Cuộc điều tra của hãng tin Al Jazeera cho thấy chỉ trong vòng 2 năm, hơn 1.000 người Nga giầu có đã chi mỗi người ít nhất 2,5 triệu USD để mua “hộ chiếu vàng” của đảo Síp.
Chương trình đầu tư lấy hộ chiếu của Síp đã bị Liên minh châu Âu chỉ trích
Một cuộc điều tra đối với hơn 1.400 tài liệu bị rò rỉ của chính phủ Síp – được gọi là “Hồ sơ Síp” – cho thấy hơn 1.000 người Nga đã nhận được hộ chiếu nước này thông qua cơ chế đầu tư để đổi lấy hộ chiếu của chính phủ Síp có tên gọi Chương trình Đầu tư Síp (CIP).
“Hồ sơ Síp” bao gồm 1.471 đơn xin cấp hộ chiếu, trong đó có tên của 2.544 người, những người từng nhận hộ chiếu Síp kể từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019. Để xin hộ chiếu Síp, đương đơn phải đầu tư ít nhất 2,5 triệu USD vào đảo quốc này, hầu hết là vào lĩnh vực bất động sản.
Theo các tài liệu mà Al Jazeera có được, gần một nửa những người được cấp hộ chiếu đến từ Nga, cho thấy cách các tỷ phú, tầng lớp kinh doanh và chính trị nước này dùng tiền để mua một vị tại Síp, một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, qua đó cho phép họ có thể tự do đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng tại toàn bộ 27 quốc gia thành viên của Liên minh.
Tại sân bay quốc tế Larnaca ở Síp, có các biển hiệu bằng tiếng Nga chào mời các cơ hội đầu tư, các bất động sản sang trọng và các quảng cáo cho nhiều dịch vụ muốn xử lý đơn xin cấp hộ chiếu. Điều này phần nào cho thấy người Nga đã trở nên quan trọng như thế nào đối với chương trình CIP.
Theo Al Jazeera, nhiều người Nga xin hộ chiếu Síp làm giàu thông qua các mối quan hệ chính trị và kinh tế với chính phủ Nga, vài người trong số họ giữ các vai trò chính thức khiến họ có thể gặp rủi ro về chính trị.
Theo các quy định mới được Síp thông qua hồi năm ngoái, những người có thể bị rủi ro về chính trị giờ đây bị cấm mua hộ chiếu Síp, nhưng những người đã được cấp thì vẫn được giữ hộ chiếu.
Trong số hơn 1.000 người Nga có tên trong danh sách mua hộ chiếu là một số nhân vật giàu nhất nước này, trong đó có ít nhất 9 tài phiệt Nga, với khối tài sản của mỗi người trị giá trên 1 tỷ USD.
Hơn một chục trong số những người nhà của họ giờ đây cũng là công dân Síp, cho phép họ có thể chuyển tiền khắp thế giới mà ít bị xem là “rủi ro cao” vì họ giờ đây có thể sử dụng quốc tịch Liên minh châu Âu (EU).
“Cửa sau” để vào châu Âu
Kể từ khi Síp bắt đầu thực hiện chương trình CIP, Liên minh châu Âu đã chỉ trích mạnh mẽ cơ chế này, cho rằng nó có thể là cửa sau để vào phần còn lại của châu Âu.
“Những kẻ phạm tội đang gây nguy hiểm cho an ninh của châu Âu hoặc muốn tham gia vào hoạt động rửa tiền tại đây”, Vera Jourova, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu EC vào năm 2018, nói.
Sau cuộc điều tra của Al Jazeera, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi thay đổi chương trình đầu tư lấy hộ chiếu mà Síp và các quốc gia thành viên EU khác đang áp dụng.
Trong một bức thư gửi Cao ủy pháp lý Liên minh châu Âu, nghị sĩ châu Âu Sophie in ‘t Veld cho rằng đã đến lúc “Ủy ban cần có hành động cương quyết hơn về vấn đề này”.
“Rõ ràng, vụ việc trở thành không thể hiểu được và không thể giải thích được đối với các công dân EU, những người đang chiến đấu cho sự công bằng và chống lại tham nhũng. Do đó, một chính sách tham vọng của EU và khung quy định là rất cần thiết”, nghị sĩ trên nói.