagos là nơi Darwin từng đến thăm vào năm 1835, nghiên cứu hệ sinh thái ở đây. Hoạt động này đóng góp lớn vào thuyết tiến hóa của Darwin.
Các nhà bảo tồn phát hiện ít nhất 18 loài sinh vật biển, bao gồm hải cẩu, rùa biển… bị vướng hay thậm chí là nuốt phải rác thải nhựa.
“Chỉ 25 phút, tôi thu thập được tới 45 bình nhựa có dán nhãn Trung Quốc”, Esme nói. “Rác thải nhựa như trên phải mất hàng trăm năm mới phân hủy”.
“Chỉ sau 2 năm, tôi chưa từng thấy lượng rác thải nhựa khổng lồ như vậy ở đây”, Esme nói.
Các tàu cá Trung Quốc tuyên bố chỉ đánh bắt mực. Nhưng không ít tàu có hành động đáng ngờ, tắt hệ thống định vị để tránh bị giám sát.
Oswaldo Jarrin, Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador nói: “Hành động đó đã vi phạm nguyên tắc, họ không muốn chúng tôi biết họ đang làm gì”.
Cựu giám đốc của Quỹ Charles Darwin, Arturo Izurieta, người lớn lên trên các hòn đảo, nói rằng mối đe dọa rất nghiêm trọng. Anh ấy nói: “Tôi lo sợ cho tương lai của chúng ta nếu hoạt động đánh bắt như vậy vẫn tiếp tục”.
“Họ đang phá hủy môi trường biển và đất liền. Chúng ta phải ngăn chặn hoặc có thể không còn Galapagos nào trong tương lai”, ông nói.