Bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế; lấy con người làm trung tâm và phát triển bền vững
Một đoạn sông Mê Kông.
Ngày 24/8/2020 vừa diễn ra trực tuyến Hội nghị cấp cao Hợp tác sông Mekong Lan Thương lần thứ ba. Lần thứ nhất tại Tam Á (Trung Quốc, 03/2016), lần thứ hai tại Phnom Penh (Campuchia, 01/2018).
Tại Hội nghị nội dung hợp tác quản lý và sử dụng nguồn nước Mekong đã được các nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian thảo luận. Hội nghị nhất trí, trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các nước ven sông cần đẩy mạnh hơn nữa việc chia sẻ thông tin số liệu thủy văn của lưu vực sông, thực hiện các nghiên cứu chung, đối thoại chính sách, quản lý lũ lụt và hạn hán, phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mekong.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Hợp tác Mekong-Lan Thương cần tập trung vào hợp tác sử dụng, quản lý nguồn nước Mekong và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho sự phát triển bền vững của lưu vực; chia sẻ thông tin, số liệu thủy văn cả năm; tăng cường mạng lưới các trạm quan trắc tự động tài nguyên nước; củng cố hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai; phối hợp với Ủy hội sông Mekong và các đối tác quốc tế.
Thủ tướng Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin số liệu thủy văn cả năm của sông Lan Thương (đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ Trung Quốc), mong muốn thảo luận về xây dựng kênh chia sẻ thông tin số liệu thuỷ văn giữa các nước Mekong-Lan Thương và triển khai các dự án hợp tác chung về cảnh báo lũ lụt, thiên tai.
Thủ tướng Trung Quốc còn nói sáu quốc gia trong LMC là “một cộng đồng trên thực tế với một tương lai chung được liên kết bởi cùng một nguồn nước”, ông Lý nhấn mạnh sự hợp tác giữa các nước bắt nguồn từ nước và chính con sông này đã thúc đẩy tinh thần hữu nghị giữa các quốc gia.
Cái mới trong phát biểu này là Trung Quốc đề cập đến sáu nước trong lưu vực sông Mekong như là một cộng đồng có một tương lai chung được liên kết bởi cùng một nguồn nước; là Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin số liệu thủy văn cả năm của sông Lan Thương.
Vấn đề quản lý và sử dụng nguồn nước tưởng chừng đã có bước tiến lớn, đã được sự đồng thuận cao giữa Trung Quốc với năm nước còn lại trong lưu vực. Nhưng nội dung cần làm rõ nằm ở đoạn “(TQ) mong muốn thảo luận về xây dựng kênh chia sẻ thông tin số liệu thuỷ văn giữa các nước Mekong-Lan Thương và triển khai các dự án hợp tác chung về cảnh báo lũ lụt, thiên tai.”.
Có nghĩa là một sự sẵn sàng chia sẻ với hai điều kiện: Phải thảo luận về kênh chia sẻ thông tin, số liệu; triển khai các dự án hợp tác.
Hãy tiếp nhận thêm thông tin từ Tuyên bố ngày 25/8/2020 của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong, về phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm với các nước Mê Kông.
Tuyên bố của Ban Thư ký đã ghi lại phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại hội nghị: “Chúng tôi muốn làm việc với các bạn để thiết lập một nền tảng chia sẻ thông tin theo hợp tác tài nguyên nước này”; “Sông Lancang bắt nguồn từ phía Trung Quốc, do đó, phía Trung Quốc sẽ đóng một vai trò chính trong việc đưa ra một nền tảng mà sẽ được hoàn toàn mở cửa cho tất cả sáu nước Mekong”.
Trung Quốc hầu như không nhắc đến Ủy Hội sông Mekong (MRC), mặc dù từ năm 2003 MRC và Trung Quốc, với tư cách là đối tác đối thoại (dialog partner) của MRC, đã ký kết Thỏa thuận về cung cấp thông tin thủy văn gồm có mực nước và lượng mưa ngày tại hai trạm thủy văn Jinghong và Manwan trong mùa lũ, từ 15/06 -15/10 mỗi năm. Thỏa thuận này đã được tiếp tục ngày 29/8/2008 và gần đây nhất, ngày 17/7/2019.
Có rất nhiều điều cần được làm rõ liên quan đến quản lý nguồn nước sông Mekong tại hội nghị. Ví dụ “Nền tảng chia sẻ thông tin” sẽ được xây dựng là gì? Vai trò chính, vai trò của các bên liên quan và bài toán cân bằng lợi ích sẽ ra sao? Vai trò của MRC sẽ là gì? v.v. …
Tác giả hoàn toàn đồng ý với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về những tiêu chí mà hợp tác Mekong-Lan Thương cần bảo đảm để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về một tầm nhìn Mekong-Lan Thương hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Đó là “Phải hợp tác trên cơ sở lòng tin, quan hệ chân thành, thẳng thắn, hữu nghị; bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế; lấy con người làm trung tâm và phát triển bền vững là nội dung xuyên suốt; chú trọng tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung và bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước thành viên; hoạt động có trọng tâm, trên cơ sở phát huy thế mạnh của các nước thành viên; phối hợp hài hòa với ASEAN và các cơ chế hợp tác Mekong khác”.