Chứng khoán Mỹ dồn dập lập kỷ lục, các chỉ số vọt lên các đỉnh cao mới và mang lại lợi thế không nhỏ cho ông Donald Trump trước đối thủ Biden khi cuộc bầu cử đến gần. Đây là một tín hiệu không mấy tốt lành với Trung Quốc.
Khoảng cách đang thu hẹp lại.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục ghi nhận sức mạnh đáng kinh ngạc với chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 3.400 điểm nhờ đà tăng của cổ phiếu công nghệ và một số cổ phiếu hưởng lợi từ việc tái mở cửa.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng mạnh và lập kỷ lục mới: 11.379,7 điểm. Cổ phiếu Apple tăng thêm 1,2%, Facebook tăng 1,6%, Amazon tăng 0,7% trong khi Alphabet tăng 0,6%.
Như vậy, cả 4 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của Mỹ đều tăng mạnh, lên các đỉnh cao và kéo thị trường chứng khoán chung tiếp tục đi lên trước sự bất lực của những lực lượng bán khống cổ phiếu trên thị trường.
Không chỉ nhóm công nghệ, một loạt cổ phiếu trong lĩnh vực hàng không, du thuyền, du lịch,… cũng khởi sắc trong bối cảnh chính quyền ông Donald Trump cấp phép khẩn cấp cho phương pháp điều trị Covid-19 mới.
Cổ phiếu United Airlines, Detal Airlines và American Airlines tăng hơn 9%. Cổ phiếu Carnival vọt trên 10%, Norwegian Cruise Line và Royal Caribbean lần lượt tăng tương ứng gần 8% và gần 5%.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực, bất chấp nước Mỹ vẫn bế tắc về gói cứu trợ mới do sự bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về một số điểm.
Sở dĩ các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục lập các kỷ lục cao là bởi giới đầu tư đặt kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại vững chắc của nền kinh tế Mỹ sau khi chính quyền ông Donald Trump cấp phép cho phương pháp điều trị Covid-19 mới.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang tiến hành quy trình cấp phép khẩn cấp cho việc sử dụng huyết tương chống Covid-19 vì tin vào những hiệu quả mà nó mang lại cho những người nhiễm bệnh.
Theo FDA, những lợi ích đã biết vượt trội hơn hẳn so với những nguy cơ, cả đã biết và tiềm ẩn, trong việc sử dụng sản phẩm này. Theo đó, huyết tương được lấy từ những bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi sẽ được đưa vào người nhiễm vì nó mang kháng thể chống virus. Phương pháp này được sử dụng cho những người đang trong tình trạng nguy kịch vì bệnh.
Ông Trump hôm 23/8 cho biết, phương pháp điều trị bằng huyết tương giảm 35% tỷ lệ tử vong.
Trong khi đó, theo Financial Times, chính quyền ông Trump cũng đang xem xét theo dõi nhanh một loại vaccine thử nghiệm được phát triển ở Anh để sử dụng ở Mỹ trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11 tới.
Trong ngày đầu tuần, số liệu cho thấy, số ca nhiễm mới Covid-19 tiếp tục giảm ở Mỹ. Số ca nhiễm tại Mỹ đã giảm vững chắc xuống dưới ngưỡng 50 nghìn ca mỗi ngày, sau khi tăng đột biến lên đỉnh 64 nghìn ca hồi đầu tháng. Hôm 23/8, Mỹ ghi nhận chưa tới 37 nghìn ca nhiễm mới.
Trung Quốc gặp khó
Những tín hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán Mỹ đang giúp ông Trump vươn lên trong cuộc bầu cử tại Mỹ. Theo khảo sát mới nhất của CNN, sự dẫn trước của ứng viên Biden so với ông Trump trong số các cử tri đã đăng ký bị thu hẹp đáng kể, tỷ lệ là 50% so với 46%, với biên độ sai số là +/-4%. Tỷ lệ này trong tháng 7 là 55% và 40%.
Đáng chú ý, tại 15 bang chiến địa, ông Trump có sự ủng hộ của 10 bang, còn ông Biden có sự ủng hộ tại 5 bang. Đây là tín hiệu cho thấy ông Trump có lợi thế về khả năng giành phiếu đại cử tri.
Cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 dường như đang lặp lại kịch bản cuộc đua 2016 khi mà bà Hillary Clinton liên tục dẫn xa ông Trump lên tới trên dưới 10 điểm phần trăm, nhưng bất ngờ thua cuộc. Ở các bang chiến địa khi đó, tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên là ngang ngửa. Cú đánh hội đồng của bên Dân chủ đã không thể chiến thắng được ông Trump.
Tình hình giờ đây đã khác khá nhiều, ông Trump hiện là đương kim tổng thống và có hàng loạt chính sách mang lại sự bứt phá cho nền kinh tế Mỹ nói chung và thị trường lao động Mỹ nói riêng trước khi bị suy sụp bởi đại dịch Covid-19.
Cuộc chiến với Trung Quốc cũng đã giúp Mỹ lấy lại được sự cân bằng hơn trong các hoạt động giao thương và làm ăn với nước này trên trường quốc tế. Nó cũng giúp người Mỹ thấy lại được vị thế của cường quốc số 1 trên thế giới, ít nhất là về mặt công nghệ, tiền tệ và thị trường vốn.
Sự bứt phá của thị trường chứng khoán Mỹ trong suốt vài tháng gần đây đã mang đến lợi thế không nhỏ cho ông Donald Trump.
Chứng khoán Mỹ dồn dập lập kỷ lục, chỉ số công nghệ liên tục lên các đỉnh cao mới khiến giới đầu tư hào hứng bất chấp nước Mỹ bất ổn vì đại dịch Covid-19. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi nhận khoảng 35 phiên lập kỷ lục cao mới kể từ đầu năm nay và tăng gần 27% so trong khoảng thời gian này.
Một điểm đáng chú ý là, căng thẳng Mỹ-Trung giúp các đại gia công nghệ Mỹ bứt phá. Hàng loạt cổ phiếu công nghệ Mỹ tăng ấn tượng trong thời gian qua và hầu hết ở trên đỉnh lịch sử như: Facebook, Amazon, Netflix, Alphabet, Microsoft, Apple,…
Cuộc chiến giữa ông Donald Trump với Trung Quốc đã giúp giới đầu tư nhận ra rằng, các công ty công nghệ của Mỹ vẫn có sức mạnh vượt trội so với Trung Quốc. Bên cạnh đó, những đòn tấn công của ông Trump nhắm vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như TikTok (của ByteDance), WeChat (của Tencent Holdings), Huawei và ZTE,… có thể tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ.
Những thông tin về kết quả kinh doanh ấn tượng của nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ cùng với số liệu tích cực bất ngờ của lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế số 1 thế giới cũng đã hút dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán.
Bên cạnh đó, chứng khoán Mỹ tăng còn nhờ một Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) “hào phóng”. Fed mới chỉ sử dụng một phần trong các chương trình cho vay khẩn cấp trị giá khoảng 2.000 tỷ USD nhằm tạo thanh khoản cho thị trường. Nó cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ còn nhiều dư địa để đảm bảo thanh khoản cho các hệ thống.
Giới đầu tư đang chờ tín hiệu từ một sự kiện quan trọng: Hội nghị Jackson Hole, nơi mà những tín hiệu chính sách tiền tệ có thể được đưa ra. Hội nghị năm nay sẽ đề cập đến các chính sách tiền tệ của chính phủ Mỹ, nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu. Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ có bài phát biểu vào sáng 27/8, theo giờ địa phương.