Có rất nhiều việc phải làm để xây dựng một chính phủ số mạnh, hoạt động hiệu quả. Sự xuất hiện của những công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn đã làm thay đổi phương thức sản xuất của thế giới, tạo ra các mô hình kinh tế, xã hội mới.
Nó cũng giúp các chính phủ hoạt động một cách hiệu quả hơn, cung cấp các dịch vụ công thuận tiện hơn ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương.
Tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nhiều quốc gia đang tiến tới xây dựng một chính phủ số mạnh. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Ngay từ những năm 2000, chính phủ đã coi công nghệ thông tin là một ngành mũi nhọn. Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về xây dựng chính phủ điện tử. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng cũng đã ký ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia” trong đó có đề cập đến xây dựng Chính phủ số.
Chính phủ số là một bước phát triển cao hơn của Chính phủ điện tử. Chính phủ số mang đến cho người dân các dịch vụ công bằng, toàn diện, bền vững, mọi lúc mọi nơi, không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời một chính phủ số minh bạch cũng giải quyết tình trạng tham nhũng, quan liêu, độc quyền trong khu vực công.
Trong bảng xếp hạng Chính phủ số mà Liên Hợp Quốc công bố mới đây, Việt Nam đứng thứ 86 trên tổng số 193 quốc gia. Mặc dù thứ hạng có cải thiện so với những năm trước nhưng đây chưa phải là một vị trí khiến chúng ta có thể hài lòng. Một số chỉ số thành phần như chỉ số Dịch vụ Trực tuyến (Online Service Index), chỉ số Dữ liệu chính phủ mở (Open Government Data Index) bị thấp đã kéo điểm xếp hạng của Việt Nam xuống.
Để xây dựng được một chính phủ số mạnh, nâng cao vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc, Việt Nam cần nhận thức rõ các thách thức cũng như những vấn đề mình cần cải thiện.
8 thách thức của Chính phủ số
Thách thức thứ nhất là Hạ tầng số. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9/2019 đã nêu rõ “quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế”. Rõ ràng, để xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số thành công, chúng ta cần xây dựng hạ tầng số với cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm hạ tầng thiết bị, truyền thông, hạ tầng dữ liệu, ứng dụng và không thể thiếu hạ tầng nghiên cứu phát triển. Trong đó, việc quan trọng nhất là kết nối cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Chúng ta cần phải xây dựng được một hạ tầng kết nối băng rộng, sử dụng công nghệ tiên tiến và những ứng dụng dùng chung nhằm đảm bảo được sự kết nối liên thông.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 cho thấy 47,4% doanh nghiệp công nghệ nói rằng Chính phủ cần nâng cấp hạ tầng công nghệ số quốc gia.
Thách thức thứ hai là con người vận hành, hay nói cách khác là nguồn nhân lực. Bất cứ hệ thống nào cũng cần những con người nắm rõ hoạt động của hệ thống để vận hành, duy trì. Việt Nam cần đào tạo lực lượng chuyên nghiệp về công nghệ số và trang bị kỹ năng số cho người lao động để đáp ứng được mọi yêu cầu công việc.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực (nói chung, không riêng lĩnh vực công nghệ) của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm trên thang điểm 10, xếp hạng thứ 11 trong 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á.
Ngoài ra, cuộc CMCN 4.0 đã đưa máy móc tự động hóa dần thay thế lao động thủ công. Vì vậy, nó cũng đặt ra bài toán mới đối với nguồn nhân lực tương lai nói chung và nguồn nhân lực trong khu vực công nói riêng.
Thách thức thứ ba là an toàn, an ninh mạng. Khi đã xây dựng được một hệ thống đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, phục vụ cho Chính phủ số, chúng ta cần phải bảo vệ hệ thống đó tránh các cuộc xâm nhập và phá hoại bên trong và ngoài nước. Hiện nay hầu hết mọi máy tính đều có khả năng kết nối toàn cầu khiến cho việc kiểm soát an toàn, an ninh thông tin được đặt ra cấp thiết. Chỉ khi bảo vệ được an toàn hệ thống thì mới triển khai được chính phủ số bền vững.
Thứ tư là tầm nhìn của người lãnh đạo. Trong bài nói chuyện với 14 hiệp hội về CNTT và truyền thông hồi tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng Chính phủ cần phải nhận thấy mình phải số hóa, phải chuyển đổi cách làm, vì không chuyển đổi thì thua trong cạnh tranh quốc tế. Chính phủ chuyển đổi thì đất nước mới phát triển nhanh hơn, xã hội ổn định hơn và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Xây dựng Chính phủ số không chỉ cần sự thay đổi nhận thức của người lãnh đạo Chính phủ mà lãnh đạo các bộ, ban, ngành cũng cần thay đổi tư duy. Cần nâng cao khả năng lãnh đạo chuyển đổi số đến từng cá nhân. Việt Nam cũng nên có chiến lược phát triển Chính phủ số gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.
Thách thức thứ năm là thể chế và khung pháp lý cho Chính phủ số. Trong Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập ở trên, cũng đã nêu rõ rằng “thể chế, chính sách còn nhiều bất cập”. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý phù hợp với thời đại số là rất cần thiết. Đây có thể được coi là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy, hoặc có thể kìm hãm sự phát triển chính phủ số nếu chúng ta làm không tốt.
Ngày 12/2/2020, tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành và 63 địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “việc hoàn thiện thể chế cần phải đi trước để tạo hành lang pháp lý cho chính phủ điện tử. Trong năm 2020 phải ban hành được các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, định danh và xác thực điện tử, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định thay thế về công tác văn thư; Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân…”.
Thách thức thứ sáu là tư duy hệ thống. Khi xây dựng bất kỳ một chương trình quốc gia một một hệ thống lớn, cần phải có tư duy hệ thống và cách tiếp cận tổng thể. Tính hệ thống là rất quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ. Thực tế hiện nay ở nước ta, việc kết nối dữ liệu giữa các bộ ngành là rất khó khăn do không có một phần mềm dùng chung. Có một bệnh viện tuyến TW có tới mười mấy phần mềm khác nhau dùng trong đăng ký, khám chữa bệnh mà dữ liệu giữa các khoa, phòng hầu như không được chia sẻ. Như vậy việc đầu tư khá tốn kém mà về mặt tổng thể lại không hiệu quả.
Thứ bảy là nguồn lực. Việc xây dựng bất cứ hệ thống nào cũng cần đến tiền bạc. Theo PGS.TS Ngô Thành Can – Học viện Hành chính Quốc gia – nhà nước cần điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực phù hợp với các kế hoạch, mức ưu tiên, bao gồm cả hình thức đối tác công – tư để phát triển Chính phủ số.
Thách thức cuối cùng là năng lực xã hội, hay nói cách khác là năng lực số của người dân. Khi Chính phủ đã xây dựng thành công một hệ thống dịch vụ công hoạt động trên nền tảng số, người dân cần phải có kiến thức để sử dụng hệ thống đó. Chẳng hạn như họ phải biết cách truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia để đăng ký giấy phép lái xe hay thay đổi thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội v.v…
Khả năng tiếp cận số của người dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, chính sách văn hóa, giáo dục… Sự chênh lệch về thu nhập cũng khiến một bộ phận dân cư bị tụt hậu, lạc lõng trong quá trình tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số.
Ngành Giáo dục Đào tạo hay ngành Thông tin Truyền thông cần trang bị kỹ năng số cho người dân để thu hẹp khoảng cách số giữa vùng nông thôn và thành thị, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam đã làm được gì sau một năm thực hiện Chính phủ điện tử?
Mặc dù từ năm 2015 chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, nhưng thực sự chỉ đến năm 2019 thì kế hoạch này mới được đẩy mạnh.
Ngày 7/3/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025. Sau đó đến ngày 12/3, Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ Công quốc gia. Trước đó, vào tháng 8/2018 thì Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban đã được thành lập.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 1 năm triển khai Chính phủ điện tử, đã có những chuyển biến tích cực trong việc sử dụng văn bản điện tử ở các cơ quan nhà nước. 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông, gửi nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019.
Cổng dịch vụ công quốc gia được chính thức khai trương từ 9/12/2019. Tính đến tháng 2/2020 đã có trên 44.200 tài khoản đã đăng ký; có hơn 13,4 triệu lượt truy cập; hơn 854.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đã tiếp nhận, trả lời trên 3.900 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp đến tổng đài hỗ trợ. Đến thời điểm này, đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đã tăng hơn hai lần, từ 55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019. Dịch vụ công trực tuyến của một số lĩnh vực có hiệu quả cao như Thuế (99,8% doanh nghiệp khai thuế điện tử), Hải quan (99,7% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử), Kho bạc (80% đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch tại kho bạc nhà nước tỉnh, quận, thị xã); Đăng ký kinh doanh (75% đăng ký doanh nghiệp qua mạng)…
Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối với 95/95 bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng; phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền. Tính từ thời điểm khai trương ngày 12/3/2019 đến ngày 10/2/2020, có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ Điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nêu rõ 3 mục tiêu cần phấn đấu: Thứ nhất, 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu. Thứ hai, 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia. Thứ ba, 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một nền tảng để mọi người dân, mọi doanh nghiệp có thể truy cập mọi dịch vụ của chính phủ trên một ứng dụng duy nhất trên điện thoại thông minh.